Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kĩ.
Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng hai phút.
Ấu trùng sán lợn. (Ảnh: Dân trí)
Trao đổi với PGS. TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP HCM, cho biết, đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng có thể mắc các thể bệnh khác nhau.
Để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài…; và các xét nghiệm.
Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Trong những ngày vừa qua, thông tin hàng trăm học sinh trường tiểu học ở Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn đã khiến nhiều người lo lắng. Các bậc phụ huynh vẫn còn băn khoăn không biết nên chăm sóc và xây dựng chế độ ăn uống cho con em như thế nào.
Trước thắc mắc này, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết, chế độ chăm sóc cho người bị nhiễm sán lợn không có gì đặc biệt hay thay đổi.
Chủ yếu, người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống, dinh dưỡng theo khuyến cáo phù hợp với lứa tuổi, giới tính và mức độ hoạt động thể lực, đồng thời tuân thủ nguyên tắc về an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi và thực hiện đúng lộ trình điều trị của bác sĩ.
Trong thời gian khi dịch tả lợn châu Phi và sán lợn ngày càng lan rộng, mọi người không nên ăn các món ăn tái, chưa được chế biến chín hoặc lên men tự nhiên.
Đối với tiết canh cần phải tuyệt đối tránh vì đây là môi trường lí tưởng cho các vi khuẩn, kí sinh trùng gây bệnh có thể lây sang con người.
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân:
- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kĩ, chế biến hợp vệ sinh.
- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
- Quản lí phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.
- Người có sán lợn trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Lối sống 08:58 | 29/03/2019
Lối sống 10:12 | 27/03/2019
Lối sống 15:58 | 20/03/2019
Lối sống 14:45 | 20/03/2019
Pháp luật 19:47 | 19/03/2019
Thời sự 16:21 | 19/03/2019
Thời sự 16:00 | 19/03/2019
Lối sống 14:37 | 19/03/2019