Người lao động nhập cư và kí túc xá công nhân: Quả bom nổ chậm hẹn giờ của ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á

Singapore là quê hương của khoảng 1,4 triệu lao động nhập cư chủ yếu đến từ Nam Á và Đông Nam Á. Đây là lực lượng lao động cần thiết đối với nền kinh tế Singapore nhưng cũng là những người được trả lương thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Rubel, một công nhân nhập cư 28 tuổi ở Singapore, vô cùng sợ hãi. Kí túc xá mà anh và các công nhân nước ngoài khác sống đã bị phong tỏa. Không ai được phép ra vào trong bối cảnh chính phủ Singapore đang tìm mọi cách để ngăn chặn dịch Covid-19 bùng phát ở đây.

Trong những tuần gần đây, đảo quốc Sư tử đã ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến với hàng ngàn trường hợp mới có liên quan đến các khu kí túc xá của công nhân người nước ngoài ở Singapore. Trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, chính phủ Singapore đã cố gắng cách li các khu kí túc xá, nhân viên xét nghiệm và đưa các bệnh nhân có triệu chứng nhiễm bệnh vào các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, những biện pháp đó đã khiến cho hàng trăm ngàn công nhân bị mắc kẹt trong kí túc xá. Họ buộc phải sống trong một không gian chật chội khiến cho yêu cầu giãn cách xã hội gần như không thể thực hiện được.

Sáu năm trước, Rubel từ Bangladesh đến Singapore và làm việc trong ngành xây dựng, kiếm tiền gửi về gia đình. Giờ đây, bên cạnh nguy cơ về sức khỏe và an toàn tính mạng của bản thân, anh còn lo lắng cho những người phụ thuộc vào anh: "Tôi sợ dịch bệnh. Nếu chẳng may tôi bị nhiễm bệnh, tôi sẽ không thể chăm sóc gia đình mình", anh nói.

Trong 3 tháng đầu tiên khi dịch bùng phát, Singapore được ca ngợi như một hình mẫu về khả năng đối phó và ngăn chặn sự lây lan của virus corona mà không cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt. Tuy nhiên đến tháng 4, số lượng ca nhiễm ở đây đột ngột tăng mạnh.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tổng số trường hợp nhiễm virus corona ở Singapore đã tăng từ 266 người lên 12,075 người kể từ ngày 17/3. Và kể cả khi các ca nhiễm mới tăng với số lượng hơn 1.000 người mỗi ngày thì hầu hết đều tập trung vào các công nhân nhập cư.

Người nhập cư – lực lượng lao động chính của Singapore

Thủ tướng đầu tiên của Singapore, Lý Quang Diệu đã đưa quốc đảo Sư tử trở thành đô thị phát triển như ngày nay. Nhưng phần lớn cảnh quan ở Singapore, bao gồm các địa điểm mang tính biểu tượng như Vịnh Marina, được xây dựng bởi các công nhân lao động nhập khẩu.

Bốn mươi năm trước, Singapore là quốc gia kém phát triển với thu nhập bình quân đầu người là 4.071 USD một năm, theo Tổ chức Lao động Quốc tế. Không có nhiều đất đai hoặc tài nguyên thiên nhiên, chính phủ Singapore thay vào đó tập trung đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là các môn học STEM và đào tạo nghề. Mục tiêu trở thành một quốc gia thịnh vượng thông qua việc tạo ra một nền kinh tế định hướng xuất khẩu bằng con đường công nghiệp hóa.

Nhưng Singapore đã và vẫn tồn tại một vấn đề về nhân lực khi dân số ở đây còn ít. Vì vậy, chính phủ quốc gia này chuyển sang tìm kiếm lao động từ nước ngoài và duy trì đến bây giờ. Trong số 5,7 triệu cư dân của đất nước hiện nay, gần 1/4 là lao động nước ngoài theo số liệu của chính phủ Singapore.

Kế hoạch đầy tham vọng để phát triển Singapore đã có hiệu quả - ít nhất là đối với người dân Singapore. Lao động nước ngoài với chi phí thấp thúc đẩy tăng trưởng, nâng thu nhập trung bình của Singapore lên 56.786 USD vào năm 2019. Singapore trở thành một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới tính theo GDP bình quân đầu người.

Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, những lao động nhập cư phải chịu một môi trường sinh sống và làm việc với điều kiện khó khăn, nhận được phúc lợi hoặc sự bảo vệ ít hơn so với các nước láng giềng của Singapore. Điều đó có nghĩa là khi một cuộc khủng hoảng như Covid-19 xảy ra, họ là người đầu tiên và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mỗi kí túc xá là một 'quả bom hẹn giờ'

Singapore bắt đầu ghi nhận số lượng các ca nhiễm tăng đột biến trong ngày 4/4 với 75 trường hợp mới – một bước nhảy lớn nhất trong một ngày tại thời điểm đó.

Lần theo dấu vết nguồn gốc của virus, các nhà chức trách Singapore đã tìm thấy ổ dịch là một trong những khu kí túc xá được xây dựng dành riêng cho công nhân nhập cư. Khoảng 200.000 công nhân sống trong 43 kí túc xá ở Singapore, theo Bộ trưởng Bộ Nhân lực Josephine Teo.

Những khu kí túc xá ở Singapore có một đặc điểm chung là điều kiện sinh hoạt chật chội. Mỗi phòng có từ 10-20 công nhân sinh sống với diện tích khoản 4,5m2 mỗi người, tương ứng một phòng có diện tích từ 45-90m2. Đây là qui định của chính phủ Singapore.

Các công nhân nằm ngủ trên một chiếc giường tầng cách nhau chỉ vài bước chân. Phần lớn họ là nam giới đến từ các nước kém phát triển. Họ dùng chung nhà vệ sinh, phòng tắm, dây phơi quần áo, chỗ trữ đồ đặc và xếp hàng khi đi ăn cơm.

Và như vậy ở đây gần như không có cách nào để thực hiện giãn cách xã hội hoặc tránh tiếp xúc gần. Đó có thể là lý do vì sao virus corona ở đây lại lây lan nhanh đến vậy.

Alex Au, Phó chủ tịch của Tổ chức phi lợi nhuận Singapore Transient Workers Count Too (TWC2) cho biết, có một thực tế là chính quyền Singapore dường như đã bỏ qua nguy cơ này và không cảnh báo cho cộng đồng người lao động nhập cư cho đến khi quá muộn.

Người lao động nhập cư và kí túc xá công nhân Singapore: Quả bom nổ chậm hẹn giờ của ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh 1.

Ban công của một kí túc xá công nhân nhập cư hiện đã bị phong tỏa từ ngày 17/4 (Ảnh: CNN).

Khi số lượng các trường hợp mới hàng ngày tăng đột biến, chính phủ Singapore đã phong tỏa các kí túc xá, tăng cường các biện pháp vệ sinh bên trong và đóng cửa các không gian giải trí chung. Họ cũng cố gắng giảm tải mật độ cư dân ở đây, chuyển một số công nhân vào các trại quân đội, khách sạn và căn hộ bỏ trống.

Trong một số kí túc xá, công nhân ở đây cho biết các biện pháp của chính phủ Singapore đã giúp trấn an mọi người. Zasim, một công nhân 27 tuổi đến từ Bangladesh cho biết, anh đã được chính phủ cung cấp khẩu trang, nước rửa tay, dụng cụ vệ sinh, xà phòng và trái cây tươi. Các nhà chức trách cũng đã cung cấp WiFi miễn phí và thêm thẻ điện thoại để Zasim và bạn cùng kí túc xá có thể dành cả ngày để nói chuyện với bạn bè và gia đình.

Giống như Rubel, mối quan tâm chính của Zasim là thu nhập bị ảnh hưởng khi việc phong tỏa diễn ra. Tuy nhiên, anh cũng cảm thấy bớt lo lắng hơn khi chính phủ Singapore cho biết người lao động nhập cư có thể nhận được tiền phụ cấp từ người tuyển dụng ngay cả khi họ không thể làm việc được.

Rubel cũng vậy. Không gian sống của anh hiện đã sạch sẽ và các công nhân được cung cấp thức ăn - nhưng không khí ở kí túc xá vẫn rất căng thẳng. Ngay cả khi các biện pháp bảo vệ được bổ sung, mọi người vẫn ở sát gần nhau và lo lắng về những người mang mầm bệnh không có triệu chứng.

Tommy Koh, một luật sư Singapore và cựu nhà ngoại giao, chia sẻ quan điểm: "Các kí túc xá giống như một quả bom hẹn giờ đang chờ phát nổ".

Kêu gọi cải cách

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại các kí túc xá đã khiến các nhà hoạt động kêu gọi cải cách rộng hơn về điều kiện sống và làm việc cho những người lao động nhập cư ngay cả sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Làm việc trong một thành phố với mức lương tối thiểu, lao động nhập cư chỉ kiếm được một phần tiền lương rất thấp so với nhân viên người Singapore bản địa. Công nhân nhập cư trung bình kiếm được khoảng 400 đến 465 USD một tháng, so với mức lương trung bình hàng tháng của người Singapore là 3.077 USD, theo dữ liệu của TWC2.

Một số doanh nghiệp không cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế hoặc cho phép người lao động nhập cư nghỉ ốm. Hậu quả của điều này trở nên rõ ràng trong đại dịch. Ngay cả vào thời điểm cuối tháng 3, một số chủ lao động vẫn không khuyến khích công nhân nhập cư đi khám bệnh khi cảm thấy không khỏe, hoặc trả lương cho nhân viên khi họ nghỉ làm vì nhiễm bệnh.

Và công nhân nhập cư không có sự lựa chọn nào khác. Thị thực của họ được gắn với chủ lao động, những người có thể chấm dứt giấy phép làm việc của họ bất cứ lúc nào.

Trước sự bùng phát của virus corona, một số nhà lãnh đạo chính phủ Singapore thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện quyền và mức sống của người lao động nhập cư.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.