Ngại đến chỗ đông người vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, nhiều trung tâm thương mại tại TP HCM vài ngày qua rất vắng khách tham quan, mua sắm.
Trong khi đó, các siêu thị sau Tết cũng không quá đông khách. Tuy nhiên, do lo ngại dịch nCoV nên nhiều người tiêu dùng có tâm lí mua trữ sẵn lượng lớn thực phẩm dùng trong nhiều ngày, để hạn chế đi mua sắm. Vì vậy, những ngày gần đây, cứ buổi sáng là nhiều khay thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là rau củ quả nhanh chóng hết sạch.
Ghi nhận sáng 4/2, mới hơn 10h, nhiều khay đựng rau củ quả tại một siêu thị trên đường Lữ Gia (quận 11) đã vơi hàng gần hết. Bình thường, mỗi loại thực phẩm như bắp cải, xà lách… được bày trong 1 hoặc 2 khay, tuy nhiên, do nhiều loại rau củ khác hết hàng nên được bày dàn trải.
Tương tự, những loại rau xanh khác như hành lá, ngò gai… cũng chỉ còn vài bó nhỏ, dù chưa hết giờ trưa.
Bà Bích Ngọc (quận 11) cho biết do bận việc buổi sáng nên bà đến siêu thị mua thực phẩm muộn hơn bình thường. Không còn nhiều rau xanh, bà quyết định chỉ mua đủ dùng trong ngày.
"Ngày mai, tôi sẽ qua sớm hơn để mua. Mấy hôm nay người ta sợ dịch, ít đến chỗ đông người nên mua rau củ nhiều, trữ trong tủ lạnh dùng cho nhiều ngày. Nhà tôi cũng vừa hết nên mới đi quay lại siêu thị, mấy hôm rồi, lần nào qua đây cũng mua đầy xe", bà Ngọc nói.
Trong khi đó, một siêu thị khác nằm trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), rau xanh các loại vào đầu ngày vẫn rất phong phú và nhiều hàng. Tuy nhiên, tại đây, một loạt mặt hàng thiết yếu khác như sữa tươi, sữa chua, trứng, đặc biệt là mì gói lại không dồi dào.
Tại quầy sữa chua chỉ còn lác đác vài hộp. Trong khi thường ngày, đây là khu vực có nguồn hàng rất dồi dào.
Khu vực vơi hàng nhiều nhất chính là mì gói. Một số kệ chất mì gói theo thùng hết sạch, mì gói bán lẻ của một số thương hiệu cũng không còn gói nào, hoặc còn rất ít.
Nhân viên liên tục thêm hàng và tìm sản phẩm mà khách yêu cầu. Một nhân viên cho biết sức mua mì gói sau Tết lại tăng cao. Hỏi ra thì khách hàng cho biết để chế biến thành món dùng trong nhà, hạn chế đi ăn bên ngoài vì đông đúc.
Lo ngại dịch viêm phổi cấp, hạn chế đến nơi đông người, vì vậy, hầu hết bà nội trợ đi siêu thị đầu năm đều tự trang bị khẩu trang y tế để phòng dịch. Một số người cũng cho biết gia đình có con nhỏ hạn chế dẫn bé đi theo vừa mua sắm vừa vui chơi như trước đây.
Trước thông tin phản ánh hàng thực phẩm những ngày gần đây luôn nhanh chóng vơi hàng từ sớm, đại diện các nhà bán lẻ cho biết sau Tết, nhu cầu thực phẩm tươi sống, rau xanh tăng cao hơn. Một phần cũng đến từ nguyên nhân người dân hạn chế đến chỗ đông người, bổ sung đầy đủ chất tăng sức đề kháng.
Siêu thị khẳng định việc vơi hàng đây chỉ là tình hình cục bộ tại một vài siêu thị thuộc hệ thống, và được khắc phục sau đó để đảm bảo nhu cầu của khách hàng.
Đồng thời, các siêu thị cũng khẳng định có nguồn hàng dự trữ, thay thế nhanh để tránh tối đa việc trống hàng trên quầy kệ.
Tại Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực doanh nghiệp, cho biết không có tình trạng thiếu hàng. Các nhà cung cấp của hệ thống bán lẻ này đã đi vào hoạt động ổn định sau Tết, và lượng hàng sẽ dồi dào hơn.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2020 ước tính đạt 448.100 tỉ đồng, tăng 10,2% so với cùng kì năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2%.
Cơ quan Thống kê đánh giá hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tháng 1/2020 diễn ra sôi động. Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.
Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước đạt 346.200 tỉ đồng, tăng 10,7% so với cùng kì năm trước.
Một số địa phương có mức tăng khá so với năm ngoái như Nghệ An (tăng 18,7%), Hải Phòng (tăng 14,3%), Hà Nội (tăng 14,7%)...
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 1/2020 ước đạt 50.600 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kì năm trước. Trong đó doanh thu của Đà Nẵng tăng 14,2%, Hải Phòng tăng 12%, Quảng Trị tăng 9,7%...
Doanh thu du lịch lữ hành cũng khoảng 4.200 tỉ đồng, tăng 7,4% so với cùng kì năm trước, trong đó doanh thu của Đà Nẵng tăng 16,6%, Cần Thơ tăng 9,2%, TP HCM tăng 7,2%…
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020