Ngày con bước vào lớp 1, bố mẹ bất đắc dĩ mang thêm trọng trách mới, bạn học kiêm gia sư tại nhà của con. Những tưởng con hết giai đoạn đi nhà trẻ, mẫu giáo, chuyện ăn uống, vệ sinh đã tự chủ thì bố mẹ sẽ nhàn hơn. Nhưng không, con bắt đầu đi học, bố mẹ lại có những mối lo toan khác. Giờ đây không còn chỉ lo cho con miếng ăn giấc ngủ, mà còn phải thúc ép con học, kiểm tra bài vở của con.
Phải công nhận rằng bố mẹ Việt là những bố mẹ yêu con hết mực. 8 tiếng làm quần quật nơi công sở chưa đủ mệt, tối về còn kiên nhẫn học cùng con. Con lên lớp 1 thì bố mẹ cũng lên lớp 1, con lên lớp 2 thì bố mẹ cũng học lên theo. Trong cái giờ học tại nhà ấy, có những lúc nghe thấy tiếng quát tháo của bố mẹ, cũng có khi xen lẫn tiếng gào khóc của con, hoặc có khi im ắng lạ thường vì một bài toán khó nào đó đến bố mẹ cũng không thể giải nổi.
Ngồi học cùng con mỗi tối là nhiệm vụ mới của những ông bố bà mẹ có con vào lớp 1. |
Để con tự giác học ư? Đó là ước mơ xa vời chẳng bố mẹ nào dám nghĩ đến. “Không ngồi cạnh nó thì nó không chịu học”, “để nó ngồi một mình nó sẽ lơ đễnh, không tập trung”, “phải kèm cặp con thì con mới nên người chứ”....Đấy, hàng tá lý do để biện minh cho việc ngày ngày kèm con học bài của các bố các mẹ thời hiện đại. Nhưng bố mẹ đâu biết rằng, công sức của bố mẹ sớm “đổ sông đổ bể”. Bởi việc làm của bố mẹ vô tình khiến chúng cảm thấy việc học bài thật nặng nề và miễn cưỡng.
Hãy coi việc học nhẹ nhàng đi
Gánh nặng về bài vở, điểm số, thành tích khiến trẻ chán ghét việc học. |
Chính bố mẹ đang tự gây áp lực cho mình, rằng con mình phải nổi trội, phải giỏi, hoặc nếu không ít nhất cũng không thua con nhà hàng xóm. Thói quen cố hữu luôn coi trọng điểm số, thành tích khiến bố mẹ phải gồng mình trong cuộc chạy đua thành tích vô nghĩa. Học kiến thức là việc cả đời. Ở độ tuổi còn nhỏ này, cái trẻ cần hơn là các kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp. Điểm số kỳ này của con có thể thấp hơn nhưng nếu con lễ phép, biết kính trên nhường dưới, vui vẻ, hòa nhã với mọi người thì cũng đâu phải là vấn đề to tát. Con vẫn có thể cố gắng ở những kỳ tiếp theo. Chính cái nhìn tích cực của bố mẹ về chuyện bài vở sẽ ảnh hưởng tốt đến trẻ. Khi ấy, trẻ không coi việc học là việc bắt buộc, dần dần sẽ sớm coi việc học như một sở thích, thú vui.
Đừng ngày nào cũng kiểm tra bài vở của con
Bạn cứ tưởng tượng nếu ngày nào cũng bị sếp kiểm tra tiến độ công việc, chỉ chờ bạn có sai sót là chỉnh đốn và đánh giá ngay, thì cảm giác của bạn sẽ tồi tệ thế nào? Liệu bạn có còn hứng thú gì với công việc hay chỉ đang làm việc theo kiểu đối phó? Thế nên đừng tự huyễn hoặc mình rằng kiểm tra bài vở hàng ngày của con sẽ giúp con tiến bộ và chủ động. Bạn có thái độ làm việc đối phó như thế nào với sếp, thì con bạn cũng sẽ giữ đúng thái độ đó với bạn thôi.
Con cảm thấy bị kiểm soát quá mức khi ngày nào mẹ cũng hỏi về chuyện bài vở. |
Không kiểm tra bài vở của con không có nghĩa là bạn lơ đi hoàn toàn. Hãy cho con hiểu bạn tin tưởng con và muốn con có niềm vui trong học tập. Điểm số hay thành tích không quan trọng bằng việc con nhận được kỹ năng gì từ đó.
Có thể thỉnh thoảng học cùng con, nhưng hãy biến đó thành giờ chơi
Đừng la hét, đừng quát mắng, đừng biến giờ học cùng con thành ký ức kinh hoàng. Bạn vẫn có thể thi thoảng học cùng con, nhưng trước đó hãy chuẩn bị thật kỹ. Có thể thử áp dụng các phương pháp giảng dạy bằng hình ảnh, dễ tiếp cận với trẻ và tăng hứng thú trong học tập. Luôn nhớ nguyên tắc “học mà chơi, chơi mà học”. Trẻ con dễ dàng tiếp thu mọi thứ nếu chúng được vui chơi và cười đùa.
Hàn Vân
Giáo dục 11:35 | 03/05/2019
Giáo dục 00:20 | 04/09/2018
Giáo dục 10:16 | 31/08/2018
Giáo dục 08:36 | 24/08/2018
Lối sống 23:00 | 16/08/2018
Lối sống 09:06 | 16/08/2018
Lối sống 01:05 | 15/08/2018
Lối sống 23:00 | 13/08/2018