Nhà máy, xí nghiệp Trung Quốc mở cửa lại sau Tết, người lao động đang làm việc thế nào giữa dịch Covid-19?

Đã một tuần từ khi các doanh nghiệp Trung Quốc mở cửa trở lại sau 21 ngày nghỉ Tết. Một số nơi tiếp tục yêu cầu nhân viên tự cách li thêm 14 ngày, những vẫn có nhiều nhà máy phòng dịch Covid-19 một cách cẩu thả.

Thâm Quyến, trung tâm sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc, đang trong tình trạng cảnh giác cao độ kể từ ngày 10/2, khi hàng nghìn công nhân trở lại làm việc sau kì nghỉ Tết Nguyên đán dài nhất lịch sử. Thành phố này cách tâm dịch Vũ Hán gần 1.000 km.

Nhân viên phải cách li 14 ngày mới trở lại làm việc

Hoàng Tiểu Hiền, nhân viên của một công ty tài chính Trung Quốc, đã đi hơn 300km từ Thiệu Quan, một thành phố ở phía bắc Quảng Đông, để trở lại Thâm Quyến vào ngày 9/2. Cô phải trải qua gần một giờ chờ đợi đăng kí thủ tục, và được nhân viên đo nhiệt độ cơ thể trước khi cô được đưa vào thành phố.

Ngày đầu tiên đi làm sau Tết, vừa đặt chân đến công ty, cô được thông báo về việc tự cách li trong hai tuần tại nhà, trước khi có thể trở lại văn phòng của mình.

Trong khi cô Hoàng được yêu cầu làm việc tại nhà, dù đã lên đến công ty, hầu hết công nhân ở Thâm Quyến đã phải quay trở lại thành phố sau kì nghỉ, và đối mặt với nguy cơ kiểm dịch bắt buộc.

Người dân Trung Quốc đang trở lại làm việc sau Tết như thế nào trong mùa dịch corona? - Ảnh 1.

Các thành phố lớn của Trung Quốc đã chuẩn bị hết lực để đón hàng triệu lao động nhập cư trở lại làm việc. (Ảnh: Reuters).

Hôm qua, nhà cung cấp của Apple Foxconn Technology Group, đưa ra một tuyên bố rằng các nhà máy của họ ở Trung Quốc đã nối lại công việc theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Ước tính Foxconn sử dụng khoảng 200.000 người tại Thâm Quyến.

"Chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy tắc và quy định trong các nhà máy của chúng tôi khi tiếp tục công việc, và giữ an toàn cho nhân viên là nguyên tắc cao nhất", đại diện Foxconn nói với trang Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng.

Tuần trước, chính quyền Thâm Quyến tuyên bố rằng tất cả các doanh nghiệp phải xin phép trước khi họ tiếp tục công việc sau kì nghỉ Tết, và Uỷ ban nhân dân quận sẽ đảm bảo tất cả các công ty đều được trang bị các thiết bị phòng ngừa và vệ sinh cần thiết.

Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu ghi lại thông tin sức khỏe của nhân viên mỗi ngày, chắc chắc 100% nhân viên đeo khẩu trang, giữ cho tất cả các bề mặt sạch sẽ, thông gió cho cơ sở, và thiết lập phòng cách li cho các trường hợp nghi ngờ. 

Các công ty cũng dự kiến sẽ huấn luyện nhân viên về sức khỏe và vệ sinh, khuyên họ tránh giao thông công cộng quá đông, rửa tay thường xuyên và ăn uống vệ sinh.

Vẫn có công ty cẩu thả trong phòng dịch

Tính đến ngày 8/2, quận Nguyệt Hải, nơi có hầu hết các công ty công nghệ cao, bao gồm Tencent và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI, đã nhận được hơn 6.800 đơn đăng kí từ các doanh nghiệp, về việc khai trương sau Tết. Nhưng không phải tất cả các công ty đều chu toàn trong việc khai trương.

Người dân Trung Quốc đang trở lại làm việc sau Tết như thế nào trong mùa dịch corona? - Ảnh 2.

Có nơi, công nhân phải trùm kín mít như thế và ngồi làm việc cả ngày. (Ảnh: The Star Online).

Một nhân viên làm việc cho tổ chức phi chính phủ về quyền lao động ở Thâm Quyến, nói rằng trong một nhà máy nhỏ, mặc dù các nhân viên được yêu cầu đeo khẩu trang, nhưng sự cẩu thả trong việc phòng dịch vẫn diễn ra, khi chất khử trùng được phun trong xưởng và kí túc xá chỉ một lần một ngày.

Có một cô nhân viên được chỉ định đến khu kí túc xá khác để cách li, vì có dấu hiệu bất thường, nhưng họ vẫn làm việc trong cùng một xưởng. 

Khuyến cáo đưa ra là không được ngồi gần nhau, nhưng rồi công nhân tại đây vẫn phải ngồi gần nhau trong tình trạng kẻ đeo khẩu trang, người thì thoải mái như chưa bao giờ có dịch bệnh. 

Tuần trước, mỗi công nhân chỉ được tặng hai khẩu trang, và không có thêm nguồn cung cấp nào nữa.

Siêu thị, khu giải trí ở Bắc Kinh, Thượng Hải… buộc phải đóng cửa

Thượng Hải cũng đấu tranh để tìm sự cân bằng giữa việc chào đón sự trở lại của công nhân và kiềm chế sự lây lan của virus corona.

Tôn Thu Cúc, người làm giúp việc gia đình và nấu ăn cho một chợ hoa ở Thượng Hải, cho biết cô đã từ bỏ việc trở lại thành phố, vì không muốn tuân theo yêu cầu cô phải mất hai tuần để tự cách li.

Cô cũng nhận được tin, căn hộ nơi cô từng ở cùng với những người lao động nhập cư khác ở Thượng Hải, đã đầy. Điều này khiến cô có hai lựa chọn, hoặc là ở trong một trung tâm do chính phủ chỉ định để cách li, hoặc là trở về nhà ở tỉnh Giang Tô.

"Tôi không muốn đến trung tâm cách li. Các nơi đó đều ở vùng sâu vùng xa, và tôi phải tự mình đến đó. Nhiều người như tôi không muốn ở lại đó. Mọi người đã nói đùa rằng những trung tâm đó sẽ khiến những người khỏe mạnh bị bệnh sau khi ở đó 14 ngày, vì buồn chán hoặc nhiễm trùng", cô Tôn chia sẻ.

Người dân Trung Quốc đang trở lại làm việc sau Tết như thế nào trong mùa dịch corona? - Ảnh 3.

Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố lớn đang hạn chế người dân rời nơi cư trú hoặc sử dụng phương tiện công cộng. (Ảnh: Bloomberg).

Các quan chức tại trung tâm phòng chống dịch bệnh ở Thượng Hải, cho biết phần lớn các nơi trong thành phố đã thành lập ban quản lí cách li, bao gồm các hạn chế nhập cảnh và kiểm tra nhiệt độ bắt buộc.

Cùng với Bắc Kinh, Thượng Hải ban hành nhiều lệnh kiểm soát nghiêm ngặt, bao gồm kiểm soát di chuyển của người dân và phương tiện, bắt buộc đeo khẩu trang khi ra đường và đóng cửa các khu giải trí, các dịch vụ cộng đồng không thiết yếu khác.

Tuần trước, các siêu đô thị như Quảng Châu, Thâm Quyến, Thiên Tân, Hàng Châu và Thành Đô, đã công bố những hạn chế tương tự. Ngoài Hồ Bắc, chính quyền ở các tỉnh Liêu Ninh và Giang Tây cũng áp đặt các biện pháp trên toàn tỉnh.