Có nên tranh cãi về dòng nhạc bolero? | |
5 giọng ca 'huyền thoại' của dòng nhạc Bolero |
"Làm mới" chứ không được "làm mất" bolero
- Làm nên "thương hiệu" với Solo cùng bolero và hàng loạt chương trình về bolero, anh nhận thấy điều gì từ sức hút của điệu nhạc này khi đưa lên truyền hình?
Khi đưa bolero lên sóng truyền hình, tôi cũng không nghĩ nó lan tỏa nhanh và rộng như hiện nay. Tuy nhiên, sức hút này cũng không quá khó hiểu. Bởi, thực chất trong đời sống, bolero đã được người dân yêu mến từ lâu, vì trong bolero chất chứa bao nỗi lòng, những lời tâm sự, cộng với giai điệu nhẹ nhàng, nhiều cảm xúc nên dễ để mọi người "trải lòng".
Trong nhiều thập niên qua, bolero vẫn vang tiếng nơi phố thị, ngân nga khắp ngõ xóm, làng quê, quặn thắt trong tâm tưởng những người xa quê hương… Tình yêu của công chúng dành cho điệu nhạc này như những mạch nước ngầm, chỉ chực ngày trào dâng.
Trước đây người dân yêu mến bolero, họ chỉ được nghe và xem thần tượng của mình qua băng đĩa và khi bolero được đưa lên thành một cuộc thi trên sóng truyền hình, khởi phát từ cuộc thi Solo cùng Bolero năm 2014, nó đã "dậy sóng", phát triển mạnh mẽ vì những khán giả mộ điệu có nơi để thể hiện giọng ca cũng như tình cảm của họ dành cho dòng nhạc họ yêu mến.
Đạo diễn Vũ Thành Vinh là người đi tiên phong trong việc đưa bolero lên truyền hình
- Sau thành công vang dội của Solo cùng bolero lại xuất hiện hàng loạt chương trình về bolero như Tình bolero hoan ca, Kịch cùng bolero... và sắp tới là Miss bolero. Có vẻ như các nhà sản xuất đang muốn "khai thác triệt để" bolero?
Chúng tôi đã bắt đầu hành trình bolero từ chính tâm thế của những người nặng lòng với dòng nhạc này. Sau thành công của chương trình đầu tiên là Solo cùng bolero, chúng tôi nhận thấy chương trình vẫn chưa đáp ứng đủ cho mọi đối tượng trong xã hội. Vẫn còn rất nhiều tài năng, vẫn còn rất nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực mà ở đó, dòng nhạc bolero đã và đang có một vị trí riêng, rất mạnh mẽ.
Chính vì vậy, chúng tôi quyết định thực hiện nhiều chương trình mới về bolero như: Tình bolero, Kịch cùng bolero... Không phải chúng tôi “khai thác triệt để” mà là mở rộng và phát triển lên, để cho thấy dòng nhạc bolero gần gũi và "sống" với mọi người như thế nào và tình yêu của mọi thành phần trong xã hội dành cho dòng nhạc bolero ra sao.
Tôi ví dụ như chương trình Kịch cùng bolero đang phát sóng trên kênh THVL1. Việc đưa bolero vào kịch khá táo bạo nhưng đó là một sự sáng tạo chứ không phải là một sự kết hợp tùy tiện. Trên thực tế, nó đã được áp dụng tại các sân khấu kịch trước đây nhưng chưa nhiều để trở thành một chuyên đề và các đạo diễn chưa khai thác mạnh mẽ. Khi chúng tôi tổ chức hẳn một chương trình dành cho những vở kịch kết hợp bolero, nhiều khán giả lấy làm thích thú, gửi thư về động viên, khen ngợi. Tôi nghĩ quan trọng là cách làm và làm sao không đánh mất đi bản chất của bolero.
- Tuy nhiên, thời gian qua, việc làm mới bolero hay kết hợp bolero với những yếu tố khác cũng vấp phải không ít tranh cãi. Điều đó có khiến anh thận trọng hơn trong cuộc "dạo chơi" cùng bolero?
Đã có những thử nghiệm của những người trẻ khi muốn làm mới bolero nhưng không được đón nhận. Tôi nghĩ có thể "làm mới" nhưng không được "làm mất" đi bản chất của dòng nhạc này. Ai cũng có thể hát nghêu ngao vài câu bolero nhưng để hát hay như các danh ca thế hệ trước thì hiếm, bởi ngoài chất giọng trời phú thì hát phải "mùi" và biết luyến láy cho đúng chất thì không đơn giản.
Đặc biệt lời bài hát bolero rất hay và ý tứ nên người hát phải hiểu và và đặt tình cảm, cảm xúc vào thì mới mong thành công. Thực sự nhiều bạn ca sĩ “làm mới” nhưng khi nghe không để lại cảm xúc gì. Hát bolero mà người nghe không có cảm xúc thì coi như hỏng.
Làm giám khảo là "làm dâu trăm họ"!
- Trong các chương trình, việc chọn giám khảo cũng rất quan trọng. Tiêu chí của anh khi chọn giám khảo cho các chương trình về bolero như thế nào?
Trước tiên vẫn phải là chuyên môn, có uy tín, hoạt ngôn, nếu nổi tiếng và nhiều người biết đến thì càng tốt.
- Một số ý kiến cho rằng việc mời những giám khảo không có chuyên môn về nhạc và bolero sẽ khó lòng thuyết phục được khán giả. Anh nghĩ sao về việc này?
Thực sự muốn làm giám khảo không đơn giản đâu. Ghế giám khảo là “ghế nóng” thật đấy. Có một số vị đã ngồi và một đi không trở lại… Đó là "nghề" làm dâu trăm họ, nói đúng, nói hay thì không sao còn không cũng mệt đấy, có khi còn mất đi tất cả gì mình đã gầy dựng trước đó nữa…
Có rất nhiều người có chuyên môn nhưng khi nhận xét không diễn tả được, không có ý để nói. Có nhiều người viết rất hay nhưng khi nói lại không hay như viết. Mà làm giám khảo thì phải nói và biết phân tích. Vì vậy ngoài chuyện chuyên môn còn cần phải luyện môn "nghệ thuật nói trước công chúng".
- Là nhà sản xuất, có khi nào anh phải đắn đo lựa chọn giữa một bên là những tên tuổi thật "hot" làm giám khảo để đảm bảo rating cho chương trình và một bên là những người có chuyên môn thật sự nhưng không thu hút truyền thông và khán giả?
Thật sự một chương trình hay phụ thuộc rất nhiều yếu tố, mà yếu tố cơ bản là format, nội dung cũng như chất lượng thí sinh... chứ không hẳn cứ mời ban giám khảo thật "hot" là rating tăng đâu. Đương nhiên khi tất cả đã tốt mà mời được ban giám khảo "hot" mà có chuyên môn thì chương trình có sức hút hơn.
Với nhà sản xuất thì tùy chương trình mà có sự đầu tư. Tôi vẫn chọn cách đầu tư nhiều vào chất lượng chương trình, với ban giám khảo thì tùy, vẫn phải uyển chuyển chứ chẳng có công thức cố định cho từng trường hợp. Tuy nhiên, để mời thành phần ban giám khảo, nhà sản xuất phải tính đến rất nhiều khía cạnh: chuyên môn, độ "hot", hình ảnh, tần suất xuất hiện... và đương nhiên là kinh phí nữa.
- Anh có nghĩ đến việc mời chính những nhạc sĩ đã sáng tác ra những bài bolero làm giám khảo không bởi hiện nay rất ít chương trình làm được điều này?
Tôi cũng có lời mời nhạc sĩ sáng tác bolero làm giám khảo nhưng cũng gặp khó khăn. Thực sự không phải mình muốn mời là được. Họ có nhận lời không nữa chứ. Phần lớn là họ ngại xuất hiện vì đang được mọi người yêu mến qua tác phẩm, ngồi vào đó mà nói không tốt sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng như chơi.
Và đa số các nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc này đã lớn tuổi, khi sáng tác thì họ hoàn toàn chủ động trong không gian và thời gian của mình, viết theo cảm hứng, thích thì viết, chứ khi làm giám khảo phải theo lịch sản xuất của cả ê-kíp, vì là truyền hình thực tế nên phải ứng biến liên tục… Vì thế vị trí này thường thích hợp với ca sĩ đi hát nhiều năm có kinh nghiệm, đã quen đứng trước khán giả quen với ánh đèn sân khấu.
Có thể có những vị trí giám khảo mà chuyên môn chính của họ không phải ở dòng nhạc bolero nhưng họ có nghiên cứu, có tìm hiểu nên kiến thức và sự am hiểu về dòng nhạc bolero rất đáng nể. Và điều quan trọng nhất mà chúng tôi đánh giá cao ở các giám khảo đó là họ sẽ truyền đạt và mang đến cho thí sinh những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết, hỗ trợ tốt cho sự nghiệp ca hát của thí sinh như thế nào.
Truyền hình thực tế Việt thời bão hòa: 'Hết nạc vạc đến xương'
Giám khảo không chuyên ngày càng nhiều, người chơi "nhẵn mặt", MC cũng chỉ quanh quẩn vài cái tên cũ. Giữa thời bão hòa, game ... |
Hoài Linh và Trấn Thành rút dần, game show Việt đến thời thoái trào?
Số lượng bùng phát dẫn đến quá tải, chiêu trò của chương trình và nghệ sĩ không còn hấp dẫn người xem. Game show rồi ... |
Ảnh: BTC