Nội chiến Syria 'ám ảnh' Tổng thống Obama

Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài ở Syria khiến ông bị ám ảnh, nhưng không đề cập đến khả năng thay đổi chính sách để giải quyết vấn đề này. 
noi chien syria am anh tong thong obama
Tổng thống Mỹ Barack Obama dành phần lới thời lượng bài phát biểu của mình tại Liên Hợp Quốc để nói về vấn đề Syria. Ảnh: AP

"Tôi sẽ nói về tất cả những điều xảy ra trong thời gian tôi làm tổng thống, thông tin hàng trăm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ quê hương khiến tôi tự hỏi mình đã có thể làm gì khác đi trong suốt 5, 6 năm qua", ông chủ Nhà Trắng nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Vanity Fair.

Tổng thống Obama bộc bạch rằng mỗi khi có thời gian để suy nghĩ, nhiều câu hỏi thường trực luôn xuất hiện trong đầu ông.

"Tôi tự hỏi mình liệu còn điều gì mà chúng ta chưa nghĩ đến? Còn điều gì khác ngoài những điều tôi được thông báo, những điều mà cố Tổng thống Churchill hay Eisenhower có thể đã thấy? Thông thường tôi làm khá tốt việc phân tích các phương án và đưa ra quyết định tốt nhất có thể, dựa trên những thông tin mà chúng tôi có. Nhưng cũng có nhiều lúc tôi ước rằng mình có thể nghĩ tới một cách tiếp cận khác đi".

Ông Obama đã dành phần lớn thời lượng trong bài phát biểu cuối cùng của mình trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để nói về khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Ông kêu gọi các nước đẩy nhanh việc thực hiện những cam kết của họ về việc tiếp nhận những người di cư và cho rằng cộng đồng thế giới đã quá chậm chạp trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư.

"Chúng ta đều biết những gì đang diễn ra ở Syria là không thể chấp nhận được. Nhưng chúng ta không đủ đoàn kết để cùng nhau chấm dứt nó", Tổng thống Obama nói.

Nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama nhằm giảm thiểu cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria rơi vào bế tắc, kể từ khi những cuộc nổi dậy nhằm chống lại Tổng thống Bashar al-Assad diễn ra 5 năm trước.

Syria đang trải qua cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II. Nội chiến kéo dài dai dẳng suốt 5 năm qua đã khiến 4,8 triệu người dân phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Trong khi đó, Mỹ, một đất nước vốn có truyền thống tiếp nhận người tị nạn, lại bị chỉ trích vì những phản ứng chậm chạp đối với cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này.

chọn