Những ca khúc đã làm 'điên đảo' Vpop 10 năm về trước | |
3 lý do giúp Mỹ Tâm mãi là 'tượng đài' Vpop |
Lee Soo Man, ông chủ của SM trong buổi hội thảo diễn ra tại Hà Nội cách đây ít ngày đã thông báo kế hoạch thành lập một nhóm nhạc nhắm tới thị trường Việt Nam.
Một trong ba công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc dự định tuyển sinh tại Việt Nam, sau đó thành lập một nhóm nhỏ trong đội hình NCT với tham vọng chinh phục thị trường châu Á và thế giới.
Thông báo của ông chủ SM một lần nữa thắp lên tia hy vọng vốn nhiều lần nhen nhóm nhưng nhanh chóng bị dập tắt trong cộng đồng fan Việt. Trước đó, không ít nhóm nhạc Hàn Quốc hoạt động tại Vpop nhưng vẫn chìm nghỉm dù đã nỗ lực, kiên trì.
Thực tế, sự khác biệt rất lớn so với Kpop khiến Vpop khó có thể duy trì đội hình nhóm nhạc. Ngay cả những nhóm nhạc Việt như Lime, Uni5, Monstar… cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra chỗ đứng cho riêng mình.
Nhóm nhạc trong nước khó khăn xây dựng chỗ đứng
Vpop hiện tại có nhiều nhóm nhạc hoạt động. Họ có điểm chung là được xây dựng theo mô hình Kpop vốn rất được khán giả trẻ yêu thích. Các nhóm không chỉ sở hữu ngoại hình đồng đều, vũ đạo lẫn phong cách trình diễn trẻ trung, năng động mà còn đi theo quy trình vận hành của Hàn Quốc, bắt đầu từ việc gia nhập công ty, đào tạo về thanh nhạc, diễn xuất, lối ứng xử…
Monstar, Uni5, Lime… là những nhóm nhạc tiêu biểu hiện nay và cũng mang đậm màu sắc Kpop nhất Vpop từ trước đến nay. Thế nhưng, chặng đường để họ chinh phục khán giả không vì thế dễ dàng hơn khi so sánh với ca sĩ solo.
Cả Lime lẫn Uni5 gần đây đều phát hành sản phẩm mới, tuy nhiên, hiệu ứng mà ca khúc tạo nên trong thị trường âm nhạc không mấy khả quan. MV Party Girlz của Lime thậm chí chỉ đạt 485 nghìn lượt xem sau hơn 1 tháng ra mắt.
Đây là con số khiêm tốn với nhóm nhạc được đầu tư lớn, thậm chí từng sang Hàn để rèn luyện như Lime. Con số đó càng nhỏ bé nếu so sánh với những MV đạt hàng chục triệu lượt xem của ca sĩ solo trong năm qua.
Nhiều nhóm nhạc đã ra mắt thời gian qua, nhưng chưa có trường hợp nào thực sự gây tiếng vang. Ngay cả 365, tuy có lượng fan đông đảo nhưng phải đến sau khi tan rã, nhóm mới có một ca khúc được gọi là hit mà đông đảo người nghe nhạc biết tới, đó là Bống Bống Bang Bang.
Trường hợp 365 và sau đó là Monstar còn cho thấy trong các nhóm nhạc hoạt động tại Vpop luôn tồn tại nhiều nguy cơ gây tranh cãi, đặc biệt là vấn đề mâu thuẫn thu nhập.
Đầu năm nay, Erik tuyên bố rời Monstar, đồng thời tiết lộ bấp cập trong vấn đề thu nhập được chia theo tỷ lệ 1:9 giữa anh và công ty. Anh khẳng định công ty không minh bạch chuyện tiền bạc, lấp liếm vấn đề tài chính.
Đây cũng là lý do khiến Tronie rời 365 chỉ sau thời gian ngắn hoạt động chung. Nam ca sĩ rời đi khi chỉ nhận được lương 3 triệu đồng, mức thu nhập ít ỏi, không đủ để anh sinh sống hàng tháng.
SM, công ty của nhiều nhóm nhạc nổi tiếng thông báo dự định tuyển sinh tại Việt Nam. |
Nhóm nhạc Hàn hoạt động mờ nhạt tại Việt Nam
Lâu nay, Vpop không phải mảnh đất màu mỡ để các ca sĩ nước bạn nhắm đến. Những cuộc “đổ bộ” thất bại của M-Tiful hay I.C.E đã phần nào chứng minh điều đó.
Từng mạnh dạn tuyên bố là người đón đầu xu hướng khi chọn Việt Nam để hoạt động bởi nhận thấy tiềm năng của thị trường này, M-Tiful giờ đã hoàn toàn “biến mất”.
Nhóm ra mắt nhiều ca khúc bằng tiếng Việt và tổ chức các buổi họp fan nhằm quảng bá tên tuổi. Thế nhưng, sau thông báo tuyển thêm thành viên người Việt Nam vào giữa năm 2016, M-Tiful không có thêm bất cứ thông tin, dự án nào từ đó đến nay.
Cùng trực thuộc HS Entertainment, nhóm nhạc I.C.E giống M-Tiful hoạt động song song tại 2 thị trường. Sau khi tham gia đêm nhạc MBC Music Kplus Concert diễn ra tháng 3/2017 tại Hà Nội, nhóm cũng hoàn toàn biến mất khiến công chúng thực sự thắc mắc về sự tồn tại của các cô gái.
Trước đó, V4Men với sự góp mặt 4 thành viên người Hàn Quốc đã phát hành album tiếng Việt đồng thời tham gia nhiều sự kiện lớn, thế nhưng nhóm cũng phải nhanh chóng từ bỏ tham vọng.
M-Tiful không thành công khi hoạt động tại thị trường Việt Nam. |
Kpop không có chỗ đứng cho thần tượng Việt
Việc tuyển sinh, tìm kiếm nhân tài ở các quốc gia khác trên thế giới là một trong những kế hoạch của các công ty giải trí Hàn Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng đưa ngành công nghiệp giải trí nước này phủ sóng khắp các châu lục.
Hai nhóm nhạc nổi tiếng của SM là EXO, Super Junior đều ra mắt với đội hình ban đầu có thành viên người Trung Quốc. Trong khi đó, JYP tiên phong trong việc đào tạo thần tượng người Thái Lan (Nichkhun), Nhật Bản… Nhóm nhạc Twice của công ty này có tới 3 thành viên người Nhật và đó lợi thế rất lớn trong việc tấn công thị trường JPop.
Ngay cả YG, công ty chưa từng cho ra mắt ca sĩ ngoại quốc mới đây cũng gây chú ý khi đưa cô gái người Thái Lan, Lisa vào đội hình BlackPink.
GOT7 là một trong những nhóm nhạc nhiều quốc tịch nhất Kpop. |
Các thần tượng ngoại quốc ngày càng phổ biến trong môi trường giải trí Hàn Quốc, thậm chí nhóm nhạc đa quốc tịch còn đang là xu hướng được ưa chuộng. Thế nhưng, trong số đó, chưa có bất cứ thần tượng người Việt Nam nào.
Cũng bởi, Việt Nam chưa phải thị trường lý tưởng để Kpop nhắm tới, do đó, những buổi thử giọng từ công ty giải trí nước này rất hiếm khi được tổ chức tại đây. Điều đó cộng thêm khoảng cách địa lý càng khiến cơ hội trở thành thực tập sinh của các tài năng trẻ Việt Nam trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước SM, từng có Cube (công ty của HyunA, CLC, BTOB) hay JNU Entertainment thông báo tuyển sinh tại Việt Nam nhưng rồi kế hoạch bị bỏ dở, kéo theo đó là sự tiếc nuối, thất vọng của biết bao chàng trai, cô gái trẻ đang ôm mộng trở thành thần tượng Kpop.
Kpop Star Hunt là chương trình hiếm hoi được tổ chức nhằm tìm kiếm tài năng ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có 2 đại diện tham gia là Thu Giang và Hương Trang. Tuy nhiên, cả hai đều không thể vào vòng chung kết, đồng thời từ bỏ ước mơ đặt chân đến Hàn Quốc làm thực tập sinh.
Nhìn vào những nhóm nhạc Hàn Quốc đã hoạt động tại Việt Nam hay trường hợp Lime, Monstar... có thể thấy, Vpop còn tồn tại rất nhiều khó khăn để phát triển nhóm nhạc. Tuy nhiên, SM là một công ty mạnh và lăng xê thành công rất nhiều nhóm nhạc thần tượng như TVXQ, Super Junior, EXO, SNSD…
Đặc biệt, không chỉ SM, mới đây, công ty của Mamamoo là RBW Entertainment cũng ký kết hợp đồng với nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, đồng thời thông báo kế hoạch tổ chức buổi thử giọng ở Việt Nam.
Điều đó cũng là lý do khiến cộng đồng fan Việt có thêm hy vọng sau thời gian dài bị thần tượng Kpop "ngó lơ".
Không phải Tóc Tiên hay Sơn Tùng, giải MAMA 2017 vẫn chưa có chủ | |
Hot girl đi hát: Người thành danh, kẻ bại trận | |
Vpop bây giờ: Không đẹp thì đừng mơ làm ca sĩ? |