Ông Nguyễn Đức Chung: 'Mình Hà Nội không khắc phục được ô nhiễm'

Chia sẻ với Zing.vn, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nêu nhiều giải pháp đang và sẽ làm để chống ô nhiễm. Ông cũng đồng thời khẳng định một mình TP không thể xử lí được vấn đề.

Khi chỉ số về chất lượng không khí ở Hà Nội liên tiếp đạt mức cao - mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, nhiều người đặt câu hỏi “Vì sao chính quyền Hà Nội vẫn im lặng? Thành phố đã làm gì để xử lí vấn đề ô nhiễm không khí?”. Bên cạnh đó, không ít ý kiến nhận định thành phố chưa có những phản ứng kịp thời khiến người dân bất an vì ô nhiễm.

Trao đổi với Zing.vn, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Không có chuyện Hà Nội không làm gì".

Bụi mịn chỉ là 1 trong 8 chỉ số, không thể hiện tính bao quát

- Chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) trong nhiều ngày qua ở Hà Nội luôn ở ngưỡng xấu, nguy hại, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân. Vì sao thành phố không đưa ra khuyến cáo về việc này, thưa ông?

- Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Y tế đã có cảnh báo cho người dân trước thực trạng này. Còn về phía thành phố, không phải thành phố im lặng hay không làm việc gì, mà chúng tôi đã triển khai tích cực rất nhiều giải pháp.

Nhiều ý kiến đặt câu hỏi: “Tại sao không cho rửa đường?”, nhưng thực ra giải pháp này cũng không thực sự hiệu quả bởi bụi ô nhiễm nằm ở lớp trên. Trước mắt, thành phố đã cho tăng lượng xe hút bụi gấp đôi thông thường.

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Mình Hà Nội không khắc phục được ô nhiễm' - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. (Ảnh: Duy Hiếu).

Tôi đang cho tập hợp thông tin của Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài để xem mọi năm tình hình như thế nào. Theo thông tin sơ bộ, năm nay có lượng sương mù ít nhất do thời tiết ấm và rét muộn. Những năm trước, có thời điểm máy bay không thể hạ cánh vì sương mù.

Còn việc khẳng định Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất cũng chưa có cơ sở khoa học, bởi chỉ số bụi mịn 2,5 PM chỉ là một trong 8 chỉ số về quan trắc. Để đánh giá đúng thực trạng, cần tổng hợp tất cả các thông số để tính toán lại.

- Theo đánh giá của thành phố, nguyên nhân chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao ở Hà Nội là gì?

- Ngoài những nguyên nhân như thành phố từng nêu, Hà Nội còn chịu ảnh hưởng từ một số địa phương. Ví dụ ở Bắc Ninh có làng làm giấy xả rất nhiều khí thải, hay nhà máy xi măng ở Lạng Sơn - nghe thì xa nhưng đường chim bay chỉ có hơn 100 km, rồi tác động từ phía nam Trung Quốc, không khí dồn về đến Hà Nội chỉ trong nửa ngày.

Mọi người cứ nói chúng tôi không làm gì, nhưng chúng tôi làm rất tích cực.

Mọi người cứ nói chúng tôi không làm gì, nhưng chúng tôi làm rất tích cực.

Việc chỉ số không khí có lúc lên mức tím cũng chưa thể phản ánh Hà Nội là top 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vì như tôi đã nói, đó chỉ là 1 trong 8 thông số. Phải tổng hợp lại tất cả thông số rồi phân tích và ra cảnh báo.

Tôi đang yêu cầu Trung tâm môi trường tích hợp các thông số này về Cổng thông tin của UBND TP, đăng công bố các chỉ số vào một số điểm công cộng để người dân biết, và đang chạy nửa tiếng hàng ngày liên tục trên đài truyền hình Hà Nội rồi.

Mọi người nhận định chỉ nhìn vào hiện tượng mà không nhìn vào quá trình, trong khi đây là vấn đề không phải chỉ mình Hà Nội có thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

- Nhiều người lo sợ ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến lượng khách du lịch và môi trường đầu tư. Ông nghĩ sao?

- Tối 15/12, khi tôi tiếp các giáo sư đến từ Đức và Israel, các ông ấy nói cách đây 3 năm đã đến Hà Nội theo đoàn Tổng thống và giờ đến thì thấy Hà Nội sạch hẳn. Đấy là người ta nhận xét khách quan.

Ông Nguyễn Đức Chung: 'Mình Hà Nội không khắc phục được ô nhiễm' - Ảnh 3.

Hình ảnh Hà Nội mịt mù trong những ngày chỉ số ô nhiễm tăng cao. (Ảnh: Duy Hiệu).

Trồng cây hút mùi và hút bụi

- Ông nói thành phố tích cực triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm, vậy những giải pháp đó là gì?

- Về vấn đề xử lí ô nhiễm, Thành phố đã làm cái này rất kỹ và rất sớm rồi, không phải hôm nay mới làm. Ngay khi tôi lên Chủ tịch UBND thành phố, Phó đại sứ Mỹ có lưu ý hãy chú trọng giải quyết tình hình ô nhiễm môi trường.

Hiện thành phố có chuyên gia Pháp và chuyên gia tư vấn cho Bắc Kinh trong vấn đề giải quyết ô nhiễm. Cùng với đó, thành phố đưa ra nhiều giải pháp.

Trước kia các hồ bốc mùi ô nhiễm nồng nặc. Giờ đã xử lí sạch mùi, cá sống tung tăng rồi.

Trước hết, Hà Nội đã trồng rất nhiều cây xanh. Trước khi tôi lên Chủ tịch thành phố, lượng cây xanh bao phủ đạt 6,7-6,8 m2/người, nhưng nay đã đạt mức 9,5 m2/người.

Thứ hai, đã chuyển toàn bộ hình thức quét rác, khua bụi bẩn lên sang hình thức hút bụi và hút rác. Mỗi ngày 100 xe hút bụi đi hút quanh thành phố 2 vòng, mỗi xe hút được khoảng 1,6 khối bụi. Tức là có hàng trăm khối bụi trên toàn thành phố đã được hút. Việc này đang tích cực được triển khai.

Ba là giải quyết ô nhiễm ở các hồ khu vực quanh thành phố. Trước kia các hồ bốc mùi ô nhiễm nồng nặc, góp phần ô nhiễm không khí. Giờ đã xử lí sạch mùi, cá sống tung tăng rồi.

Thứ tư là trước kia, cứ 18-19h, người dân vứt rác trắng hai bên đường, rồi rác bị bới ra lung tung, làm bốc mùi ô nhiễm thì giờ có thùng rác hết rồi.

Thứ năm, thành phố đang triển khai xây dựng nhà máy nước thải Yên Xá.

Giải pháp thứ sáu - cái quan trọng nhất hiện nay, là phải lắp đủ trạm quan trắc. Theo quy hoạch nghiên cứu các chuyên gia của Pháp thì Dự án lắp đặt trạm quan trắc phải đảm bảo toàn thành phố đặt 85 trạm, nhưng giờ mới được 14 cái. Thời gian tới thành phố sẽ triển khai lắp quan trắc và cài đặt phần mềm phân tích. Từ phân tích này mới ra con số cụ thể.

Tiếp đó, chúng tôi cũng đã xây dựng đề án và được HĐND thành phố thông qua lộ trình cấm xe máy. Bởi vì bụi ô nhiễm nhất hiện nay là từ khí khải của các loại xe. Trong khi đó, tiêu chuẩn liên quan đến ôtô hay môtô có khí thải để quản lý chất lượng khí thải thì Bộ Tài nguyên Môi trường và Giao thông Vận tải đang làm chậm. Đúng ra triển khai từ tháng 4/2018, giờ chậm 1,5 năm rồi.

Thành phố đang gieo và ươm hàng trăm nghìn cây được các chuyên gia đến từ Italy và Singapore đang chuyển giao. Những cây này có thể hút mùi và bụi.

Đặc biệt, có một dự án đang triển khai rất tốt. Đó là thành phố đang gieo và ươm hàng trăm nghìn cây được các chuyên gia đến từ Italy và Singapore đang chuyển giao. Những cây này có thể hút mùi và bụi giống như Singapore đang trồng. Cái đó ra Tết thành phố sẽ triển khai.

Thành phố triển khai rất tích cực chứ không phải không làm. Mục tiêu là phải làm để cả đô thị phát triển bền vững.

Nhưng các giải pháp này cần có thời gian và có sự phối hợp của các bộ, ngành, hơn nữa, còn cần kinh phí. Chỉ một mình chính quyền Hà Nội thì không thể khắc phục triệt để ô nhiễm được.

- Xin cảm ơn ông!

Khuyến cáo người dân thủ đô hạn chế ra ngoài

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mức độ ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng trong tuần qua. Trong các ngày 10-13/12, chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội chạm ngưỡng rất xấu (AQI trong khoảng 201-300).

Giá trị trung bình của PM2.5 liên tục vượt quá giới hạn cho phép ở tất cả các trạm. Số liệu đo tại một số trạm đặt ở Minh Khai, Đại sứ quán Pháp cho thấy giá trị vượt quá giới hạn cho phép trên 3 lần trong các ngày 11-12/12. Chất lượng không khí liên tục ở mức xấu (cảnh báo màu đỏ), một số nơi chạm ngưỡng rất xấu (cảnh báo tím).

Không khí có chất lượng xấu nhất trong khoảng thời gian từ 22h hôm trước đến 8h hôm sau. Sau 12h trưa, AQI có giảm nhưng vẫn nằm ở mức kém. Trong các ngày 10-13/12, AQI ở mức rất xấu chiếm đến 32,5% số thời gian trong ngày. Dự báo ngày 18/12, Hà Nội mới có thể xuất hiện mưa, giúp giảm ô nhiễm.

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân kể cả học sinh nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 khi đi ra đường.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.