Phát triển công nghiệp hiện đại ở Đồng Nai - Bài cuối: Quy hoạch các đô thị vệ tinh

Trong quy hoạch vùng của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đóng vai trò trung tâm với đô thị vệ tinh độc lập là Biên Hòa và các đô thị vệ tinh phụ thuộc là đô thị mới Nhơn Trạch, Tam Phước, Long Thành...

Nhằm hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới cho TP Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ năm 2018, thành phố đã triển khai xây dựng đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, với quy hoạch là thành phố Thủ Đức.

Trong khi đó, sân bay Long Thành (Đồng Nai) - trung tâm của sự kết nối trong tương lai, đang được triển khai. Các dự án đô thị, khu dân cư khu vực này cũng đã và đang hình thành.

Quy hoạch nhiều đô thị

Trong quy hoạch vùng của TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đóng vai trò trung tâm với đô thị vệ tinh độc lập là Biên Hòa và các đô thị vệ tinh phụ thuộc là đô thị mới Nhơn Trạch, Tam Phước, Long Thành, Trảng Bom, Hiệp Phước.

Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế để xây dựng khu đô thị vệ tinh cho TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án khu dân cư tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom đã và đang triển khai.

Trong tương lai gần, khi cầu Vàm Cái Sứt và cầu Cát Lái hoàn thành, các khu đô thị ở Đồng Nai, đặc biệt là thành phố mới Nhơn Trạch sẽ trở nên gần hơn với TP Hồ Chí Minh, có thêm động lực mạnh để cất cánh, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đang tập trung nghiên cứu, quy hoạch xây dựng khu vực phụ cận sân bay Long Thành thành “thành phố sân bay”.

Phát triển công nghiệp hiện đại ở Đồng Nai - Bài cuối: Quy hoạch các đô thị vệ tinh - Ảnh 1.

Khi hoàn thành, cầu Vàm Cái Sứt bắc qua sông Đồng Nai sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các khu đô thị ở Đồng Nai, đặc biệt là thành phố mới Nhơn Trạch với Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Công Phong - TTXVN).

Vấn đề này, Đồng Nai sẽ làm bài bản, đồng bộ, chặt chẽ nhằm khai thác tối đa lợi thế sân bay mang lại, đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững.

Hiện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đang hình thành một loạt các khu đô thị thương mại, khu dân cư giúp cho địa phương này thu hút hàng ngàn người lao động khắp nơi đổ về sinh sống làm việc.

Tại đây hiện có hơn 30 dự án hạ tầng lớn, nhỏ được triển khai. Bên cạnh Nhơn Trạch, huyện Long Thành cũng đang nắm giữ hàng loạt lợi thế, trong đó sân bay Long Thành trong tương lai sẽ tạo một cú hích lớn để địa phương này cất cánh.

Trong tham luận “Kết nối không gian vùng đô thị TP Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế và đô thị biển tại vịnh Cần Giờ”, Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh (Chuyên gia quy hoạch) cho rằng, Nhơn Trạch là một địa phương nằm ở phía Đông TP Hồ Chí Minh, phát triển mạnh về công nghiệp.

Ngoài hệ thống đường bộ, kết nối với Quốc lộ 51, cao tốc, thì còn có hệ thống đường thủy, cảng biển và cảng cạn phong phú, điều đó tạo thế mạnh, tiền đề phát triển cho Nhơn Trạch.

Hiện Đồng Nai đang quy hoạch hơn 300 dự án khu dân cư, tập trung ở thành phố Biên Hòa, Long Thành và Nhơn Trạch nhằm đón đầu các khu công nghiệp và sân bay Long Thành. Những năm gần đây, hầu hết các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản đã đầu tư xây dựng các đô thị, nhà ở quy mô lớn tại thành phố Đồng Nai.

Đơn cử như đô thị sinh thái thông minh Aqua City của Novaland với quy mô 1.000 ha tại xã Long Hưng (thành phố Biên Hòa). Đây là khu đô thị nằm dọc sông Đồng Nai, có đường kết nối với sân bay Long Thành và TP Hồ Chí Minh, đồng thời cũng nằm ở vị trí tâm điểm kết nối giao thương liên vùng, gắn kết các trung tâm kinh tế lớn của khu vực Đông Nam Bộ.

Hiện Aqua City đang được gấp rút xây dựng các hạng mục lớn như quảng trường, bến du thuyền, trung tâm thể thao, dự kiến năm 2023 sẽ đưa vào vận hành.

Trong khi đó, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đang triển khai dự án Bien Hoa Universe Complex tại thành phố Biên Hòa. Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, về bất động sản, Đồng Nai được coi như “tam giác vàng”, bởi tỉnh này là cửa ngõ phía đông của TP Hồ Chí Minh.

Theo hướng Bắc – Nam, Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, trung tâm hành chính, đây là lợi thế phát triển nhà ở cho cán bộ công nhân viên, chuyên gia nước ngoài. Ở hướng Đông, do gần với sân bay Long Thành nên trong tương lai sẽ hình thành các khu đô thị mới.

Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía Đông TP Hồ Chí Minh, hai địa phương có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, xã hội. Trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đã liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động đang sản xuất, kinh doanh, làm việc tại Đồng Nai nhưng lại sinh sống ở TP Hồ Chí Minh và ngược lại.

“Dân số TP Hồ Chí Minh hiện đã quá đông, phải giãn dân ra các đô thị vệ tinh. Trong khi đó, Đồng Nai tiếp giáp với TP Hồ Chí Minh, đây là địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông tốt nhất trong các tỉnh, thành phía Nam với nhiều tuyến cao tốc đi qua và sân bay Long Thành. Lợi thế phát triển đô thị ở Đồng Nai là rất lớn, ngành chức năng cần quy hoạch thật tốt để khai thác các tiềm năng”, ông Nguyễn Nam Hiền chia sẻ.

Tạo chuỗi đô thị - công nghiệp

Giữa năm 2020, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 – 2030, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 952 ngàn tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, quan điểm phát triển giao thông vận tải thành phố  phải gắn liền với địa lý vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa TP Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế.

Tại thành phố Thủ Đức, về tổng thể, đây là nơi có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam Bộ. Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức tiếp giáp khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, giáp Biên Hòa, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, thành phố Dĩ An và Thuận An của tỉnh Bình Dương. Theo đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 khu vực trọng tâm.

Về chức năng phát triển đô thị, Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái, được quy hoạch để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực. Trong khi đó, Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai phát triển theo mô hình thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật.

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của TP Hồ Chí Minh và các khu vực đô thị chủ yếu tiếp giáp phía Bắc và phía Đông Thành phố, đó là tại Nam tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên) và phía Tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch). Điều này đang trên xu hướng hình thành đại đô thị và hạt nhân là TP Hồ Chí Minh trong bán kính 30 km.

Liên kết vùng là cơ sở để các địa phương trong vùng có sự phân công hợp lý trong phát triển các ngành kinh tế trên cơ sở chuyên môn hóa các thế mạnh của từng tiểu vùng, đồng thời tạo hiệu quả quy mô kinh tế.

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh, bên cạnh việc tiếp tục phát triển, thu hút các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế, Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, các dự án tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, hạ tầng kỹ thuật, chế biến nông sản, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để hướng đến phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng phân tích, Biên Hòa hiện có gần 1,2 triệu dân và có nhiều mối liên kết với TP Hồ Chí Minh, nếu TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, tài chính, khoa học thì Biên Hòa là nơi phát triển công nghiệp, sản xuất – nhu cầu kết nối giữa 2 thành phố là rất lớn. Tuyến metro số 1 kéo dài đến Đồng Nai cần được đầu tư càng sớm càng tốt, vì mang lại hiệu quả vận chuyển hành khách rất cao.

Với vị thế là sân bay lớn nhất nước, sân bay Long Thành hứa hẹn sẽ thúc đẩy phát triển cho khu vực Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ với các đô thị được hình thành. Hệ thống giao thông kết nối đã và đang được đầu tư, khu vực này được dự báo sẽ hình thành các khu đô thị, khu dân cư sầm uất.

Ngoài ra, việc kết nối thuận lợi với TP Hồ Chí Minh và các địa phương Đông Nam bộ, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại Long Thành, tạo động lực phát triển công nghiệp hiện đại của Đồng Nai trong tương lai.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.