Phim Việt nửa đầu 2018: Có phim trăm tỉ nhưng phần đông là dở! |
Cuối tuần vừa qua, Người phán xử tiền truyện đã kết thúc trong tranh cãi. Một trong những lý do khiến khán giả không hài lòng là bộ phim có quá nhiều cảnh quảng cáo. Trên mạng xã hội, có khán giả bình luận châm biếm: "Không biết nên gọi phim là Người phán xử hay Người quảng cáo?".
Trước đó, một bộ phim khác cũng do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất - Tình khúc Bạch Dương - cũng bị nhiều người xem truyền hình nhận xét là quảng cáo "thô", thiếu tinh tế khi đan xen nhiều cảnh quay và lời thoại giới thiệu nhãn hàng không ăn nhập với nội dung phim.
Một cảnh nhằm mục đích quảng cáo trong Người phán xử tiền truyện. |
Tròn một năm trước, VTV có hai bộ phim truyền hình gây bão là Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng. Thời điểm đó, đây là hai bộ phim có rating cao nhất tại khu vực Hà Nội. Thị phần khán giả theo dõi bình quân mỗi lượt phát sóng đạt khoảng 30-40%.
Sự quan tâm của khán giả đồng nghĩa với việc khung giờ vàng của VTV - thời gian phát sóng phim - trở nên "đắt giá" và được nhiều doanh nghiệp, nhãn hãng săn đón. Mức giá đỉnh điểm cho việc quảng cáo giữa phim Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử từng lên tới 360 triệu đồng/ 1 phút.
Với 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng mỗi tập phim, nhà đài đã thu về 3,6 tỷ đồng. Thế nhưng, cũng theo quan sát của Zing.vn thời điểm đó, Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng chỉ mang lại lợi nhuận cho VTV nhờ quảng cáo trong khung giờ vàng kết hợp với chạy banner trong thời gian phát sóng phim.
Việc kiếm tiền trên sóng giờ vàng phim truyện của VTV đã đa dạng hơn rất nhiều ở những dự án phim mới. Ngoài kiểu quảng cáo truyền thống với thời lượng khoảng vài phút giữa phim vẫn được duy trì, phim truyền hình Việt giờ đã đẩy mạnh quảng cáo bằng chính lời thoại và cảnh quay trong phim.
Ví dụ điển hình là Tình khúc Bạch Dương hiện vẫn phát sóng trên VTV1. Trong ít nhất 3 tập phim, tên ngân hàng và tên một công ty bất động sản đã được nhắc đi nhắc lại từ lời thoại của nhân vật trong phim. Không dừng lại ở đó, phim còn có nhiều cảnh quay cận logo, trụ sở, dịch vụ của doanh nghiệp.
Thực tế, hai năm trước, phần 2 của Tuổi thanh xuân cũng đã có quảng cáo bằng lời thoại và cảnh phim. Tuổi thanh xuân 2 khi đó được cho là quảng cáo cho một thương hiệu bánh. Nhưng về thời lượng và mức độ quảng cáo "thua xa" Tình khúc Bạch Dương của năm 2018.
Một số cảnh quảng cáo trong Tình khúc Bạch Dương bị nhận xét là "thô". |
Không chỉ những bộ phim phát sóng mới có quảng cáo bằng lời thoại và cảnh phim, phần ngoại truyện của những "bom tấn" màn ảnh nhỏ cũng được cho là mang lại lợi nhuận không hề nhỏ cho VTV.
Phía trước là cả một đời phán xử hay Người phán xử tiền truyện đều có yếu tố quảng cáo. Phía trước là cả một đời phán xử - ngoại truyện của Phía trước là bầu trời có cảnh quảng cáo cho một địa điểm tổ chức sự kiện ở Hà Nội.
Nhưng Người phán xử tiền truyện mới là bộ phim online đẩy mạnh quảng đến mức nhiều khán giả phàn nàn là "lộ liễu". Cả bốn tập phim đều có yếu tố quảng bá, giới thiệu cho doanh nghiệp.
Riêng tập 2 của bộ phim chỉ có 20 phút nhưng thời gian quảng cáo là 4 phút, chiếm 1/5 thời lượng phim. Người phán xử tiền truyện quảng cáo cho một địa điểm vui chơi giải trí ở Hạ Long, ngoài ra còn quảng cáo cho một quán karaoke. Hình thức quảng cáo chủ yếu là bằng lời thoại và các cảnh quay.
Ngoài ra, logo của thương hiệu vui chơi, giải trí thuộc một tập đoàn bất động sản này còn được chạy ở góc màn hình suốt thời gian của bộ phim.
Theo như nguồn tin của Zing.vn, Người phán xử tiền truyền lúc đầu có dự định sẽ kết phim bằng một cảnh quảng cáo dài, trong đó Phan Hải đưa Diễm My đi chơi ở địa điểm vui chơi, giải trí.
Nhưng một tháng sau khi phim đóng máy, nhà sản xuất thấy không ổn nên đã quay lại cảnh kết. Theo đó, cảnh quảng cáo vẫn được giữ, nhưng phim kết bằng cuộc nói chuyện giữa Phan Quân và Phan Hải.
Quảng cáo bằng nội dung trong phim vốn không phải việc xa lạ. Trong nhiều phim truyền hình Hàn Quốc, xe cộ và đặc biệt là smartphone xuất hiện dày đặc. Có những phim Hàn, 100% nhân vật trong phim dùng một loại điện thoại duy nhất - và đó là điện thoại của thương hiệu Hàn Quốc.
Nhiều diễn viên trong phim sau đó cũng trở thành gương mặt thương hiệu của chính nhãn hàng. Sản phẩm công nghệ từ đó dễ dàng đi vào đời sống. Vì muốn "được giống người nổi tiếng", nhiều khán giả săn lùng những chiếc xe, điện thoại giống nhân vật trong phim.
Công bằng mà nói, việc phim truyền hình Việt được các doanh nghiệp, nhãn hàng đặt hàng quảng cáo bằng cảnh phim và lời thoại càng chứng tỏ chất lượng phim Việt đã thực sự chuyển mình. Thực tế, không doanh nghiệp nào săn đón quảng cáo ở những bộ phim gần như "không ai xem".
Quảng cáo là điều tất yếu trong phim, khán giả không quá xa lạ. Thế nhưng, việc Tình khúc Bạch Dương hay Người phán xử tiền truyện bị người xem phản ứng và bị chê cũng là điều dễ hiểu.
Số đông khán giả cho rằng phim truyền hình Việt quảng cáo còn thiếu tinh tế, thậm chí phản cảm. Nội dung quảng cáo không những gượng ép mà còn không ăn nhập với nội dung phim. Chính điều này vô tình làm chất lượng bộ phim giảm sút.
NSƯT, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng. |
Trao đổi với Zing.vn, đạo diễn Đỗ Thanh Hải - giám đốc VFC - cho rằng có hai nguyên nhân khiến việc quảng cáo bằng lời thoại và cảnh quay trong phim truyền hình Việt chưa được tinh tế để khiến khán giả hài lòng.
Thứ nhất là đội ngũ biên kịch của Việt Nam chưa làm quen được việc bổ sung quảng cáo trong kịch bản phim. Nhiều biên kịch vẫn cho rằng quảng cáo như vậy là làm hỏng nội dung, trong khi biên kịch Hàn Quốc lại tỏ ra lành nghề trong việc này.
Thứ hai, theo NSƯT, nhiều doanh nghiệp, đơn vị tài trợ chưa hiểu rõ được đặc thù của phim truyện nên có không ít đòi hỏi, trong đó có cả những đòi hỏi không phù hợp.
"Đôi khi chúng tôi cũng có phản hồi là không nên nhắc nhiều như vậy. Nhưng có thể do tâm lý 'Tôi bỏ tiền ra tôi phải được đề cập đến thật nhiều'. Họ không hiểu rằng làm quá sẽ thành ra phản cảm. Cái gì cũng vậy, vừa phải, tinh tế sẽ chạm đến cảm xúc của người xem", đạo diễn Đỗ Thanh Hải nêu quan điểm.
Phim chiếu rạp: Đường dài chông chênh
Tưởng chừng với một số tác phẩm đạt kỷ lục doanh thu phòng vé và thu hút khán giả vào đầu năm 2018, phim chiếu ... |
Phim Việt vào thời của 'web drama'
Phim chiếu mạng (web drama) đang dần trở nên phổ biến và đe dọa khả năng cạnh tranh với phim truyền hình trong tương lai. |
Phim Việt nửa đầu 2018: Có phim trăm tỉ nhưng phần đông là dở!
17 phim Việt đã lần lượt ra mắt trong khoảng nửa đầu năm 2018. Không có nhiều phim hay, thậm chí phim được xếp vào ... |