Đại diện Bộ Công an cho rằng đề xuất rút thời hạn bằng lái xe ô tô chưa rõ có hiệu quả trong việc giảm ùn tắc, tai nạn. Ảnh: Đoàn Lê |
Trưởng phòng CSGT Hà Nội, Đại tá Đào Vịnh Thắng vừa đưa ra đề xuất rút thời hạn bằng lái ô tô từ 10 năm xuống còn 5 năm. Theo ông Thắng, thời hạn bằng lái ô tô 10 năm là quá dài.
Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho rằng, trong khoảng thời gian trên tài xế có thể ốm đau, sức khỏe thay đổi dẫn đến việc lái xe không an toàn. Trong khi đó, 10 năm mới cấp lại thì cơ quan chức năng sẽ không quản lý được tài xế. Ngoài ra, lãnh đạo CSGT Hà Nội cũng kiến nghị việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe cho công dân nên do Bộ Công an chủ trì thay vì Bộ GTVT như hiện nay.
Nhằm làm rõ đề xuất nêu trên của Đại tá Đào Vịnh Thắng, PV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an).
Về kiến nghị việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe cho công dân nên do Bộ Công an chủ trì thay vì Bộ GTVT như hiện nay, Thiếu tướng Quân cho biết: "Trước đây, Bộ Công an tổ chức thi, sát hạch và cấp bằng lái xe cho công dân, việc thực hiện rất chặt chẽ. Tuy nhiên, khi chuyển sang ngành Giao thông thì phát sinh nhiều vấn đề và không chặt chẽ như trước".
"Thực tế, nhiều người học và cấp bằng không thực chất. Do đó, đề xuất trên là có căn cứ. Tuy nhiên, để thực hiện thì phải trao đổi nhiều vấn đề để đánh giá, phải có chỉ đạo cụ thể hơn", Tướng Quân nói.
Rút thời hạn bằng lái xe được cho là gây phiền hà cho người dân. Ảnh: Đoàn Lê |
Thiếu tướng Quân cũng cho rằng cần cân nhắc việc rút thời hạn bằng lái bởi trước đó việc quyết định thời hạn bằng lái ô tô là 10 năm đã được bàn bạc kỹ lưỡng rồi mới đi đến quyết định.
Đại diện Bộ Công an cũng nhận định, thời hạn bằng lái không quan trọng mà việc rút hay gia hạn có ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn như lãnh đạo CSGT Hà Nội nêu ra. "Hiện, chúng ta vẫn chưa rõ nếu rút thời hạn bằng lái thì có giảm được tai nạn hay ùn tắc hay không", Thiếu tướng Quân nói.
Vị này cũng cho rằng, lo ngại của người dân, doanh nghiệp về phiền hà tốn kém khi rút thời hạn bằng lái ô tô là có cơ sở. "Mặc dù có cấp bằng lái xe qua mạng nhưng nếu rút thời hạn bằng lái thì sẽ vẫn có nhiều thủ tục phải thực hiện", tướng Quân nêu quan điểm.
Rút thời hạn bằng lái xe cũng được cho là tăng thủ tục hành chính, gây tốn kém cho xã hội. Ảnh: Đoàn Lê |
Về việc quản lý sức khỏe của tài xế như đề xuất đã nêu, Thiếu tướng Công an cho rằng đây là điều quan trọng bởi thực tế vẫn xảy ra chuyện "khám mang tính hình thức". Do đó, đối với các đơn vị kinh doanh vận tải cần quản lý nghiêm túc hơn với tài xế của mình.
"Đề xuất trừ điểm trên bằng lái của tài xế không mới. Chúng ta từng thực hiện việc bấm lỗ trên bằng lái nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, không lại trừ trường hợp "xin cho" khi vi phạm giao thông", vị này nhận định.
Trao đổi với PV, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng đề xuất rút thời hạn bằng lái ô tô từ 10 năm xuống còn 5 năm sẽ gây tốn kém, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. |