Bún mắng, cháo chửi: Phải chăng người Việt vẫn bị ám ảnh bởi miếng ăn? |
Quán bún chửi này cũng có tên trong danh sách bún mắng cháo chửi nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: Mạnh Thắng. |
Kinh doanh ẩm thực đường phố Hà Nội lâu nay nổi tiếng về “bún mắng cháo chửi”. Vấn đề này được đề cập thế nào trong Quy chế do Viện tư vấn xây dựng, thưa anh?
Một trong những mục đích chính của bộ Quy chế này để chấn chỉnh giao tiếp ứng xử giữa người bán và người mua, tập trung vào xử lý bún mắng cháo chửi.
Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng mang tính khuyến cáo, anh cho rằng Quy chế này có tác động mạnh hơn?
Một phần đúng như vậy, ở góc độ khác Quy chế có thể điều chỉnh văn hoá giao tiếp ứng xử trong kinh doanh ăn uống. Tên Quy chế rất rộng “Tổ chức kinh doanh ăn uống đường phố theo hướng văn minh, hiện đại” bao gồm nhiều lĩnh vực cả về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý trật tự đô thị, điều kiện kinh doanh ăn uống. Nhưng chúng tôi đưa vào nội dung chính về văn hoá giao tiếp ứng xử. Quy chế ra đời bổ sung cho sự thiếu hụt về mặt văn bản. Hà Nội có một số văn bản rồi, nhưng mảng văn bản quản lý văn hoá ứng xử lại chưa có.
Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng chỉ mang tính khuyến khích, còn Quy chế rõ ràng khi ban hành có tính chất cưỡng chế nhất định. Nó cũng có thể coi như khung pháp lý, cơ chế để các cấp ban ngành có hình thức xử lý phù hợp.
Khi áp quy chế này, các hành vi không phù hợp sẽ chịu xử phạt ra sao?
Quy chế không ghi cụ thể mức phạt, bởi những quy định mang tính chất thông tư, nghị định của các ngành y tế, công thương, nông nghiệp đều có chế tài và quy định cụ thể. Quy chế này chỉ khái quát, nhắc lại và đề cập nhiều hơn khía cạnh văn hoá. Quy chế được ban hành giống như khung để thực hiện tốt hơn, cơ quan quản lý nhà nước xác định được nội dung quản lý rõ ràng hơn, hoạt động sâu sát hơn.
Trong quá trình tư vấn, anh có ghi nhận kinh nghiệm của các nước?
Có quốc gia ban hành thành luật, văn bản. Nhìn chung họ đưa vào chuẩn mực văn hoá ứng xử, quy chế như thế này không nhiều. Một số nơi đưa vào thành quy định, luật của từng khu vực, thị trấn. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong nước có Quy chế cụ thể như vậy.
Thành phố giao Sở Văn hoá và Thể thao chủ trì xây dựng Quy chế, tuy nhiên như anh nói nó bao gồm nhiều lĩnh vực không riêng văn hoá, như vậy có sợ bị trùng lặp?
Đó là một trong những điều chúng tôi bàn bạc cân nhắc với đơn vị hữu quan. Chúng tôi họp liên ngành với Sở Y tế, Công Thương, Nông nghiệp, đang xin ý kiến nên trích nội dung nào để không lặp lại nhiều. Chúng tôi đề xuất điều chỉnh tên, nếu không điều chỉnh được chỉ nhắc lại nội dung tiêu biểu nếu trùng với quy định đã có, ban soạn thảo cố gắng đưa vào nội dung liên quan văn hoá ứng xử, giao tiếp nhiều nhất.
Trong quá trình khảo sát, anh ghi nhận bức tranh kinh doanh ăn uống đường phố ở Hà Nội như thế nào?
Ghi nhận của chúng tôi cũng không khác điều mọi người thấy, tuy nhiên đầy đủ khái quát hơn về vấn đề nổi cộm này: Chúng tôi đánh giá về hiện tượng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ không chu đáo nhiệt tình, làm qua loa, chất lượng phục vụ khách không được đảm bảo lắm. Chúng tôi cũng hỏi người bán và người mua có nên xây dựng quy chế liên quan góc độ văn hoá hay không. May mắn số đông người bán lẫn người mua ủng hộ tích cực.
Anh có nghĩ Quy chế này làm mất đi một nét của dịch vụ ăn uống đường phố Hà Nội?
Chắc chắn là không, vì Quy chế phát huy mặt tích cực hạn chế mặt tiêu cực. Chẳng ai tự hào bún mắng cháo chửi là đặc trưng, bản sắc của Hà Nội cả. Đặc trưng của Hà Nội có thể nhắc tới ngõ nhỏ phố nhỏ quán nhỏ. Trong dịch vụ ăn uống, cửa hàng cửa hiệu chạy theo khó khăn và đặc trưng về diện tích, thói quen và nhu cầu thôi.
Không chỉ bún mắng cháo chửi, gần đây phát sinh cửa hàng dùng người mẫu ăn mặc gợi cảm để hút khách. Anh nghì gì về điều này?
Nội dung đó cũng được đưa vào Quy chế. Một trong những mục tiêu của Quy chế là dẹp tai tiếng lâu nay của Hà Nội, đặc biệt sau CNN nói về bún mắng cháo chửi. Với nội dung sử dụng hình thức quảng bá như dùng người mẫu ăn mặc gợi cảm có thể chấp nhận được trong một số sự kiện diễn ra ở không gian được cấp phép như sân vận động, bãi biển cần sôi động và nhiều màu sắc. Riêng Quy chế này nhằm điều chỉnh hoạt động thông thường và những hoạt động ảnh hưởng tiêu cực tới thực khách, văn minh đô thị và đời sống người dân.
Bún mắng, cháo chửi là phản văn hoá Nhà nghiên cứu, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khẳng định hiện tượng bún mắng cháo chửi là phản văn hoá, làm giảm vẻ đẹp thanh lịch của Hà Nội. “Một số người bây giờ thích như vậy là sở thích lệch chuẩn, để ứng xử với điều đó cần phải cho họ đi đúng hướng”, TS Sơn nói. Ông cho rằng có rất nhiều biện pháp để chấn chỉnh, trong đó phải đề cao dư luận phê phán của cộng đồng và xã hội. “Cộng đồng phải phê phán mạnh mẽ, bởi nếu không những người đó lại tưởng chửi mắng rồi nổi tiếng trên mạng là hay”, nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn nói. Ông cũng cho rằng cần cân nhắc xem Quy chế mới này có trùng lặp gì với quy định đã có chưa, quan trọng là phải có chế tài xử phạt cụ thể và có khả năng thực thi. |
Đảo Jeju có gì đẹp, món gì ngon: Theo chân MC Ngọc Trúc sẽ rõ! | |
Rêu đá - món ăn giàu dinh dưỡng chỉ có ở vùng Tây Bắc |