'Sổ đỏ không quyết định sự tồn vong của condotel'

Nhiều chuyên gia nhận định, sự tồn vong của condotel không phụ thuộc vào người cấp "giấy khai sinh" là cơ quan nhà nước, mà phải là các chủ đầu tư.

Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa hướng dẫn các Sở cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở, trong đó có căn hộ du lịch (condotel), loại hình đang có hàng chục nghìn căn hộ. Hướng dẫn nêu rõ, các loại hình bất động sản này sẽ được cấp với thời hạn không quá 50 năm hoặc với địa bàn kinh tế khó khăn là 70 năm.

Cho rằng văn bản trên là một sự thừa nhận pháp lí của condotel, song ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group nhận định, điều đó không đóng vai trò quyết định trong sự tồn vong của dòng bất động sản nghỉ dưỡng này. Sự tồn vong của condotel không phụ thuộc vào người cấp "giấy khai sinh" là cơ quan nhà nước, mà phải là các chủ đầu tư.

'Sổ đỏ không quyết định sự tồn vong của condotel' - Ảnh 1.

Dự án CocoBay Đà Nẵng có hàng nghìn căn hộ condotel, biệt thự nghỉ dưỡng gần đây bị đổ vỡ cam kết lợi nhuận. (Ảnh: Emprie Group).

Ông lý giải, bất động sản nghỉ dưỡng từng trở nên hút khách khi các chủ đầu tư tung chính sách cam kết lợi nhuận cao bằng việc tăng giá bán lên để lấy thu bù chi. Từ đó, giá các căn condotel có thể bị tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Song khách hàng vẫn mua vì tin vào uy tín chủ đầu tư và cam kết hấp dẫn. Tuy nhiên, gần đây một vài chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, thậm chí không thanh toán đúng hạn.

"Sự nghi ngại len lỏi vào ánh mắt các khách hàng. Và condotel tàn lụi từ đó. Từ cuối 2018 thị trường đã không thể tiêu thụ loại hình này. Các dự án mới ra đời không được thành công như trước nữa", ông Tuyển nói.

Bởi vậy, vị này cho rằng điều quan trọng để condotel tăng trưởng, phát triển không đơn thuần ở vấn đề sổ đỏ. Các chủ đầu tư cần trả condotel về với giá trị thực, không tăng giá hoặc cam kết gì. Thay vào đó, các đơn vị cần tập trung vào khai thác quần thể nghỉ dưỡng thật hiệu quả, qua đó gia tăng lợi nhuận cho khách hàng.

Nhìn rõ những thách thức của phân khúc này, song ông Tuyển cũng kỳ vọng với tờ "giấy khai sinh" mới, condotel sẽ được các chủ đầu tư "nuôi nấng dậy dỗ" tốt để không bị khai tử trên thị trường.

Cũng có những đánh giá không mấy lạc quan, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cho rằng, ngoài vấn đề sổ đỏ, condotel và các loại hình bất động sản lai còn gặp vướng mắc bởi chưa có quy định về các điều kiện huy động vốn, bán condotel hình thành trong tương lai khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Ngoài ra, theo ông, khung pháp lí về cơ chế vận hành của các sản phẩm nghỉ dưỡng hiện vẫn chưa rõ ràng. Do đó, từng xảy ra tình trạng biến tướng khi có chủ đầu tư "bẫy" khách hàng bằng cam kết lợi nhuận trên trời, sau đó lại tuyên bố dừng thực hiện cam kết gây mất niềm tin vào sản phẩm này. Đây cũng là những trở ngại trong việc phục hồi của condotel.

Nhận định cấp sổ sẽ khiến thị trường minh bạch hơn sau một thời gian phát triển "nóng" song ông Văn Dũng Chinh, Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng khó có thể khiến phân khúc này sôi động trở lại như vài năm trước. Cùng với việc nguồn cung thị trường có xu hướng bão hòa, theo ông hiện thị trường cũng sàng lọc các doanh nghiệp có năng lực, uy tín sau một số trường hợp thất tín, gây ra những tranh chấp dai dẳng giữa khách hàng và chủ đầu tư.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại có góc nhìn tích cực hơn khi cho rằng hướng dẫn cấp sổ đỏ cho condotel, biệt thự du lịch là một tín hiệu tốt và có thể trở thành đòn bẩy với bất động sản nghỉ dưỡng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường này đang bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Theo Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, đây là tin vui cho nhóm bất động sản lai (nhiều chức năng kết hợp) chưa được hợp thức hóa việc cấp sổ đỏ sau một thời gian dài phát triển bùng nổ khắp các thành phố biển Việt Nam và bị giới đầu tư quan ngại vì lỗ hổng pháp lí.

Theo ông, việc người mua được quyền sở hữu sổ đỏ, sổ hồng trên tài sản sở hữu có thể hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc kích cầu. Còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đây cũng được coi là một động thái tích cực, trong bối cảnh thị trường bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP HCM gặp nhiều vướng mắc về pháp lí hay hạn chế trong nguồn cung. Họ cũng sẽ yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu một loại hình tài sản mới như biệt thự second home, condotel hay officetel.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.