Dùng chất tẩy rửa vệ sinh để làm nước mắm, 3 doanh nghiệp bị phạt gần 800 triệu đồng

Thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an đã phát hiện, xử lí 3 công ty sử dùng hóa chất sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh để sản xuất nước mắm và nước mắm bán thành phẩm. Tổng số tiền xử phạt lên tới gần 800 triệu đồng.

Chiều 13/1, Thanh tra Bộ NN&PTNT đã công bố danh tính 4 công ty sản xuất, chế biến và kinh doanh nước mắm không đúng quy định. Trong đó, 3 công ty sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng soda công nghiệp (Na2CO3), là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm, để sản xuất nước mắm.

Công bố tên 3 doanh nghiệp dùng chất tẩy rửa bồn vệ sinh sản xuất nước mắm, bị phạt gần 800 triệu đồng

Ba công ty này đó là: Công ty TNHH MTV Điều Hương (Châu Thành, An Giang); Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) và Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát (Bình Tân, Vĩnh Long). 

Sử dụng chất tẩy rửa bồn vệ sinh để làm nước mắm, 3 doanh nghiệp bị phạt gần 800 triệu đồng - Ảnh 1.

Phiếu kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế cho thấy trong các thành phần làm nên nước mắm có chứa chất tẩy rửa bồn vệ sinh.

Cả ba công ty này đều sử dụng hoá chất Soda Ash Light Na2CO3 không có trong Danh mục chỉ định dùng cho thực phẩm và sản xuất thực phẩm, để sản xuất nước mắm bán thành phẩm. Soda Ash Light Na2CO3 là hóa chất công nghiệp thường được sử dụng để sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa vệ sinh. 

Ngoài ra các đơn vị này còn bị xử phạt bởi hành vi nơi sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Với các vi phạm trên, Công ty TNHH MTV Điều Hương đã bị phạt 275 triệu đồng, Công ty TNHH chế biến thực phẩm Hòa Hiệp bị phạt 235 triệu đồng và 266 triệu đồng là số tiền phải nộp phạt của Công ty TTHH thực phẩm Tấn Phát.

Tổng số tiền nộp phạt của cả 3 doanh nghiệp lên tới 776 triệu đồng. Ngoài ra, gần 50 tấn Soda công nghiệp của ba doanh nghiệp này đã bị yêu cầu hoàn trả lại nơi mua.

Đến nay, cả ba doanh nghiệp này đã nộp phạt đầy đủ.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, đây là lần đầu tiên Thanh tra Bộ Nông nghiệp ra quyết định xử phạt số tiền lớn, lên tới gần 800 triệu đồng.

“Lần đầu tiên chúng tôi thành lập một đoàn thanh tra trên 30 người cùng một lúc, đồng loạt kiểm tra 9 điểm. Trên cơ sở đó, những hoạt động của các cơ sở sản xuất này họ không trao đổi với nhau”, ông Tiến nói.

Sử dụng chất tẩy rửa bồn vệ sinh để làm nước mắm, 3 doanh nghiệp bị phạt gần 800 triệu đồng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bị phạt "khủng" khi sản xuất nước mắm bẩn. (Ảnh: DV).

Hiện Bộ NN&PTNT đã chuyển hồ sơ để các cơ quan chức năng của Bộ Công an xem xét, xử lí các bước tiếp theo, theo quy định của pháp luật. 

Nước mắm Liên Thành bị phạt 6 triệu đồng vì cơ sở sản xuất không đảm bảo

Cũng theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 624 ngày 8/8/2019 của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Liên Thành bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi: "Tại khu sản xuất nước mắm của Phân xưởng 4 có khu xử lí nước thải bị ứ đọng (cống rãnh bị ngập nước thải), không được che chắn”.

Sử dụng chất tẩy rửa bồn vệ sinh để làm nước mắm, 3 doanh nghiệp bị phạt gần 800 triệu đồng - Ảnh 2.

Nước mắm Liên Thành bị phạt 6 triệu đồng vì cơ sở sản xuất không đảm bảo. (Nguồn: Bộ NN&PTNT).

Hành vi trên của Công ty Liên Thành đã bị Thanh tra Bộ ra Quyết định xử phạt với số tiền là 6 triệu đồng.

Sau đó, Công ty Liên Thành nộp phạt và tự nguyện khắc phục hậu quả, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng trong việc xử lí hành vi vi phạm.

“Hành vi vi phạm của chúng tôi hoàn toàn không liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm, mà chỉ là lỗi về che chắn khu xử lí nước thải”, bà Nguyễn Thị Kim Hồng- Giám đốc Công ty Liên Thành thông tin. 

Trong một diễn biến có liên quan, sáng 11/1, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc tổ chức hội nghị vào thời điểm cận Tết Nguyên đán. Qua đó nhằm quán triệt tinh thần bảo vệ quyền quan trọng của con người là sức khỏe, là mạng sống. 

Thủ tướng nêu rõ xử lí nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm, hoặc xử lí hành chính hoặc hình sự, chứ không bỏ qua bất cứ vụ việc nào. Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến, hoàn thiện trình Thủ tướng ban hành một chỉ thị về tăng cường quản lí nhà nước đối với an toàn thực phẩm.

Năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với năm 2018, số vụ giảm 32 vụ (29,6%), số mắc giảm 1.478 người (42,6%), số đi viện giảm 1.135 người (37,2%), số tử vong giảm 9 người (52,9%).

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.