Sự hoan nghênh từ các nước trên thế giới với Singapore, là dường như đảo quốc sư tử đã chống được dịch bệnh mà không cần sử dụng các biện pháp phong tỏa đất nước như nhiều nơi khác. Nhưng rồi, làn sóng lây lan virus thứ hai ập đến và có sức mạnh ghê gớm hơn cả lần trước đó, khiến cho số ca mắc Covid-19 tại đây đã tăng từ 266 lên hơn 5.900 trường hợp kể từ ngày 17/3, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Trước đó, trong khi các quốc gia như Tây Âu và Mỹ báo cáo hàng ngàn trường hợp mắc Covid-19 mỗi ngày, thì Singapore với dân số khoảng 5,7 triệu người, tổng diện tích đất liền khoảng 700 km2 (nhỏ hơn thành phố New York), lại có số ca nhiễm bệnh rất ít.
Mặt khác, Singapore cũng có những lợi thế mà nhiều nước lớn hơn không có, đó là nó chỉ có một đường biên giới đất liền chính với Malaysia, và có thể kiểm soát chặt chẽ những người đi lại bằng đường hàng không. Singapore cũng có một hệ thống y tế ở đẳng cấp thế giới, cùng xu hướng đưa ra những quy định và chính sách có phần hà khắc, để mang lại lợi ích trong việc cố gắng kiểm soát đại dịch của chính phủ.
Vậy, Singapore đã đi sai ở bước nào? Câu trả lời dường như nằm ở việc chính phủ đã bỏ qua các trường hợp lao động nhập cư sống trong những khu kí túc xá chật chội, và đánh giá thấp tốc độ lây lan của virus ở trong một thành phố không được áp dụng các biện pháp phong tỏa.
Đầu tiên, vị thế của Singapore với cương vị là một quốc đảo nhỏ, dường như đã được đền đáp.
Singapore có thể ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh ban đầu từ Trung Quốc tràn về, bằng cách kiểm dịch và truy tìm dấu vết, để đảm bảo rằng bất kì ai có thể bị phơi nhiễm và đi lại bằng đường hàng không đều bị cách li và theo dõi.
Đồng thời, quốc gia này đã đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, để khuyến khích mọi người đề phòng dịch bệnh. Các khu vực cách li đã được thiết lập tại các bệnh viện sau đại dịch SARS năm 2003. Điều này cũng có nghĩa là bệnh nhân sẽ được điều trị theo cách an toàn nhất có thể, ngăn nhân viên y tế khỏi bị nhiễm bệnh.
Điều quan trọng nhất, theo Bác sĩ Dale Fisher, Chủ tịch Viện kiểm soát bệnh nhiễm trùng tại bệnh viện thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đã đưa ra ý kiến trong một bài viết rằng: "Singapore đã không để bệnh nhân dương tính với virus trở lại cộng đồng".
Những người có ít hoặc không có triệu chứng nhưng cho kết quả dương tính với Covid-19, đều phải nhập viện cho đến khi họ có kết quả xét nghiệm âm tính, thay vì tự cách li tại nhà, ông Fisher cho biết.
Bằng việc thử nghiệm virus rộng rãi và cô lập tất cả những người có khả năng truyền nhiễm, Singapore vẫn có thể tương đối cởi mở và tiếp tục hoạt động đi lại như bình thường.
"Ở Singapore, chúng tôi muốn cuộc sống tiếp tục như bình thường", Bác sĩ Fisher đề cập đến điều này trong một bài viết vào tháng trước, trước khi các trường hợp nhiễm bệnh tăng đột biến.
"Chúng tôi muốn các doanh nghiệp, nhà thờ, nhà hàng và trường học luôn mở cửa. Đấy mới là viễn cảnh của sự thành công trong cuộc chiến chống đại dịch. Mọi thứ đều tiến triển cùng với những sửa đổi khi cần thiết, và bạn tiếp tục làm điều này cho đến khi có vắc-xin hoặc thuốc điều trị".
Cách tiếp cận đó hoàn toàn trái ngược với Hong Kong - một thành phố tự trị khác thuộc châu Á, cũng có dân số tương tự.
Tại Hong Kong, các trường công lập đã bị đóng cửa từ tháng 2, và nhân viên chính phủ được khuyến khích làm việc tại nhà, mặc dù mọi người vẫn đi lại trong thành phố tương đối tự do. Các biện pháp mới cũng được đưa ra sau khi nước này ghi nhận số ca nhiễm bệnh gia tăng, phần lớn là do nhập cảnh vào tháng trước.
Có thể nói, Hong Kong đã thành công hơn nhiều trong việc đối phó với làn sóng lây lan virus thứ hai. Trong khi đó, Singapore chỉ đóng cửa các trường học và một số nơi làm việc trong tháng này, sau khi số ca nhiễm gần đây đã tăng đột biến.
Sự chậm trễ đã đưa số lượng các trường hợp bị nhiễm mới của Singapore lên một đường thẳng quỹ đạo dốc hơn nhiều. Vào thứ Năm, đất nước này đã báo cáo 728 trường hợp nhiễm bệnh mới, đây là mức tăng lớn nhất trong một ngày. Cùng ngày, Hong Kong chỉ báo cáo có 4 trường hợp nhiễm mới.
Cho đến trước tháng 4, Singapore dường như dẫn đầu trong việc chống lại dịch bệnh. Nhưng việc bỏ lỡ các ổ dịch, nơi mà chính phủ không thực hiện xét nghiệm cho người dân, đã khiến cho số lượng các ca nhiễm nhanh chóng tăng vọt.
Thái độ buông lỏng ở Singapore so với các quốc gia khác chỉ đúng trong thời điểm các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài được ngăn chặn, và các trường hợp tiềm năng mới được phát hiện và xử lí nhanh chóng. Một khi biện pháp này thất bại, tốc độ lây lan của virus truyền từ người này sang người khác lớn hơn nhiều so với các quốc gia áp dụng lệnh phong tỏa và sử dụng các biện pháp giãn cách xã hội.
Nhiều ổ dịch mới có liên quan tới số lượng lớn những người lao động nhập cư tại Singapore, đặc biệt là những công nhân (hầu hết tới từ Nam Á) sống ở trong các khu kí túc xá chật chội, dường như họ đã bị bỏ qua trong lần thử nghiệm virus đầu tiên. Hiện tại, nhiều khu kí túc xá đã bị cách li và chính phủ đang phải tăng cường thử nghiệm cho tất cả công nhân.
Không rõ căn bệnh xuất phát từ những người lao động nhập cư từ bên ngoài vào, hay là từ chính những người đã bỏ qua lần kiểm dịch đầu tiên. Nhưng điều dễ thấy là với điều kiện sống của những người lao động này thật khó để thực hiện việc cách li toàn xã hội, chính điều này đã khiến cho virus dễ dàng lây lan.
Tommy Koh, một luật sư và cựu nhà ngoại giao Singapore, đã đăng trên trang cá nhân Facebook được chia sẻ rộng rãi vào đầu tháng này: "Các kí túc xá giống như một quả bom hẹn giờ đang chờ phát nổ. Họ ở trong khu kí túc xá quá đông, chật cứng như hộp cá mòi với 12 người vào một phòng. Singapore nên coi đây là một lời cảnh tỉnh để đối xử tốt hơn với những người lao động nước ngoài".
Kể từ vụ gia tăng số ca nhiễm virus một cách đột biến gần đây, Singapore đã đưa ra các hạn chế và quy tắc mới, kết hợp với các hình phạt khắc nghiệt, để ngăn chặn làn sóng lây lan mới của virus, dịch bệnh có thể trở lại trong thành phố nhưng được đặt dưới sự kiểm soát.
Singapore có cơ hội tốt để kiểm soát mọi thứ, một lần nữa nhờ vào quy mô nhỏ, chính phủ sử dụng biện pháp mạnh mẽ và hệ thống chăm sóc sức khỏe được tài trợ tốt. Nhưng sự tăng đột biến các ca nhiễm bệnh gần đây ở Singapore là bài học để đời cho phần còn lại của thế giới.
Cả Singapore và Hong Kong chỉ có thể duy trì số ca nhiễm ở mức trung bình tương đối trong khi họ luôn kiểm soát chặt chẽ các bệnh nhiễm bệnh nhập cảnh tiềm năng. Một khi có làn sóng các ca nhiễm mới tới từ nước ngoài, cả hai đã phải phản ứng nhanh chóng để ngăn chặn dịch bệnh mới.
Hong Kong có thể làm điều này dễ dàng hơn vì thành phố này chưa bao giờ hoàn toàn mất cảnh giác, trong khi Singapore buộc phải đưa ra các biện pháp mới và tiếp đó còn phải xem xem việc này mang lại hiệu quả như thế nào.
Nhưng cách phòng dịch "thả lỏng mà không mất cảnh giác" này để hạn chế sự lây lan của Covid-19 chỉ thực sự khả thi ở những nơi như Hong Kong và Singapore, bởi những những nơi này có quy mô dân số đủ nhỏ và điều kiện địa lí cụ thể, cho phép chính quyền kiểm soát chặt chẽ số lượng người ra vào, và theo dõi việc di chuyển của họ nếu cần thiết.
Hong Kong đã thiết lập việc kiểm dịch bắt buộc đối với những người đến từ nước ngoài kể từ giữa tháng 3.
Ngay cả khi những thành phố này đã tới gần với đợt bùng phát lớn thứ hai, nhưng nó vẫn đòi hỏi họ phải tạm dừng hoạt động kinh tế, và đưa ra nhiều các hình thức hạn chế. Do vậy, đây là một bài học lớn cho phần còn lại của thế giới về việc buông lỏng quá sớm.
Như nhiều nơi diễn ra ở châu Á, chỉ vì một ổ dịch cục bộ dường như được kiểm soát không có nghĩa là sẽ không có làn sóng lây lan mới đổ bộ về. Cho đến khi một thành phố hoặc quốc gia có thể chắc chắn rằng sẽ không còn sự lây nhiễm từ bên ngoài, hoặc có thể được theo dõi và kiểm soát một cách hiệu quả, việc có ít các trường hợp lây nhiễm ở địa phương không có nghĩa là nguy hiểm đã qua.
Và ở các quốc gia lớn hơn, nơi có đường biên giới giữa các khu vực khác ít hơn và cả các thành phố thiếu khả năng dễ dàng kiểm soát và giám sát những người đi lại, việc tránh lây nhiễm từ những người nhập cảnh là điều không thể.
Như kinh nghiệm của Singapore cho thấy, việc nới lỏng quá sớm có thể gây ra tác dụng ngược.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020