CTCP Tasco (mã chứng khoán: HUT) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2022, theo đó, công ty đạt doanh thu thuần 240 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 237 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Chiếm 75% trong cơ cấu doanh thu của Tasco là doanh thu từ hoạt động thu phí với hơn 179 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Theo công ty, doanh thu từ thu phí đường bộ BOT và dịch vụ thu phí không dừng VETC đều tăng trưởng nhờ tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát và lưu lượng phương tiện giao thông qua các trạm thu phí tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh mảng thu phí, doanh thu từ các hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ và từ các hợp đồng xây dựng đều tăng so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán giảm, biên lợi nhuận gộp tăng, do đó, lợi nhuận gộp công ty ghi nhận tăng trưởng 9%, đạt 99,3 tỷ đồng.
Trong quý, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng vọt từ 1,8 tỷ đồng lên 126 tỷ đồng. Theo giải trình từ Tasco, phần doanh thu này đến từ hoạt động thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm theo chủ trương của HĐQT, đóng góp với tổng doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp.
Sau khi trừ các khoản chi phí, Tasco đạt lợi nhuận sau thuế 88,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ 24,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh mà Tasco định trình tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, sau ba tháng kinh doanh đầu năm, công ty đã thực hiện được hơn 35% chỉ tiêu.
Tính đến thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của Tasco là 10.857 tỷ đồng, tăng 42 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong kỳ, Tasco có thêm khoản đầu tư khác 295,5 tỷ đồng, nâng tổng giá trị khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn - ngắn hạn lên 299,26 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với đầu năm. Công ty không cho biết chi tiết về khoản phát sinh thêm này.
Bên cạnh đó, giá trị đầu tư vào các công ty liên kết cũng tăng 56%, đạt 484 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh thêm khoản đầu tư với giá gốc gần 176 tỷ đồng vào Công ty TNHH T’Hospital.
Ở chiều ngược lại, mặc dù chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường BT tăng 1,2 tỷ đồng so với đầu năm, song, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án khu đô thị và các công trình khác cùng chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn tại các dự án khu nhà ở sinh thái, khu đô thị mới đều giảm so với đầu năm. Do đó, tổng tài sản dở dang dài hạn của Tasco giảm 6% xuống 999 tỷ đồng. Công ty không cho biết chi tiết về các dự án được nhắc đến.
Về phần nợ vay tài chính của Tasco tại thời điểm cuối quý I/2022, tổng nợ tài chính là 5.094 tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm và cao gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Chiếm 98% trong tổng nợ vay tài chính là khoản vay dài hạn tại các ngân hàng để thực hiện các dự án BOT, dự án xây dựng hệ thống thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe. Bên cạnh đó, công ty cũng có khoản vay ngắn hạn một số cá nhân để bù đắp vốn cho một dự án.