'Tết đầu tiên sau công khai, cả họ hỏi bao giờ sang Thái?'

Với chuyên viên trang điểm Phạm Xuân Nghi (SN 1997, chuyển giới nữ), những ngày tháng qua hẳn là một giấc mơ mà cô ngỡ tưởng sẽ thật khó để thành hiện thực.

Bởi lẽ, cô biết, ở chốn quê nghèo ít có ai hiểu về LGBT, ở chốn ấy, có một người mẹ yêu con hết mực nhưng sợ hãi nỗi ám ảnh bị kỳ thị của người dân quê. Thế nhưng, sau tất cả, cuối cùng, cô nàng đã được gia đình chấp nhận. Đối với Nghi, quá khứ là vết sẹo dài đang dần bị xóa mờ bởi tương lai tươi đẹp đang diễn ra.

tet dau tien sau cong khai ca ho hoi bao gio sang thai
Phạm Xuân Nghi.

Ám ảnh về tuổi thơ bị kỳ thị

Sinh ra trong bản thể của một nam nhi nhưng ngay từ nhỏ Nghi đã thích chơi búp bê. “Cậu bé” Nghi ngày ấy không hề có cảm hứng với những trò chơi con trai. Thế nhưng, thời điểm ấy, “cậu bé” Nghi vẫn chưa biết được mình có phải là người chuyển giới không? Chỉ đến khi bước vào tuổi dậy thì, Nghi mới nhận ra mình có biểu hiện khác thường không giống các bạn nam cùng trang lứa.

Nhớ lại những tháng ngày ấy, Nghi vẫn còn ám ảnh và sợ hãi. Đối với cô gái 20 tuổi này, đó là vùng ký ức tối khiến Nghi chỉ muốn tẩy sạch trên trang giấy cuộc đời. Nghi kể: “Lúc đó ở quê nhà nghèo nên không được tiếp xúc với công nghệ thông tin như bây giờ nên mình cũng không biết là tại sao mình lại như vậy. Ở nhà thì cố gắng tỏ ra mình là một người con trai nhưng khi đến lớp thì lại hay bị bạn bè chọc ghẹo, có khi bị đánh vô cớ. Mình cũng chẳng dám nói với gia đình vì lúc đó cảm thấy hục hẫng, cảm giác như mình bị cô lập giữa mọi người vậy nên dần dần cũng không còn muốn đến lớp nữa. Mình không có bố từ nhỏ nên lại càng cảm thấy cô đơn tủi thân.”

tet dau tien sau cong khai ca ho hoi bao gio sang thai
Nghi vẫn điệu đà dù để mái tóc nam tính.

Sợ hãi đến lớp khi phải chứng kiến ánh nhìn đầy ám ảnh của các bạn cùng lớp, Nghi chỉ muốn là con ốc chui vào chiếc vỏ ấy. Đôi lúc, cậu bé Nghi muốn chạy trốn khỏi tất cả. Năm lớp 9, Nghi đã năn nỉ mẹ: “Nếu con không học nổi, mẹ cho con nghỉ học đi lên Sài Gòn học nghề nhé!”

Sau cái gật đầu của mẹ, Nghi hạnh phúc khi nghĩ tới tương lai được tự do, chẳng còn ai nhìn mình với ánh mắt lạ kỳ. Tốt nghiệp lớp 9, Nghi vào Sài Gòn đăng ký học make up. “Nghĩ lại về quãng thời gian thoải mái nhất ấy, mình thấy hạnh phúc vô cùng. Mình được tự do trang điểm nên mỗi lần thực nghiệm lại không muốn tẩy trang. Mình thích để mặt được trang điểm. Nhưng mình rất sợ vì ra ngoài đường nhiều người dòm ngó khó chịu khiến mình chỉ biết cúi mặt vội vã phi về nhà.”

Tháng ngày lang thang trong Sài Gòn, dù được sống là chính mình, nhưng Nghi cũng phải trải qua nỗi cô đơn khi xa gia đình. Rồi một lần, Nghi vô tình biết đến một cuộc thi dành cho người chuyển giới. Từng một lần bỏ qua vì không dám là chính mình, lần này, Nghi quyết định nộp hồ sơ thi. Trước đó, cô nàng vẫn còn lo lắng rất nhiều và sợ hãi. “Lần đầu tiên được bạn giới thiệu, mình từ chối vì rất sợ mọi người nhìn khinh bỉ. Đến lần sau, khi đã đi làm, biết tới cuộc thi chuyển giới khác, mình cười hạnh phúc trong tiếng vỗ tay của khán giả… Cuối cùng, mình quyết định đi…” Cũng nhờ lần “lấy hết can đảm ấy”, Nghi đã có thể xuất hiện trong ánh đèn sân khấu với nụ cười tự tin. Hạnh phúc hơn, Nghi cảm thấy mình không còn lạc lõng khi tìm được những người bạn cùng thế giới.

tet dau tien sau cong khai ca ho hoi bao gio sang thai
Nghi tham gia cuộc thi người đẹp chuyển giới.

Hành trình thuyết phục mẹ

Có lẽ, đối với người chuyển giới, hành trình công khai bản thân với gia đình là bước thử thách vô cùng khó khăn. Bởi với những người làm cha làm mẹ, họ luôn khao khát con mình đi theo con đường mà họ định hướng. Khó khăn hơn khi Nghi sinh ra trong một làng quê nghèo, mẹ lại là một cán bộ xã.

“Ban đầu, mẹ biết mình như vậy nhưng không nói ra. Mẹ muốn mình thay đổi dần dần. Khi anh rể của mình nói với mẹ. Mẹ gọi mình vào bảo: “Con không được như vậy. Hồi nhỏ con sau cũng được nhưng lớn rồi thì phải thay đổi”. Lúc đó, mình đã khóc rất nhiều tâm sự với mẹ: “Con cũng đâu muốn con như vậy! Sinh ra là một người bình thường được xã hội chấp nhận ai lại không muốn mà lại phải tách biệt mình ra với xã hội để chịu sự kì thị bị mọi người dòm ngó”.” – Nghi kể.

tet dau tien sau cong khai ca ho hoi bao gio sang thai
Hiện tại, Nghi đã được gia đình chấp nhận.

Điều may mắn đối với Nghi đó chính là nhờ công tác hoạt động xã hội nhiều nên mẹ đã dần hiểu và chấp nhận. Nhiều lần nghe Nghi tâm sự và đưa thông tin về người chuyển giới, cộng đồng LGBT, mẹ bắt đầu xuôi lòng. Cô gái quyết tâm chinh phục mẹ dù biết con đường phía trước chẳng hề khó khăn. Nghi biết, “là một cán bộ xã, có thể mẹ rất yêu mình nhưng ám ảnh về hang xóm láng giềng dị nghị khiến mẹ cần thời gian để chấp nhận.”

Phải một thời gian rất dài, Nghi cuối cùng cũng được gia đình và dòng họ chấp nhận. “Dù bây giờ, mình cũng gặp khó khăn trong công việc và khi đi ra đường mọi người dòm ngó. Nhưng mình quan trọng gia đình chấp nhận là đủ lắm rồi! Còn xã hội, từ tự họ sẽ hiểu và nhìn mình một con mắt khác.”

tet dau tien sau cong khai ca ho hoi bao gio sang thai
Với Nghi, được gia đình công nhận là như được sinh ra thêm một lần.

Đối với Xuân Nghi, cái Tết đầu tiên sau lần được mẹ chấp nhận là kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. “Ngay từ khi còn nhỏ đã không có cha nên mỗi lần Tết về, mình thường về ngoại ăn tết cùng cả họ. Lúc đó, lần đầu tiên được chấp nhận, mình hạnh phúc lắm. Mình dậy từ rất sớm để make up và chuẩn bị quần áo. Đó là lần đầu mọi người được thấy mình trong hình hài là con gái ai nấy cũng trầm trồ. Các dì và chị còn hỏi là khi nào sang Thái, cảm giác của mình lúc đó khó tả lắm. Như được sinh ra lại một lần nữa vậy!”

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...