Tháng 6 sẽ có đủ mặt bằng để làm metro số 2

Dự kiến đến tháng 6/2020, các quận, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án metro số 2 (Bến Thành - Suối Tiên) cho MAUR để khởi công vào tháng 10.

Trao đổi với PV, đại diện Ban quản đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) cho hay đối với dự án metro số 2, dự kiến từ hôm nay (14/4) đến 18/4, các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú sẽ phát hành trực tiếp phương án bồi thường chi tiết đến từng hộ dân để lấy ý kiến.

Do thời điểm dịch COVID-19 nên MAUR không tổ chức họp niêm yết. Sau 20 ngày, nếu các hộ dân có ý kiến sẽ tổ chức họp.

Thành lập tổ công tác bồi thường

Cụ thể, về phạm vi giải phóng mặt bằng (GPMB), ông Bùi Xuân Cường, Trưởng ban MAUR, cho hay việc xây dựng 10 nhà ga, di dời hạ tầng kỹ thuật sẽ có khoảng 28 đơn vị bị ảnh hưởng như cấp nước, cây xanh, ánh sáng... 

Vì vậy phải có phương án di dời để khi vận hành sẽ không làm ảnh hưởng mà có sự đồng bộ với các đơn vị này.

Theo ông Cường, muốn làm được thì phải có mặt bằng kỹ thuật và có sự phối hợp giữa các đơn vị thực hiện.

MAUR cho biết theo chỉ đạo của UBND TP, đơn vị đã hoàn thành việc tổ chức làm việc với các đơn vị chủ sở hữu, vận hành và các sở quản chuyên ngành. Qua đó đã thống nhất phương án kế hoạch thực hiện đối với từng nhóm hạng mục công trình.

Về vấn đề trên, UBND TP đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu và đề xuất UBND TP theo đúng quy định trước ngày mai (15/4).

Về công tác GPMB, dự án có tổng diện tích bị ảnh hưởng là 251.136 m2 với 602 trường hợp bị giải tỏa. Trong đó 108 hộ đã nhận tiền bồi thường, 53 hộ đã bàn giao mặt bằng.

Hiện nay, UBND các quận đã tiến hành phê duyệt điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Dự kiến đến tháng 6-2020, các quận, huyện sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho MAUR.

Theo MAUR, để đảm bảo kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ, UBND TP đã thống nhất việc thành lập tổ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án.

Hiện Sở TN&MT đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh nội dung phân công nhiệm vụ của các thành viên tổ công tác. Sau đó trình Sở Nội vụ tham mưu UBND TP ban hành quyết định.

Trước đó, ngày 27-3, UBND TP cũng đã ban hành các quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ của dự án metro số 2 trên địa bàn các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Đối với quận 3, UBND TP đang xem xét cập nhật.

Tháng 6 sẽ có đủ mặt bằng để làm metro số 2 - Ảnh 1.

Sơ đồ các nhà ga thuộc dự án metro số 2 (Đồ họa: HỒ TRANG).

Tăng vốn hạ tầng xung quanh metro 2

UBND TP HCM cũng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính xin ý kiến về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án giao thông đô thị bền vững tuyến metro số 2 (dự án). Ngoài ra, TP HCM đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án từ 1.353 tỉ lên 1.489 tỉ đồng.

Đây là dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc tiếp cận 10 nhà ga dọc tuyến trong vòng bán kính 500-1.000 m.

Quanh 10 nhà ga sẽ được xây dựng, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận nhà ga và bãi đậu xe, nâng cấp vỉa hè và các lối đi bộ. Đồng thời, xây dựng các dịch vụ giao thông công cộng tích hợp.

Cần tính toán không gian qui hoạch

Khi thực hiện dự án metro số 2, TP cần rút kinh nghiệm từ metro số 1 để làm tốt hơn nữa. Ngoài giải phóng mặt bằng cũng cần làm qui hoạch trong vòng bán kính 500 -1.000 m trước khi thực hiện dự án.

TP cần tính toán kỹ không gian qui hoạch sẽ chịu sự tác động của metro số 2. Từ đó xác định được khu vực cần chỉnh trang, giải tỏa bởi đây cũng chính là nguồn ngân sách để làm tuyến này.

Nếu không có kế hoạch thì sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội phát triển như lợi nhuận làm nhà cao tầng gần metro mà Nhà nước có thể đấu thầu. Điều này có thể tránh tình trạng metro đi một đằng, nhà cao tầng đi một nẻo như metro số 1.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN, chuyên gia qui hoạch đô thị

Theo UBND TP, trước đây, khi làm việc với phái đoàn xem xét dự án của Ngân hàng ADB, ngân hàng đã yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh ngày đóng khoản vay cho dự án để phù hợp với kế hoạch thực hiện dự án metro số 2.

Do đó, để đảm bảo thực hiện và hiệu quả của dự án, TP đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét, có ý kiến về đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và tổng mức đầu tư theo quy định hiện hành.

Cụ thể, TP đề xuất gia hạn thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 đến 2026 (quyết định trước đó dự án thực hiện trong giai đoạn 2014-2019) để phù hợp với tiến độ điều chỉnh metro số 2.

Đồng thời, điều chỉnh tổng mức đầu tư (tăng mức đối ứng) sau khi điều chỉnh thiết kế cơ sở, chi phí của nguồn vốn đối ứng phát sinh do trượt giá, tỉ giá thay đổi và quy định về quản chi phí đầu tư. Theo UBND TP, việc thay đổi này chỉ tăng vốn đối ứng từ 126 tỉ lên 151 tỉ đồng.

Các kế hoạch sắp tới của dự án metro số 2

Để quyết liệt triển khai việc giải phóng mặt bằng, UBND TP HCM giao UBND các quận, huyện thực hiện các kế hoạch sắp tới như sau:

Trong tháng 4-2020, các quận công bố lấy ý kiến đối với dự thảo chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của từng hộ dân. Đồng thời tiếp xúc đối thoại theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai.

Từ tháng 4 đến tháng 5-2020, UBND các quận sẽ ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt chính sách và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Đồng thời, các quận này cũng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bố trí tái định cư và giải quyết cấp phép xây dựng đối với phần diện tích còn lại. Bên cạnh đó, các quận sẽ vận động người dân tháo dỡ công trình và bàn giao mặt bằng.

Tháng 6-2020, các quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất đối với những trường hợp không đồng thuận và không chấp hành bàn giao mặt bằng.

Được biết, dự án metro số 2 được phê duyệt năm 2010 và đã được điều chỉnh tổng mức đầu tư năm 2019 với 47.890,840 tỉ đồng (tương đương 2.093,59 triệu USD).

Nguồn vốn ODA từ ADB, KfW, EIB và vốn đối ứng. Tuyến metro số 2 đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú và kết nối với các tuyến metro số 1, 5, 3b và 6.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.