TP HCM đề xuất quy hoạch nhiều tuyến đường sắt đô thị mới

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố sẽ có 13 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài gần 620 km, trong đó có nhiều tuyến mới đề xuất.

TP HCM sẽ có 13 tuyến đường sắt đô thị với chiều dài hơn 620 km. (Ảnh: Hải Quân).

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn thành phố sẽ có tổng cộng 13 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 620 km.

Theo đó, TP HCM sẽ xây dựng 13 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài gần 620 km gồm 8 tuyến hướng tâm và hai tuyến vành đai nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, một tuyến tramway dọc sông và hai tuyến monorail.

Cụ thể, tuyến MRT số 1 sẽ giữ nguyên đoạn Suối Tiên - Bến Thành và lấy một phần đoạn tuyến của tuyến 3A từ Bến Thành đến ngã 6 Cộng Hòa, sau đó kéo dài về phía tây đến ga Vĩnh Lộc tạo thành một tuyến xuyên tâm.

Hướng tuyến từ cầu Kênh Một (Bình Chánh) qua ga Vĩnh Lộc (ĐSQG), theo các lộ trình Lê Văn Quới - Hòa Bình - Lãnh Binh Thăng - đường 3 tháng 2 - Lý Thái Tổ - ngã Sáu cộng Hòa - Phạm Viết Chánh - Cống Quỳnh - Phạm Ngũ Lão đến Ga Bến Thành và theo lộ trình của metro số 1 về Suối Tiên, kết nối kéo dài đến TP Biên Hòa - Đồng Nai và tỉnh bình Dương, dài 41,1 km.

Hiện tuyến đang triển khai các hạng mục thi công cuối cùng, dự kiến đưa vào khai thác đoạn tuyến vào năm 2024.

Tuyến MRT số 2 sẽ kéo dài về phía đông đến Long Trường (dùng chung ray với tuyến Thủ Thiêm – Long Thành), phía bắc đi đến QL 22 (đoạn ấp Tân Thới 3, Tân Hiệp, Hóc Môn) rồi rẽ phải đi theo hướng qua Bình Dương. Tuyến kết nối với tuyến số 3B của Bình Dương, ở Thủ Dầu Một.

Hướng tuyến từ Long Trường - Thủ Thiêm - Bến Thành - Lê Lai - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh - Bến xe An Sương - QL 22 – cầu Phú Cường (kết nối Bình Dương), dài 50 km.

Tuyến hiện nay đang thực hiện di dời hạ tầng kỹ thuật thuộc gói thầu đầu tiên (Bến Thành – Tham Lương).

Tuyến 2S sẽ sử dụng chung hạ tầng với tuyến MRT số 2 để kết nối từ khu đô thị Tây Bắc, Củ Chi, đi dọc theo QL 22 để kết nối vào khu vực trung tâm. Tuyến 2S sẽ sử dụng loại hình Super commuter train, đây là loại tàu chỉ hoạt động vào giờ cao điểm đi làm và tan làm vào sáng và tối, có ít điểm dừng.

Hướng tuyến: Tuyến số 2 - QL 22 - khu đô thị Tây Bắc, Củ Chi, dài 9,4 km.

Tuyến MRT số 3 nối tuyến 3A và 3B tạo thành 1 tuyến xuyên tâm. (1 phần đoạn tuyến 3A từ ngã Sáu Cộng Hòa đến Bến Thành được chuyển thành tuyến số 1 kéo dài).

Hướng tuyến tuyến số 1 - Phạm Văn Hai - Mai Bá Hương - ga Tân Kiên - Depot Tân Kiên - Kinh Dương Vương - Hồng Bàng – Hùng Vương - ngã 6 Cộng Hòa và tiếp tục theo hướng tuyến 3B về Hiệp Bình Phước, dài 52,8 km. Tuyến kết nối với tuyến số 2 của Bình Dương, ở Hiệp Bình Phước.

Tuyến MRT số 4 sẽ giữ một phần hướng tuyến theo Quyết định 568 và có một số điều chỉnh gồm kéo dài tuyến lên khu vực Hóc Môn; điều chỉnh hướng tuyến vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Hướng tuyến từ Đông Thạnh (Hóc Môn) - Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Sơn - Bạch Đằng - Nhà ga T1, T2 TSN - Trường Sơn - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng - Hai - Bà Trưng - Bến Thành - Nguyễn Thái Học - Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước, dài khoảng 44 km.

Tuyến MRT số 5 sẽ kéo dài về phía Đông, đi theo lộ trình của tuyến BRT Thủ Đức, sau đó rẽ thành hai nhánh, nhánh trái đi Long Phước để vào Vinhomes Grand Park, nhánh phải theo lộ trình của BRT Thủ Đức.

Hướng tuyến từ Depot Đa Phước - làng ĐH Hưng Long - QL 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biện Phủ - Xa Lộ Hà Nội – Liên Phường – Long Thuận – Long Phước – Nhánh 1 đi Vinhomes Grand Park /Nhánh 2 đi Bến xe Sông Tắc (Depot Long Trường), dài 47,9 km.

Tuyến MRT số 6 sẽ  giữ một phần tuyến số 6 (theo QĐ 568), kéo dài vào sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó đi theo hướng Thủ Đức và kết hợp với đường Metro P3 đã kiến nghị trong QHC Thủ Đức, sau đó thi dọc theo kênh đôi và khép kín để tạo vành đai hoàn chỉnh.

Hướng tuyến từ nút giao Cộng Hòa - Nhà ga T3 - Nhà ga T1, T2 - Hồng Hà - Phạm Văn Đồng - Đường sắt QG - vành đai 2 - Võ Chí Công - Trương Gia Mô - Tân Thuận – Nguyễn Thị Thập – Tạ Quang Bửu - Nguyễn Văn Luông - Vòng xoay Phú Lâm - Lũy Bán Bích - Âu Cơ- Trường Chinh, chiều dài 51 km.

Tuyến MRT số 7 sẽ thay thế tuyến Monorail số 2, hướng tuyến đi theo một phần của hướng tuyến Monorail sau đó đi lệch về phía Nam đường Nguyễn Văn Linh sau đó đi vào Thủ Thiêm và tiếp tục với tuyến Metro đã đề xuất trong Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, sau đó kéo dài về Vinhomes Grand Park.

Hướng tuyến từ ga Tân Kiên - Nguyễn Văn Linh - Phía Nam đường Bờ bao HTX Phong Phú - Khu dân cư Bình Hưng Nam - Đào Sư Tích - Tôn Dật Tiên - Phú Mỹ Hưng - Huỳnh Tấn Phát - Trần Bạch Đằng - Trần Não - Thảo Điền - Thanh Đa - Trường Thọ - Trịnh Công Sơn (Rạch Chiếc) - Đường D2 Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand park, dài 48,8 km.

Tuyến MRT số 8 sẽ thay thế tuyến Monorail số 3 và phía nam kéo dài về Ga Hòa Hưng, phía bắc kéo dài lên Hóc Môn.

Hướng tuyến từ ga Hòa Hưng - Đường sắt quốc gia - Phạm Ngũ Lão - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp - KCN Đông Nam, Hóc Môn, dài 24 km.

Tuyến MRT số 9 - tuyến đề xuất mới. Hướng tuyến từ ga Bình Triệu - Nơ Trang Long - Lê Văn Duyệt - Võ Thị Sáu - Ga Hòa Hưng - Tô Hiến Thành - Trung tâm TDTT Phú Thọ - Âu Cơ - Lê Trọng Tấn - Nguyễn Thị Tú - Vĩnh Lộc A, chiều dài 23,6 km.

Tuyến MRT số 10 (Vành đai ngoài) sẽ dựa vào tuyến Metro P2 theo Quy hoạch chung TP Thủ Đức, kéo dài tạo thành vành đai, chiều dài khoảng 88 km.

Hướng tuyến từ ga Thủ Thiêm - Trương Văn Bang - Cát Lái - Tam Đa - Long Phước - Khu CNC (D1) - Linh Trung - QL 1A - ngã tư Bình Phước - An Phú Đông - Sông Vàm Thuật - Kênh 19/5 - Kênh Tham Lương - Mã Lò - KCN Tân Tạo - Khu Y tế KTC Bình Tân - Hồ Học Lãm - Trịnh Quang Nghị - Phong Phú - Nhơn Đức - Nguyễn Bình - Đào Trí - Tân Thuận - ga Thủ Thiêm.

Tuyến số 11 (tram/LRT) - tuyến đề xuất mới. Hướng tuyến từ bến xe miền Tây hiện hữu - Lý Chiêu Hoàng - Võ Văn Kiệt – Công trường Mê Linh - Tôn Đức Thắng - Ba Son - Đi theo đường ven sông Sài Gòn - Depot Trung An, chiều dài 45,6 km.

Tuyến số 12 (LRT/monorail) - tuyến đề xuất mới. Hướng tuyến từ ga An Bình - cầu Phú Long - Lê Văn Khương - QL 22 - Tỉnh lộ 10 – ga Tân Kiên, chiều dài 41,3 km.

Tuyến số 13 (LRT/monorail) - tuyến đề xuất mới. Hướng tuyến từ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Lương Bằng - Rừng Sác - KĐT Cần Giờ, chiều dài 48,7 km.

 Mạng lưới đường sắt đô thị TP HCM theo quy hoạch. (Ảnh chụp từ văn bản dự thảo Quy hoạch TP HCM).

Ngoài ra, quy hoạch xây dựng 7 Depot gồm Suối Tiên - diện tích khoảng 27,7 ha, Tham Lương - diện tích khoảng 25 ha, Tân Kiên - diện tích khoảng 26,5 ha, Hiệp Bình Phước - diện tích khoảng 20 ha, Thạnh Xuân - diện tích khoảng 27 ha, Nhà Bè - diện tích khoảng 20,0 ha, Đa Phước - diện tích khoảng 32 ha, tổng diện tích các Depot khoảng 158,2 ha.

Bổ sung thêm 4 depot Metro gồm Bình Triệu (hơn 20 ha), Long Trường ở Tam Hà (hơn 20 ha), An Hạ tại Bình Chánh (hơn 20 ha), Bình Mỹ tại Hóc Môn (hơn 20 ha). Bổ sung depot Trung An Tram/LRT (ở Củ Chi) (hơn 20 ha).

Chuyển đổi depot Bến Xe Miền Tây (5,9 ha) từ depot Monorail thành Depot Tram/LRT; chuyển đổi depot Tân Chánh Hiệp từ depot Monorail thành depot Metro; chuyển đổi depot Nguyễn Văn Linh (5,9 ha) từ depot Monorail thành vị trí bố trí các giao thông tĩnh khác.

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.