TP HCM muốn thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên

TP HCM kiến nghị được quyền quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân.

UBND TP HCM vừa có tờ trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố, thay thế cho Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017, theo Vietnamnet.

Trên cơ sở ý kiến của nhiều tổ chức, bộ ngành, chuyên gia và các cơ quan liên quan, UBND TP HCM đề xuất các nội dung kiến nghị đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Trong đó có nội dung về thí điểm chính sách thuế bất động sản. 

Cụ thể, TP HCM kiến nghị được quyền quyết định chính sách thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân.

Theo UBND thành phố, mục đích của quy định này là thí điểm chính sách về thuế bất động sản, làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách chung về sau. Đồng thời, tăng nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương; hạn chế tình trạng đầu cơ, bỏ hoang nhà ở, đất ở trong các dự án bất động sản hiện nay, gây lãng phí nguồn lực xã hội.

Năm 2022, theo quyết định của Quốc hội, TP HCM được hưởng ngân sách theo tỷ lệ điều tiết là 21%. Thành phố đề nghị giữ nguyên tỷ lệ này đến hết năm 2025, đồng thời không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm như thuế bất động sản thứ hai hoặc các loại phí, mức phí mới.

UBND TP HCM cho biết quy định nói trên phù hợp với thông lệ quốc tế khi “thuế bất động sản chỉ dùng để đầu tư nâng cao phúc lợi người dân tại chính địa phương nơi phát sinh nguồn thu thuế”.

Trước đó, ngày 21/11, UBND TP HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị 17 nội dung liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường để đưa vào dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54.

Trong đó, theo báo Sài gòn giải phóng, với lĩnh vực đất đai, TP HCM kiến nghị cho phép thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố, trình HĐND thành phố thông qua. Trên cơ sở đó, UBND TP HCM ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất.

Thành phố cũng kiến nghị được bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất cùng mục đích sử dụng thì bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỷ lệ phần trăm.  

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng được tách riêng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B; thí điểm cho phép các tổ chức sử dụng đất được thế chấp, cho thuê và chuyển nhượng “quyền thuê đất” đóng tiền hàng năm…

Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018 đến hết năm 2022.

Tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54 trong thời gian sớm nhất. 

Trước đó, Chính phủ đã kiến nghị cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết ngày 31/12/2023, tuy nhiên Quốc hội không quy định “cứng” về thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết 54 để bảo đảm linh hoạt, thống nhất với nội dung trong Nghị quyết số 54 và phù hợp với thực tiễn (về nguyên tắc, Nghị quyết 54 sẽ được thực hiện cho tới khi có văn bản mới do Quốc hội ban hành thay thế nghị quyết này có hiệu lực).

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.