Tracodi lỗ quý IV/2022 do lỗ thanh lý các khoản đầu tư, giá trị đầu tư chứng khoán giảm hơn 99%

Quý IV/2022, chi phí tài chính của công ty tăng 134% so với cùng kỳ, chủ yếu do lỗ thanh lý các khoản đầu tư, dẫn đến công ty báo lỗ sau thuế 72 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2022, khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh giảm 99,6% so với đầu năm.

CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi, mã chứng khoán: TCD) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu thuần đạt 1.043 tỷ đồng, tăng 3% so với quý IV/2021. Lợi nhuận gộp giảm 0,5%, đạt 110 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính thấp hơn so với cùng kỳ, đồng thời, tổng các chi phí tăng cao, riêng chi phí tài chính tăng 134% lên gần 196,5 tỷ đồng, trong đó, ghi nhận thêm khoản lỗ đầu tư tài chính 96 tỷ đồng. Tracodi cho biết, đây là lỗ do thanh lý các khoản đầu tư để đáp ứng các như cầu vốn và cơ cấu lại danh mục đầu tư của doanh nghiệp. 

Kết quả, công ty lỗ sau thuế gần 72 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 62 tỷ đồng.

KQKD năm 2022 của Tracodi. Nguồn: Quỳnh Anh tổng hợp từ BCTC.

Luỹ kế, doanh thu thuần cả năm 2022 của Tracodi đạt gần 2.945 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Giá vốn giảm kéo lợi nhuận gộp tăng 1%, đạt 386 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng cao, do đó, công ty báo lãi sau thuế hơn 365 tỷ đồng, tăng 9%, tương đương hoàn thành được 72% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cuối kỳ, khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh giảm gần 99,6%, còn hơn 4 tỷ đồng, phần lớn do không còn ghi nhận khoản đầu tư với giá gốc 957 tỷ đồng vào mã TPB của TPBank như đầu năm. Tracodi cho biết, đây là khoản đầu tư cổ phiếu TPB với mục đích nắm giữ để bán theo nghị quyết HĐQT hồi tháng 8/2021, trong đó 29 triệu cổ phiếu TPB bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Mặt khác, Tracodi tăng 104% đầu tư góp vốn vào đơn vị khác lên 2.022 tỷ đồng, trong đó, ghi nhận mới phần vốn góp giá trị ghi sổ 970 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Phát triển Sơn Long (tương đương 40,63% vốn điều lệ), 400 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư và Dịch vụ Helios,…

Ngoài ra, công ty cũng thoái vốn, chuyển quan hệ với một số đơn vị từ công ty liên kết sang đơn vị khác như CTCP BCG Land, CTCP Phát triển Nguyễn Hoàng.

Nguồn: BCTC.

Các khoản phải thu cuối năm đạt 6.972 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần giá trị đầu năm, trong đó, trả trước cho người bán hơn 2.590 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần. Qua đó, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng 71%, đạt 9.870 tỷ đồng.

Về phần nợ vay, dư nợ tài chính (cả ngắn và dài hạn) tại thời điểm cuối quý IV/2022 đạt gần 2.659 tỷ đồng, tăng gấp 3,1 lần, nguyên nhân chính do hoàn tất phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 1.490 tỷ đồng, dư nợ tại cuối kỳ là hơn 1.472 tỷ đồng. Trong đó, lô trái phiếu hoàn tất hồi cuối tháng 10/2022 được công ty phát hành với mục đích cơ cấu nợ. 

Trong năm, công ty đã chi 1.431 tỷ đồng để trả nợ gốc vay; 3,3 tỷ đồng để trả nợ thuê tài chính và 68,2 tỷ đồng trả cổ tức. Mặt khác, công ty đã thu hơn 3.232 tỷ đồng từ đi vay, đồng thời thu 1.999 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu. Qua đó, dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính dương gần 3.829 tỷ đồng.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 3.382 tỷ đồng, cùng kỳ dương 124 tỷ đồng, chủ yếu do công ty chi nhiều từ việc tăng các khoản phải thu.

Bên cạnh đó, công ty cũng chi khoảng 1.818 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, do đó, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm 429 tỷ đồng.

Kết quả, dòng tiền thuần trong năm âm 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 124 tỷ đồng.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.