Có nhiều tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản những tháng cuối năm, như đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, hoàn thiện tuyến Metro số 1, dự kiến giải phóng mặt bằng tuyến Metro số 2, khởi công các dự án thành phần thuộc các tuyến vành đai trọng điểm khu vực TP HCM… Bên cạnh đó, cùng với nỗ lực gỡ vướng pháp lý cho hàng loạt dự án bất động sản, niềm tin sẽ quay trở lại, dòng tiền sẽ bắt đầu đi vào thị trường… là những dự báo của các chuyên gia về triển vọng thị trường bất động sản trong nửa còn lại của năm 2023.
Theo đó, các tháng cuối năm 2023 sẽ là giai đoạn tiền đề, tác động lớn lên sự phục hồi của thị trường bất động sản trong năm 2024. Viện trưởng Viện nghiên cứu Dat Xanh Phạm Anh Khôi nhận định, thị trường chung đang ở trong trạng thái liên tục quan sát, điều chỉnh và có những dấu hiệu tích cực để kỳ vọng sẽ có sự phục hồi dù còn khiêm tốn.
Báo cáo của Dat Xanh Services cho thấy, tại TP HCM và khu vực phía Nam, nguồn cung căn hộ vẫn hạn chế, các sản phẩm tại khu phía Đông TP HCM giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái, giỏ hàng hiện tại chủ yếu là giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ như: Vinhomes Grand Park, Lumiere Boulevard (thành phố Thủ Đức), The 9 Stellars (thành phố Thủ Đức)… Tại tỉnh Bình Dương, nguồn cung căn hộ chủ yếu là giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ tại các thành phố Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một như Bcons City, Lavita Thuận An, HT Pearl, Pearl, The Maison…
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, dù nguồn cung khan hiếm nhưng phân khúc căn hộ sẽ là lực dẫn dắt thị trường trong những tháng còn lại của năm nay. Phân khúc chung cư sẽ vẫn rất hấp dẫn các nhà đầu tư do nhu cầu cao và tính thanh khoản tốt, nguồn cung căn hộ hiện hữu khá phong phú, có nhiều dự án cho nhà đầu tư lựa chọn.
Đối với phân khúc đất nền, theo DKRA Group, nguồn cung trong quý III/2023 sẽ khởi sắc so với quý II/2023, dao động ở mức 750 - 900 nền, tập trung chủ yếu tại các vùng phụ cận như: Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Sức cầu chung toàn thị trường dự kiến tăng nhẹ nhưng khó có đột biến trong ngắn hạn, giao dịch phát sinh chủ yếu ở nhóm dự án đã hoàn thiện hạ tầng và pháp lý. Nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền được vẫn là phân khúc bất động sản nhận được nhiều sự quan tâm nhất.
Thực tế, trong khoảng thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như: Hưng Thịnh, Bcons, Sun Group, Him Lam... đã tham gia vào lĩnh vực nhà ở cho người có thu nhập thấp. Việc các doanh nghiệp cùng “bắt tay” làm nhà ở vừa túi tiền đồng nghĩa tính bền vững của phân khúc này cao hơn, giải cơn “khát” nhà ở của người dân.
Về triển vọng thị trường trong những tháng cuối năm 2023, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng: “Khả năng thanh khoản của thị trường căn hộ TP HCM sẽ dồi dào hơn trong hai quý cuối năm 2023. Dự kiến sẽ còn nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay khi áp lực chi phí vốn từ các ngân hàng đã phần nào hạ nhiệt”.
Các chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản luôn trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới: Phục hồi, tăng trưởng, sốt nóng và suy thoái. Những tháng qua, Việt Nam đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Nhưng cũng có thể nói một cách lạc quan rằng, thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Nhìn lại hành trình 30 năm phát triển thị trường của Việt Nam, có thể thấy rằng nền tảng kinh tế hiện tại mạnh mẽ hơn nhiều sau khi thị trường trải qua từng thời kỳ suy thoái và khủng hoảng. Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ hơn về cả số lượng và quy mô sau từng đợt đóng băng.
Theo Sở Xây dựng TP HCM, đối với nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản cũng có sự tăng mạnh. Trong quý I/2023, số vốn đầu tư từ nước ngoài chỉ đạt 6,9 triệu USD, nhưng tính đến hết hai quý đầu năm, con số này đã tăng lên 131 triệu USD. Điều này cho thấy sự quan tâm và kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực này, và sẵn sàng rót vốn vào thị trường bất động sản.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tín hiệu tích cực trên đây; trong đó, có động thái từ hệ thống chính trị nói chung và chính quyền TP HCM nói riêng, như việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với từng dự án và sự phối hợp giữa các ngành để giải quyết những khó khăn khác nhau của các dự án; đồng thời, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đã tự chủ động thay đổi phương thức hoạt động để thích nghi với môi trường kinh doanh khó khăn; tăng cường chuyển đổi số, điều chỉnh danh mục đầu tư và cơ cấu lại phân khúc sản phẩm để nâng cao hiệu quả,…
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, có đến 61% người tham gia cho biết có dự định sẽ xuống tiền mua bất động sản trong năm 2024; trong đó, 59% có nhu cầu mua để đầu tư. Đất nền là loại hình được hướng đến nhiều nhất với 40% lựa chọn, tiếp đến là chung cư 28% và nhà riêng là 21%.
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNRea) dự báo, từ quý II hoặc quý III/2024 thị trường bất động sản sẽ có những dấu hiệu khả quan sau khi các quyết sách có hiệu lực. Bên cạnh các phân khúc truyền thống như: nhà ở, khu công nghiệp, nghỉ dưỡng, văn phòng… sản phẩm trên thị trường sẽ ngày càng đa dạng hơn, nhất là nguồn cung nhà ở sẽ tăng mạnh nếu như Đề án Một triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tổ chức thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, phân khúc căn hộ chung cư chỉ có thể phục hồi từ giữa năm 2024 nếu các khó khăn sớm được tháo gỡ. Các chung cư trung cấp, bình dân, tỷ lệ hấp thụ sẽ thấp hơn dù nhu cầu vẫn rất lớn nhưng nguồn cung sẽ ngày càng hạn chế, chỉ chiếm khoảng 8 - 10% tổng nguồn cung chung cư; mặt bằng giá chung cư sẽ tiếp tục tăng.