Thị trường bất động sản TP HCM có dấu hiệu giảm tốc, trầm lắng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP HCM là ngành duy nhất tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021. Theo HoREA, từ cuối quý II/2022, thị trường có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là thị trường thứ cấp.

Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP HCM, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng hơn 36.000 doanh nghiệp xây dựng, với số vốn đăng ký khoảng hơn 855.000 tỷ đồng và khoảng hơn 11.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, với số vốn đăng ký khoảng hơn 1.211.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 17 dự án với tổng số 9.456 căn nhà, tổng diện tích sàn là 860.205 m2.

Trong đó có 8.937 căn hộ chung cư, 519 căn nhà ở thấp tầng với giá trị cần huy động vốn là 77.591 tỷ đồng. Phân khúc cao cấp chiếm 80,13%, phân khúc trung cấp chiếm 19,87%, còn lại là phân khúc bình dân.

Về chuyển nhượng dự án, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố chỉ có một dự án được xem xét đủ điều kiện chuyển nhượng.

Nhận định về thị trường bất động sản thời gian qua, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng thị trường đang rất thiếu nguồn cung dự án. Trong những năm gần đây, số lượng nhà ở đưa ra thị trường liên tục sụt giảm, dẫn đến tình trạng lệch pha cung cầu.

Bên cạnh đó, thị trường còn có tình trạng lệch về phân khúc nhà ở cao cấp, trong lúc rất thiếu nhà ở giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Cụ thể, loại nhà ở bình dân dưới 30 triệu đồng/m2 tại TP HCM chỉ chiếm 1% vào năm 2020. Từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 thị trường không còn loại nhà này. Trong khi đó nhà ở cao cấp ngày càng chiếm tỷ lệ áp đảo: năm 2021 chiếm 72% và 6 tháng đầu năm 2022 chiếm đến 80,13%.

Về nhà ở xã hội, TP HCM thực hiện được 15.000 căn hộ nhà, đạt 75% kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016 - 2020 và đã khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn và cấp bách khi thành phố có 380.000 người làm việc trong 1.600 doanh nghiệp thuộc các khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP HCM là ngành duy nhất tăng trưởng âm, giảm 5,82% so với cùng kỳ năm 2021 và từ cuối quý II/2022, thị trường bất động sản có dấu hiệu “giảm tốc”, phát triển chậm lại, trầm lắng, nhất là trên thị trường bất động sản thứ cấp.  

Đáng chú ý, giá nhà đã tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Giá nhà bình dân (khoảng hai tỷ đồng trở lại) cũng cao gấp khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội, trong khi giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao gấp khoảng 6 - 7 lần mức thu nhập. 

HoREA cho rằng các chỉ dấu trên đây đã cho thấy thị trường bất động sản phát triển chưa cân đối, an toàn, lành mạnh, bền vững và chưa thực sự đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.