Mới đây, tổ chức Tortoise Intelligence đã công bố báo cáo xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) - The Global AI Index. Theo đó, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu về phát triển AI trong khi Trung Quốc là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất và có thể sẽ vượt Mỹ trong vòng 5 đến 10 năm tới nếu giữ được nhịp tăng trưởng hiện tại.
Báo cáo xếp hạng này gồm 54 quốc gia, vùng lãnh thổ dựa trên khả năng AI của họ, đã đo lường bảy chỉ số chính trong 12 tháng: tài năng, cơ sở hạ tầng, môi trường hoạt động, nghiên cứu, phát triển, chiến lược của chính phủ và liên doanh thương mại.
Mỹ đã đi trước trên phần lớn các số liệu chính với một tỷ lệ đáng kể. Nước này nhận được số điểm 100, cao gần gấp đôi so với Trung Quốc đứng thứ hai với 58,3, do chất lượng nghiên cứu, tài năng và tài trợ tư nhân. Vương quốc Anh, Canada và Đức lần lượt xếp thứ 3, 4 và 5.
Hong Kong xếp thứ 25, đạt điểm tương đối tốt về cơ sở hạ tầng nhưng kém hơn về môi trường hoạt động. Singapore xếp thứ 7, ghi điểm mạnh về tài năng nhưng kém hơn về môi trường hoạt động.
Là một công nghệ xác định tương lai có tiềm năng biến đổi nhiều ngành công nghiệp từ tài chính sang vận tải, AI đã trở thành một chiến trường mới cho các quốc gia ganh đua về ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế trong tương lai.
Theo Tortoise Intelligence, số lượng công ty AI trên toàn cầu đã tăng gấp đôi sau bốn năm, với gần 20.000 công nghệ hiện đang phát triển từ xe tự hành đến thuật toán y tế có khả năng phát hiện bệnh và hơn 10.000 công ty AI đã được thành lập kể từ năm 2015 thu hút tài trợ tư nhân khoảng 37 tỷ USD.
Hàng ngàn lập trình viên đã được kéo vào các dự án AI trên toàn cầu trong ba năm qua khi nhu cầu về công nghệ tăng vọt.
Báo cáo của Tortoise Intelligence tiết lộ rằng trên Github, nền tảng phát triển nguồn mở lớn nhất thế giới, số lượng đóng góp của Trung Quốc cho mã AI đã tăng từ 150 mỗi năm trong năm 2015 lên 13.000 mỗi năm hiện nay. Đóng góp của Mỹ đã tăng từ 7.000 lên 42.000.
Trong thập kỷ tiếp theo, hơn 35 tỷ USD đã được các chính phủ cam kết dành để phát triển AI, trong đó riêng Trung Quốc là 22 tỷ USD.
Nhằm mục đích trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu về AI vào năm 2030, Trung Quốc đang đầu tư cho chiến lược AI quốc gia của mình với các nguồn lực đáng kể.
Năm 2017, năm Trung Quốc công bố Chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo của họ, trong đó quốc gia này đặt mục tiêu chiếm 48% tổng nguồn vốn chủ sở hữu các công ty khởi nghiệp AI so với 38% do Mỹ tài trợ.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến giành ngôi vương trong lĩnh vực AI giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Washington đã liệt vào danh sách đen 8 công ty AI nổi tiếng của Trung Quốc hồi tháng 10, ngăn chặn những công ty này tiếp cận với công nghệ của Mỹ.