Từ vụ khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh: Trong bao lâu mới đưa một vụ án ra xét xử?

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì quy trình giải quyết một vụ án hình sự thông thường bao gồm 4 giai đoạn.

Đã 13 ngày kể từ khi VKSND quận 4 (TP HCM) phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Hữu Linh (61 tuổi) về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như đề nghị của công an cùng cấp.

Ông Linh là luật sư Đoàn luật sư Đà Nẵng, nguyên Viện phó VKSND Đà Nẵng về hưu giữa năm 2018. Ông này bị phát hiện hai lần khống chế ôm, hôn, sàm sỡ bé gái 7 tuổi trong thang máy chung cư Galaxy 9 (quận 4) tối 1/4.

Thời gian gần đây dư luận cũng đặt câu hỏi tại sao đã có quyết định khởi tố mà vẫn chưa được đưa ra xét xử. Vậy theo quy định của pháp luật thì quy trình giải quyết vụ án hình sự như thế nào?

Từ vụ khởi tố ông Nguyễn Hữu Linh: Trong bao lâu mới đưa một vụ án ra xét xử? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó VKSND Đà Nẵng. (Ảnh: VietNamNet).

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì quy trình giải quyết một vụ án hình sự thông thường bao gồm 4 giai đoạn.

Khởi tố vụ án hình sự

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, khi có các căn cứ quy định tại Điều 143 và xác định thấy có dấu hiệu của tội phạm thì cơ quan điều tra phải tiến hành khởi tố vụ án hình sự…

Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, xác định có hay không dấu hiệu của tội phạm để quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự, là cơ sở để chấm dứt hoạt động tố tụng hình sự hay thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Về thời hạn, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, trong thời hạn 20 ngày, cơ quan điều tra phải tiến hành kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định sau đây:

- Quyết định khởi tố vụ án hình sự.

- Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

- Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Đối với trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá hai tháng kể từ ngày nhận được tin báo.

Sau đó, nếu chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh thì có thể gia hạn thêm một lần nữa nhưng không được quá hai tháng

Điều tra vụ án hình sự

Giai đoạn điều tra vụ án hình sự là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Và trong đó, cách tính thời hạn điều tra vụ án là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất.

Cách tính thời hạn điều tra

Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, thời hạn điều tra được tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận hồ sơ vụ án cho đến hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Điều 172 quy định, thời hạn điều tra vụ án hình sự được tính kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra như sau:

- Không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng

- Không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng

- Không quá 4 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Trường hợp hết thời hạn điều tra mà không thể kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.

Gia hạn điều tra

Nếu vụ án có tính chất phức tạp, cần thiết phải gia hạn để điều tra thì cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra trong thời gian chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra.

Theo đó, khoản 2 Điều 172 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thời gian được phép gia hạn căn cứ vào tính chất của các vụ án như sau:

- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng thì được gia hạn 1 lần không quá 2 tháng

- Đối với tội nghiêm trọng thì được gia hạn 2 lần, lần đầu không quá 3 tháng, lần thứ hai không quá 2 tháng.

- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng thì được gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.

- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì được gia hạn ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng. Nếu hết thời gian gia hạn vẫn chưa thể kết thúc việc điều tra thì có thể gia hạn thêm một lần không quá 4 tháng nữa.

- Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì có thể gia hạn thêm một lần không quá 4 tháng.

Ngoài ra, trong trường hợp vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì cách tính thời hạn điều tra như sau:

- Nếu do Viện kiểm sát trả lại thì không quá 2 tháng và chỉ được trả lại 2 lần.

- Nếu là Tòa án trả lại thì không quá 1 tháng và chỉ được trả lại 1 lần.

Căn cứ Điều 9 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017:

Tội phạm ít nghiêm trọng, là loại tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 3 năm.

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 3 năm tù đến 7 năm tù.

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Thời hạn quyết định việc truy tố

Căn cứ theo quy định tại Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, Thời hạn quyết định việc truy tố được quy định như sau:

Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

- Truy tố bị can trước Tòa án.

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

- Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra một trong các quyết định trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can, bị hại biết việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung; giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can và gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can; thông báo cho bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Việc giao, nhận các văn bản nêu trên được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

Các quyết định nêu trên phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ các quyết định đó nếu thấy không có căn cứ hoặc trái pháp luật và yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới ra quyết định đúng pháp luật.

Xét xử sơ thẩm

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án hình sự được quy định tại Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Theo đó, trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 3 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

- Đưa vụ án ra xét xử.

- Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

- Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.

Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này kể từ ngày Tòa án ra quyết định phục hồi vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày.

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.