Mới đây, vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại giữa Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (gọi tắt là "Tuần Châu Hà Nội") và Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Việt Tú làm tổng giám đốc đã có kết quả sau 2 năm theo đuổi.
Theo đó, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kết luận đối với vở diễn thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam mang tên Ngày xưa (hay còn gọi là Thuở ấy xứ Đoài), phía đạo diễn Việt Tú có quyền tác giả, còn công ty Tuần Châu Hà Nội có quyền sở hữu. Còn tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ chỉ là vở diễn phái sinh của Ngày xưa.
Đạo diễn Việt Tú và đại diện công ty Tuần Châu Hà Nội tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Vậy quyền tác giả và quyền sở hữu tác phẩm khác nhau như thế nào? Hai quyền này có tầm quan trọng ra sao? Ông Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP HCM - Luật sư điều hành Phan Law Vietnam đã có trả lời với báo chí về vấn đề này.
Ông chỉ ra quy định tại Điều 49, Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009. Theo đó chỉ có tác giả, người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm, và chủ sở hữu quyền tác giả, tác giả; tổ chức, cá nhân đã giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả; người thừa kế quyền tác giả; người được chuyển giao (một phần hoặc toàn bộ) quyền tác giả hoặc Nhà nước, mới có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn đăng kí quyền tác giả.
Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng kí hay chưa đăng kí. Vậy nên, đăng kí quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc và Giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả chỉ là chìa khóa để giải phóng cho các cá nhân, tổ chức có tên trên Giấy chứng nhận khỏi nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả khi có tranh chấp xảy ra.
Ông Phan Vũ Tuấn - Phó chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP HCM - Luật sư điều hành Phan Law Vietnam
Luật sư Phan Vũ Tuấn nhấn mạnh: "Việc xác định đúng đắn chủ thể có quyền, tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với một tác phẩm là việc làm vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, khác với quá trình đăng kí sở hữu công nghiệp như đăng kí nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp;… pháp luật về sở hữu trí tuệ đều quy định về việc công bố đơn đăng kí trong thời hạn hai tháng, kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ".
Trên cơ sở đó, cá nhân, tổ chức khác nếu nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm có thể tiến hành thủ tục phản đối cấp đối với đơn đăng kí đó. Tuy nhiên, việc đăng kí quyền tác giả lại không hề có quy định này.
Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 chỉ quy định về thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, mà không hề có thủ tục công bố đơn đăng kí như đối với lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Giấy chứng nhận đăng kí quyền tác giả được Cục Bản quyền cấp hoàn toàn dựa trên các thông tin được cung cấp trong hồ sơ đăng kí bởi chủ thể có quyền đăng kí.
Ông Vũ Tuấn kết luận: "Nếu tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các thông tin liên quan đến chủ thể phát sinh quyền liên quan đến tác phẩm sẽ dễ dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác bị xâm hại mà chính chủ thể đó không hề biết được".
Giải trí 17:16 | 22/03/2019
Giải trí 06:30 | 22/03/2019
Giải trí 10:55 | 21/03/2019
Giải trí 14:08 | 20/03/2019
Giải trí 10:27 | 20/03/2019
Giải trí 06:00 | 19/03/2019
Giải trí 08:00 | 17/03/2019
Giải trí 09:28 | 14/03/2019