Tuyến đường nào ở Hà Nội có không khí ô nhiễm nhất?

Theo Tổng cục Môi trường, nồng độ bụi mịn vượt giới hạn cho phép chủ yếu tập trung tại các khu vực đang diễn ra hoạt động xây dựng hoặc mật độ giao thông cao.

Ngày 2/4, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã thông tin về diễn biến chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội trong quý I/2019.

Nồng độ bụi mịn một số ngày đã vượt giới hạn cho phép

Tại Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi vào thời gian mùa đông và đầu xuân tăng cao hơn những mùa khác trong năm.

Đây là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua và có tính quy luật. Ô nhiễm bụi mịn tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng 3.

Quy luật này thể hiện khá rõ trong khoảng thời gian vừa qua khi nồng độ bụi trong môi trường không khí của Hà Nội đang có những biến động đáng kể, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ bụi mịn (PM2.5).

Kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý, 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động tại số 8 Láng Hạ của Đại sứ quán Mỹ trong quý I năm 2019, cho thấy nồng độ bụi mịn trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép.

Thời gian nồng độ bụi mịn (PM2.5) tăng cao đột biến tập trung trong tháng 1 và tháng 3, đặc biệt trong các ngày 11-13/1, 19-20/1, 23-26/1,11-14/3, 20-22/3 và 26-27/3.

Tuyến đường nào ở Hà Nội có không khí ô nhiễm nhất? - Ảnh 1.

Diễn biến giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn tại các trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội (1/1-30/3). (Ảnh: VEA).

Kết quả phân tích số liệu cho thấy các trạm có tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn khá cao chủ yếu tập trung tại các khu vực có các hoạt động xây dựng đang diễn ra hoặc mật độ giao thông cao như đường Phạm Văn Đồng, phố Hàng Đậu, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm),... Tại các khu vực khác, tỷ lệ số ngày nồng độ PM2.5 vượt chuẩn tương đối thấp.

Đánh giá theo chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2019, phần lớn thời gian, chất lượng không khí tại các khu vực có trạm đo ở mức trung bình.

Tại các khu vực ngoại vi hoặc có không gian thoáng, nhiều cây xanh như Nguyễn Văn Cừ, Mỹ Đình, Tân Mai, Tây Mỗ, số lượng ngày có chất lượng không khí ở mức tốt và mức trung bình chiếm tỷ lệ khá cao.

Một số khu vực như Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, số ngày có chất lượng không khí ở mức kém và xấu cao hơn.

Đây là những khu vực có mật độ phương tiện giao thông cao, các công trình xây dựng, nâng cấp hạ tầng đô thị đang diễn ra làm phát sinh một lượng bụi lớn vào môi trường

Bụi mịn tăng vào giờ cao điểm, xuyên thủng khẩu trang

Theo dõi diễn biến nồng độ bụi PM2.5 qua các giờ trong ngày, nồng độ bụi PM2.5 dao động trong khoảng từ 40-80 µg/m3, thường tăng cao vào các giờ cao điểm, khi mật độ giao thông lớn.

Tuy nhiên, số liệu quan trắc cũng cho thấy nồng độ bụi PM2.5 cũng tăng cao vào một số thời điểm gió mùa đông bắc tràn về Hà Nội.

Hiện tượng ô nhiễm bụi mịn thường tăng cao vào thời gian tháng 12, tháng 1-2 và có thể kéo dài sang tháng 3 do trong khoảng thời gian này, Hà Nội này chịu tác động mạnh của gió mùa Đông Bắc.

Nền nhiệt độ trong không khí khá cao cộng với sự di chuyển, biến động của các khối khí tầng trên đã nén khí tầng thấp, khiến cho lượng bụi mịn không thể khuếch tán.

Bên cạnh đó, những ngày có độ ẩm cao, sương mù xuất hiện làm cho sự lưu thông khí quyển bị hạn chế, các chất ô nhiễm không thể khuếch tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất, làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng, Trưởng khoa Bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết bụi mịn hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống.

Loại bụi này còn có khả năng xuyên thủng khẩu trang thông thường, theo đường hô hấp, xâm nhập vào cơ thể.

Bụi trong không khí có nhiều loại bao gồm cả bụi vô cơ và hữu cơ. Ở Hà Nội, nguồn bụi xuất phát chủ yếu từ mật độ giao thông lớn nên bụi hữu cơ nhiều lại lẫn với các tạp chất khác như nitơ, lưu huỳnh rất độc hại.

Những hạt bụi này chứa nhiều hợp chất hóa học có thể gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, khó thở… Về lâu dài, nó có thể gây ra tình trạng rối loạn đường thở.

Đặc biệt, bệnh nhân có nền bệnh sẵn như hô hấp, phổi mạn tính, tim mạch, ô nhiễm không khí sẽ làm tình trạng bệnh tăng nặng, biến chứng nguy hiểm hơn.

Về biện pháp đề phòng, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Sức khỏe Môi trường Cộng đồng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế, cho rằng người dân tốt nhất nên hạn chế ra ngoài trong thời điểm không khí không tốt, chỉ ra ngoài khi cần thiết.

Bên cạnh đó, người dân nên có ý thức tự bảo vệ mình bằng khẩu trang, kính mắt khi phải ra ngoài trời.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.