Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên khởi xướng format all stars này. Phiên bản “mẹ đẻ” America’s Next Top Model từng áp dụng trong mùa giải 17, như một cách nhằm “cứu cánh” tình trạng rating chương trình tụt giảm nghiêm trọng chỉ còn 2.52 ở mùa 16.
America’s Next Top Model mùa 17 |
Vietnam’s Next Top Model cũng đang rơi vào “viễn cảnh” tương tự khi trải qua 7 mùa thi, chương trình không còn sức hút đối với khán giả như những ngày đầu và bị cạnh tranh gay gắt bởi The Face – Gương mặt thương hiệu. Vì thế, format All-stars là chọn lựa “an toàn” vào thời điểm này. Dù vậy, phương án này vẫn gặp một số khó khăn khi áp dụng bởi những lý do sau đây:
Những cựu thí sinh nào sẽ quay lại?
Không phải cựu thí sinh nào cũng sắp xếp được thời gian, công việc để bỏ ra 2-3 tháng đồng hành cùng chương trình. Thời điểm khi xưa họ ghi danh tham dự cuộc thi, lúc đó họ vẫn còn là “gà mới” và chưa bị ràng buộc bởi bất cứ công ty nào. Còn bây giờ, ít nhiều các cựu thí sinh cũng có chỗ đứng trong giới người mẫu, được nhiều người biết đến, vì thế “quỹ thời gian” là bài toán “cân não” cho ê-kip sản xuất, cũng như với những cựu thí sinh có ý định tham gia một lần nữa.
Bên cạnh đó, áp lực “danh hiệu” cũng sẽ khiến một vài cựu thí sinh e dè, bởi, nếu không may bị loại sớm và xếp hạng thấp hơn so với mùa giải họ từng tham gia, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến danh tiếng của thí sinh ấy. Vì đây là một “cuộc chiến” của những thí sinh đã có kinh nghiệm làm mẫu nhiều năm, chứ không còn là những người “ngơ ngác” thuở ban đầu, nên áp lực và tính cạnh tranh chắc chắn sẽ càng khốc liệt hơn rất nhiều.
Vietnam’s Next Top Model mùa 5 |
Vì thế nên ngay cả phiên bản gốc America’s Next Top Model cũng rất khó khăn trong việc tuyển chọn thí sinh. Những gương mặt được yêu thích như Jade (mùa 6), chị em sinh đôi Michelle – Amanda (mùa 7), Chantal (mùa 9)... đều từ chối tham dự vì bận việc cá nhân và một phần vì họ không còn hứng thú với danh hiệu America’s Next Top Model nữa.
Ngoài ra, Vietnam’s Next Top Model còn gặp một “thử thách” không nhỏ đó là việc chương trình mới trải qua 7 mùa, trong đó nhiều thí sinh đã từ bỏ con đường người mẫu, chuyển hướng sang lĩnh vực khác hoặc không còn “mặn mà” với hào quang làng giải trí nữa. Một vài gương mặt được khán giả kỳ vọng sẽ quay trở lại thì gần như chắc chắn sẽ không tham dự vì vài lý do riêng.
Tham gia lần 2 , phong độ có còn như xưa?
Truyền hình thực tế là “con dao” hai lưỡi mà không phải ai cũng có thể chịu đựng. Việc edit chương trình khiến nhiều thí sinh bỗng trở nên “xấu tính” hơn trên sóng truyền hình, bị khán giả ném đá và phản ứng. Đó là trường hợp của Lê Thúy (mùa 3), Nguyễn Thị Hợp (mùa 6), Thùy Trâm (mùa 7). Dù sau đó họ có nhiều cố gắng để thay đổi suy nghĩ của khán giả về mình, nhưng ấn tượng ban đầu bao giờ cũng sâu đậm và khó thay đổi.
Những thí sinh từng bị ghét trong lịch sử Vietnam’s Next Top Model |
Một lý do khác khiến khán giả không quá kỳ vọng vào phiên bản All Stars, đó là phong độ của các thí sinh có còn như xưa hay không. Những thí sinh cá tính, có còn giữ được bản chất của mình khi môi trường showbiz đã “tô luyện” họ khác đi, trong khi những thí sinh được đánh giá là tiềm năng có vượt qua được giới hạn của mình hay tiếp tục lặp lại những gì đã thể hiện? Tất cả những giả thuyết trên hoàn toàn có cơ sơ và phiên bản gốc America’s Next Top Model là câu trả lời “sống động” nhất.
Ở America’s Next Top Model mùa 17, thí sinh Brittany Brower phải dừng chân đầu tiên, dù ở mùa giải thứ 4, cô xếp hạng 4. Đây là lời cảnh báo mà siêu mẫu Tyra Banks nhắn gửi đến các thí sinh: Bất kỳ ai cũng có thể bị loại dù bạn từng xuất sắc thế nào trong quá khứ, nhưng ở đây, mọi người đều bình đẳng với nhau. Tương tự như thế, Shannon Stewart (Á quân mùa 1) và Laura Kirkpatrick (Á quân mùa 13) cũng không thể lập lại thành tích của mình và “bại trận” trước những thí sinh có vị trí thấp hơn. Hay như cô nàng LGBT Kayla Ferrel cũng không còn cá tính như xưa, thậm chí là mờ nhạt và không để lại ấn tượng như trước.
Tuổi tác cũng là rào cản lớn để các cựu thí sinh thể hiện khả năng của mình. Nhiệt huyết, sự đam mê nghề mẫu của họ có còn mãnh liệt như ngày còn 18, 20 ? Thời gian có làm họ từ bỏ giấc mơ trở thành Vietnam’s Next Top Model? Đó là những vấn đề mà phiên bản All Stars đang đặt ra với ê-kip sản xuất chương trình, cũng như sự kỳ vọng rất lớn từ khán giả.
Thay đổi để phát triển, hay “dậm chân” để an toàn?
Công bằng mà nói, việc thay đổi format sang All stars cũng có cái hay riêng mà những fan kỳ cựu của chương trình đều mong muốn. Nhiều thí sinh tài năng sớm dừng chân, nhiều thí sinh được yêu thích không thể trở thành quán quân... vì vậy All stars là cơ hội để họ chứng minh bãn lĩnh của mình. Khán giả rất muốn được nhìn thấy những gương mặt ưu tú của các mùa cùng hội tụ trong một mùa thi, như thế, mới biết ai giỏi hơn ai.
Logo America’s Next Top Model All Stars |
Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Mỹ áp dụng format All stars, qua đó cho thấy sự chịu khó thay đổi của ê-kip sản xuất trong việc cải tổ chương trình. Vì theo quy luật, bất kỳ một chương trình truyền hình thực tế nào cũng phải đến lúc bão hòa, ngay cả phiên bản gốc America’s Next Top Model cũng thế. Dù chương trình đã cho thêm thí sinh nam tham dự để tăng tính cạnh tranh nhưng dường như Vietnam’s Next Top Model vẫn chưa thể lấy lại vị thế ban đầu như thời kỳ năm 2010 – 2012. Bỏ qua chất lượng thí sinh, thành phần ban giám khảo, chủ đề chụp ảnh... cũng là những nguyên nhân khiến khán giả ngày càng ngán ngẩm với chương trình.
Hiện, ê-kip sản xuất vẫn chưa tiết lộ Vietnam’s Next Top Model mùa 8 sẽ mời cựu thí sinh quay trở lại như America’s Next Top Model mùa 17 hay sẽ kết hợp một nửa All stars và một nửa là những thí sinh mới? Dẫu vậy, khán giả vẫn đặt nhiều kỳ vọng về tương lai của chương trình, khi giấc mơ “Wanna be on top” vẫn luôn là khát khao của rất nhiều người mẫu trẻ.
Giải trí 17:35 | 07/09/2017
Giải trí 08:48 | 07/09/2017
Giải trí 23:34 | 06/09/2017
Giải trí 23:33 | 06/09/2017
Giải trí 10:12 | 06/09/2017
Giải trí 04:32 | 06/09/2017
Giải trí 08:16 | 03/09/2017
Giải trí 14:52 | 02/09/2017