Virus corona có thể là cú sốc cho bất động sản nghỉ dưỡng

Việc sụt giảm nguồn khách du lịch Trung Quốc sẽ tác động đến các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển của Việt Nam, theo Savills.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, đại dịch virus corona mới (nCoV) đã gây ra cú sốc lớn với ngành du lịch toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh khách sạn, nghỉ dưỡng thời gian tới.

Virus corona có thể là cú sốc cho bất động sản nghỉ dưỡng - Ảnh 1.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á - Thái Bình Dương

Tương tự, Việt Nam cũng đang đối mặt với những hậu quả tiêu cực gây ra từ đại dịch toàn cầu này. Theo ông Mauro Gasparotti, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng trong vài tuần qua không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ. 

Ông Gasparotti cho rằng sẽ giảm đáng kể lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam, trong khi đây là nguồn khách lớn nhất, chiếm hơn 30% khách quốc tế năm 2019.

Các địa điểm nghỉ dưỡng ven biển cũng sẽ chịu tình trạng tương tự, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do khách Trung Quốc đang chiếm tỉ trọng lớn. Nhiều cuộc họp, hội nghị cũng bị trì hoãn để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, dẫn tới sụt giảm đáng kể lượng khách MICE và doanh nghiệp tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Tác động thứ hai, theo chuyên gia Savills là sự sụt giảm lượng khách quốc tế tại châu Á do đây được cho là khu vực có khả năng lây nhiễm cao so với những điểm đến du lịch khác.

Khu vực Đông Nam Á, sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về thu hút khách quốc tế (138 triệu khách quốc tế trong năm 2019 với tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm đạt mức ấn tượng 7,8% trong vòng 9 năm trở lại đây) dự kiến đối mặt với sự sụt giảm khách quốc tế tương đối lớn. Một số điểm đến du lịch như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia nguy cơ giảm du khách từ châu Âu, Australia, Mỹ... do khách có thể hủy hoặc hoãn thời gian du lịch vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Mauro Gasparotti dẫn báo cáo của STR cho biết, trong giai đoạn dịch SARS diễn ra (2002 – 2003), chỉ số doanh thu trên mỗi phòng (RevPAR) trung bình của các khách sạn trong khu vực châu Á giảm hơn 4,5%. Theo báo cáo gần đây của Bộ Du Lịch Thái Lan, dịch bệnh do virus corona có thể khiến doanh thu ngành du lịch Thái Lan bị thiệt hại hơn 1,5 tỉ USD trong năm nay.

Tác động thứ ba phải kể đến, theo ông Mauro Gasparotti là nguồn cầu du lịch trong nước cũng sẽ sụt giảm đáng kể do đa số người dân có xu hướng tránh đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, trạm tàu, trạm xe buýt và cả các nhà hang hay khu vực vui chơi giải trí. Nguồn cầu trong nước có thể được cải thiện phụ thuộc chủ yếu vào công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam.

"Nếu dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn thành công, chúng tôi tin ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục vào nửa cuối năm 2020 và tiếp tục là một trong những ngành công nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam", ông Mauro Gasparotti nhận định.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, dịch nCoV cũng có tác động lớn hơn đến nguồn cầu du lịch thế giới nói chung và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại một số điểm đến cụ thể nói riêng trong ngắn và trung hạn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.