Vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu: Lỗ hổng về an ninh nguồn nước

Những hệ lụy từ sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu đến thời điểm này đã và đang được khẩn trương khắc phục. Cách hành xử của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) - đơn vị cung cấp nguồn nước cho hàng trăm nghìn khách hàng thật sự thiếu trách nhiệm. Nhưng đằng sau đó là những lo ngại về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước…
Vụ nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu: Lỗ hổng về an ninh nguồn nước - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty Viwasupco thau dọn bể tại các tòa chung cư. (Ảnh: Phạm Duy)

Các mẫu nước đạt tiêu chuẩn về Styren

Mấy ngày qua, rất nhiều khu chung cư, tòa nhà cao tầng tại khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoài Đức, Hà Đông… tiến hành thau rửa bể lắng sau sự cố nguồn nhà máy nước mặt sông Đà của Viwasupco nhiễm dầu để đón nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn khi được cấp lại. Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố kết quả xét nghiệm 19 mẫu nước ở các trạm chứa cũng như tại nhà các hộ dân chịu ảnh hưởng.

Theo đó, 19 mẫu nước qua xét nghiệm đều đạt quy chuẩn về Styren (đây là một chất có trong các sản phẩm dầu mỏ và trong các nguồn khác). 

Cụ thể, đối với 4 mẫu nước của nhà máy nước sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; Bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; Trạm điều tiết Tây Mỗ; Họng 1.200 Big C; Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. Kết quả cho thấy 4/4 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).

Đối với 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch sông Đà thuộc 5 quận huyện: Quận Thanh Xuân (phường Phương Liệt, Thanh Xuân Trung), quận Hoàng Mai (phường Đại Kim), quận Cầu Giấy (phường Mai Dịch, Trung Hòa), quận Nam Từ Liêm (phường Mễ Trì, Đại Mỗ) và huyện Hoài Đức (xã Di Trạch, Vân Côn); Xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy 15/15 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).

Trong tuần này, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước trong các ngày tiếp theo và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế lấy mẫu nước của Nhà máy nước sông Đà và các hộ dân để phân tích đánh giá chất lượng nước sinh hoạt.

Cấp thiết xây dựng hệ thống quan trắc tự động

Qua sự cố trên, dư luận cho rằng, cần thực thi các giải pháp đồng bộ để tránh sự cố tương tự có thể xảy ra, cũng như đảm bảo vấn đề an ninh nguồn nước. 

Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam Phạm Văn Sơn cho rằng, đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, bởi nó liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước, liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người dân. "Đây có thể xem là lỗ hổng chết người trong khâu kiểm soát" - ông Sơn chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng Ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, từ sự cố nước nhiễm dầu của Nhà máy nước sông Đà có thể thấy “an ninh nguồn nước” đang thực sự có vấn đề. Ở đây cần nhìn nhận việc kiểm soát, giám sát đầu vào và chất lượng nước đầu ra chưa đảm bảo. 

Dẫn chứng về nhận định này, ông Tứ cho biết, với quốc tế, việc cấp nước cho con người là mối quan tâm hàng đầu để đảm bảo an ninh nước. Do đó, họ giám sát, kiểm soát nguồn nước hết sức chặt chẽ bằng hệ thống quan trắc tự động, lấy mẫu xét nghiệm liên tục hàng ngày. Thậm chí, để đảm bảo “an ninh nguồn nước” tại đầu nguồn các hồ cấp nước tự nhiên, hay nhân tạo đều có biển báo cảnh báo, gắn camera an ninh.

Cũng theo TS Đào Trọng Tứ, tại Việt Nam, các cơ quan chức năng đã có những văn bản cụ thể quy định về việc giám sát, kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt. Trong đó, việc giám sát chất lượng nước sinh hoạt được thực hiện bằng hai hình thức là nội kiểm (cơ sở cung cấp nước tự thực hiện) và ngoại kiểm (cơ quan quản Nhà nước thực hiện)…

Song, qua sự cố nguồn nước dẫn cho Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu, có thể khẳng định, việc thực thi các quy định pháp luật của DN, cơ quan quản nhà nước tại địa phương đang có vấn đề.

Từ những tồn tại trên, nhiều chuyên gia khẳng định, để ngăn chặn những tình huống tượng tự có thể xảy ra, việc đầu tiên là phải ngăn chặn, kiểm soát được hành vi đổ trộm phế thải như sự cố vừa qua. 

Đồng thời, yêu cầu các nhà máy, xí nghiệp phải lắp đặt hệ thống xử dầu mỡ, chất thải trước khi thải ra môi trường, kiên quyết xử , thậm chí cần thiết đóng cửa những cơ sở cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, tại các khu vực nguồn nước dẫn vào hệ thống cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, camera… giám sát mức độ an toàn của nguồn nước. 

Đặc biệt, đối với các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được qui hoạch một vùng đệm an toàn. Bởi khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm...

Ngày 20/10, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đối tượng Đình Vũ (trú tại Bắc Ninh), được xác định là chủ mưu vụ đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước vào Nhà máy nước sông Đà đã ra đầu thú. Tại cơ quan công an, Đình Vũ đã khai toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã tạm giữ hình sự 2 đối tượng là thủ phạm xả chất thải nêu trên, gồm: Nguyễn Chương Đại (SN 1994, trú tại xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (SN 1986, trú tại xã Chi Lễ, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn). Bước đầu 2 đối tượng trên khai nhận: Ngày 8/10 đã điều khiển 1 xe ô tô tải chở khoảng 10m3 chất thải (dầu thải) đến địa bàn xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để tiến hành xả chất thải...

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.