Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, tôi kì vọng chọn trường cho con như thế nào?

Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, tôi có những kỳ vọng nhất định với hệ thống trường học, cụ thể là trường tiểu học ở những yếu tố mà tôi cho là quan trọng.

Cứ mỗi năm đến mùa tuyển sinh tiểu học, các bậc phụ huynh lại đau đầu tìm chọn trường phù hợp với con. Chọn trường công hay trường tư, nên chọn trường tiểu học nào, nên cho con học gần nhà hay xa nhà, chất lượng giáo viên ở trường tiểu học đó ra sao..., có rất nhiều những thắc mắc của các bố mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1.

Vừa là mẹ, vừa là giáo viên, cô Nguyễn Thanh Thúy - Giảng viên Khoa Tiếng Anh - ĐH Hà Nội đã có những chia sẻ chi tiết về việc chọn trường cho con. Sau đây là chia sẻ của cô Nguyễn Thanh Thúy.

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao
Cô Nguyễn Thanh Thúy - Giảng viên Khoa Tiếng Anh - ĐH Hà Nội.

Tôi trông đợi điều gì ở trường học? Không có gì ghê gớm đâu.

Chương trình học

Khi tôi ngồi với đồng nghiệp lên lịch trình giảng dạy cho một lớp nghiên cứu, chúng tôi thấy rất rõ tầm quan trọng của việc nêu bật được các mục tiêu định ra cho một chương trình học. Các mục tiêu ấy sẽ xoay quanh việc các em học sinh sẽ làm được gì sau khi học xong một tiến độ của chương trình, và việc ấy sẽ được thể hiện ra bằng cách nào (bằng chứng cho sự tiến bộ).

Nếu không định rõ được cái cần đạt được, thì chương trình học chỉ là miên man những chuỗi kiến thức không đi đến đâu và những bài học muốn-thế-nào-cũng-được. Đó không phải là mục tiêu của giáo dục, và tôi gửi con đến trường không phải để nhờ trường "trông trẻ" hộ, thay vào đó, là vì tôi kỳ vọng con mình được dạy những kiến thức nhất định nào đó.

Vì vậy, một ngôi trường tôi mong muốn là một nơi phải chỉ cho phụ huynh rằng giáo trình của họ nhằm phục vụ mục đích gì, học nó, các con sẽ làm được những gì (chứ không phải thu nhận kiến thức chung chung), cũng như làm sao phụ huynh có thể kiểm chứng được việc ấy (nhìn vào biểu hiện gì hay kết quả nào?). Đồng thời, nhà trường phải đề ra được các phương án hỗ trợ trong trường hợp con tôi không đạt được yêu cầu đề ra - chứ không phải kiểu cháu học yếu hơn các bạn thì "loại" sang một nhóm khác.

Đặc biệt, việc phân loại học sinh kiểu đó là điều tôi cực kỳ tránh, vì nó liên quan tới "dán nhãn" - một trong những điều ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc con tôi sẽ tự nhìn nhận bản thân như thế nào, và khiến "growth mindset" (tạm dịch: tư duy cầu tiến) của cháu bị hạn chế phát triển - mà cái này là một việc không tốt về lâu dài.

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao
(Ảnh minh họa: Zing)

Ngay cả khi đề ra được các mục tiêu theo lịch trình, nhà trường cũng phải cân nhắc hai việc:

- Các mục tiêu không quá chung chung hoặc tham vọng (nhiều) đối với các cấp nhỏ. Nói cách khác, càng nhỏ, các mục tiêu càng nên thưa, vì sự phát triển thể chất chưa cho phép các cháu lưu giữ kiến thức và kỹ năng được lâu ngay lập tức.

Cái tôi cần là các cháu được xây dựng những thói quen học tập và kỹ năng tốt, mà những thứ này thuộc về phản xạ có điều kiện - tức là phải làm đi làm lại nhiều lần mới đạt được.

Nếu mục tiêu đưa ra quá chung chung, sẽ không kiểm chứng được biểu hiện của nó qua hành động của các cháu; cũng như nếu quá tham vọng, kiến thức sẽ trôi tuồn tuột qua đầu và kỹ năng không kịp hình thành, con tôi sẽ không thực sự học được gì có ích để sử dụng được trong tương lai của cháu (trên cơ sở kỹ năng và kiến thức bồi đắp dần dần).

- Thứ hai, chương trình nên có sự cân bằng giữa phát triển trí tuệ và thể chất. Ngay phát triển trí tuệ, cần nhận định rõ sự phát triển không ngừng của nhân loại. Vậy nên kiến thức trong sách giáo khoa hay thậm chí sách của nước ngoài cũng không bao giờ cập nhật được đủ, vì vậy không nên quá chú trọng vào việc bắt các cháu phải nhớ hết được những kiến thức mà có khi ngày mai ra nước ngoài đã thấy "quê một cục" vì lạc hậu.

Không chỉ thế, kiến thức khoa học chỉ là một phần của trí tuệ nhân loại, trong khi văn hoá và nghệ thuật là những thứ nuôi dưỡng tâm hồn và tạo nên giá trị bên trong của một con người - vì thế, cách tiếp cận giảng dạy những môn này cũng không thể quá "cổ lỗ sĩ".

Học sinh của tôi có những em học đàn rất giỏi và rất thích ca hát nhưng luôn tâm sự với cô rằng con ghét nhất giờ nhạc ở trường vì chỉ ngồi chép lời bài hát rồi hát đồng ca - chán lắm! Còn phát triển thể chất là điều cực kỳ nên làm - nhất là trong hoàn cảnh nước mình ô nhiễm nặng nề như thế này, nếu không củng cố sức khoẻ từ bên trong thì rất dễ đau ốm liên tục. Khi cơ thể không khoẻ mạnh, tâm trí sao còn đủ để học tập nữa?!

Giáo viên

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao
(Ảnh minh họa: Zing)

Tôi từng có viết bài về cấu tạo bộ não cũng như ảnh hưởng của một số vùng lên các chức năng, có nhấn mạnh vào việc có một số vùng liên quan tới cảm xúc tiêu cực (stress) đặc biệt ảnh hưởng tới con trẻ, trong đó nếu con thấy mệt mỏi, căng thẳng và chán nản, thì kiến thức con học sẽ bị chặn, không truyền dẫn được tới khu vực bộ nhớ. Điều đó phản ánh rất rõ vai trò của cảm xúc đối với việc ghi nhận và học tập của đứa trẻ.

Vì thế, một trong những điều tôi quan tâm đầu tiên về giáo viên chính là mối quan hệ của cô/thầy với học trò: thầy cô có ân cần, quan tâm hay thích đe doạ và trừng phạt?! Nếu là điều thứ hai, xin phép cho tôi chuyển lớp - vì cho dù lớp có thể im lặng và "nề nếp" (theo cách nghĩ của nhiều người), con tôi chắc chắn sẽ không học được gì mấy (trừ phi cháu thuộc dạng "trò cưng" của cô - thì cháu lại được kích thích để phấn khích với việc học).

Điều thứ hai tôi quan tâm, đó là thầy/cô có linh hoạt với cách tiếp cận giảng dạy của mình không. Điều đó thể hiện ở việc các thầy cô nắm mục tiêu chương trình như thế nào, tổ chức các hoạt động trong lớp ra sao, cũng như đưa ra phương án hỗ trợ các em học sinh hơi chậm hơn trong lớp như thế nào để các em có thể phần nào đó nắm được nội dung chương trình. Cách thầy cô giao bài tập cũng như bài kiểm tra, cách thầy cô trò chuyện nhận xét với phụ huynh trong các buổi họp phụ huynh... sẽ phần nào phản ánh được điều đó.

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao
(Ảnh minh họa: Dân trí)

Có một ghi chú nữa là với môn tiếng Anh, tôi không muốn giáo viên nước ngoài vào dạy chương trình chính mà chỉ muốn họ ở các chương trình học thêm hoặc chương trình của các câu lạc bộ bổ sung thôi.

Có hai lý do chính như sau.

Một là, giáo viên nước ngoài dạy cho khối trẻ em rất nhiều trường hợp không được kiểm soát về mặt nội dung và phương pháp giảng dạy - dễ dẫn đến tình trạng thả lỏng lớp và chỉ tập trung làm sao cho các con "vui". Trẻ con vui thì dễ mà học thì khó, làm sao để vừa vui vừa học được đòi hỏi nhiều hơn mái tóc vàng và làn da trắng.

Hai là, do giáo viên nước ngoài không ở lại Việt Nam lâu, nên người ta không có nhu cầu đề đầu tư thời gian vào phát triển chuyên môn một cách sâu sắc. Hai lý do đó khiến cho tôi không muốn phí phạm thời gian học tiếng Anh chính khoá của con mình với họ, mà chỉ muốn lựa chọn cho những hình thức "thoáng" hơn và chủ động hơn như một điều kiện thêm cho tiếp xúc ngôn ngữ.

Với giáo viên, tôi sẽ không quan tâm tới những vấn đề sau:

- Độ tuổi của họ: vì tuổi nào không quan trọng bằng thái độ cầu thị và luôn học hỏi để nâng cao năng lực chuyên môn.

- Trình độ của họ: vì dạy trẻ em quan trọng nhất là ở sự gắn kết thầy cô tạo ra với học trò: khi thầy cô khiến các con cảm thấy an toàn và tin tưởng, thì việc dạy dỗ luôn luôn thuận lợi dù được tiến hành theo phương thức nào. Đồng thời, tôi cũng rất tin tưởng rằng chỉ cần thầy cô có lòng, họ sẽ tự tìm cách học hỏi để giúp học sinh của mình học ngày một tốt hơn. Vì thế, một thấm bằng MA hay PhD không nói lên điều gì. Thậm chí với dạy trẻ em thì cái bằng đôi khi là vô nghĩa (nếu phân tích kỹ hơn thì cái bằng chỉ thể hiện hiểu biết của họ ở mảng chuyên môn họ nắm được chứ không phải kỹ năng giảng dạy và kiến thức tổng hợp cần có khi làm một giáo viên đứng lớp).

Cơ sở vật chất và sĩ số lớp học

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao
(Ảnh minh họa: Báo Quảng Ninh)

Cái này tôi không quá quan tâm, vì ngay đến toa tàu cũ còn trở thành lớp học thiên đường của Totto - chan kia mà?! Với cá nhân tôi, lớp to - nhỏ không quan trọng bằng vệ sinh: có sạch sẽ không?! Nếu nhà trường chú ý giữ gìn vệ sinh là đã giảm 50% nguy cơ mắc bệnh cho trẻ nhỏ, và chắc chắn từ thói quen đó sẽ dẫn đến đàu tư nhất định với khu bếp và thực phẩm. Và một phụ huynh như tôi thì chỉ cần có thế mà thôi.

Còn về sĩ số lớp học thì lại là một việc đáng lưu ý. Việc tổ chức lớp cần có sự hạn chế về sĩ số. Cho dù chương trình có tốt đến thế nào mà sĩ số quá đông thì sẽ không làm được hai việc: tập trung vào học sinh thu nhận được gì (vì quá tải cho cô giáo), và tổ chức các hoạt động trong lớp (ổn định thôi đã mất thời gian rồi). Sĩ số lý tưởng là dưới 20, nhưng đó là "không tưởng" với Việt Nam nên tôi kỳ vọng chỉ loanh quanh 30 là ổn.

Nói tóm lại, là một phụ huynh, tôi gửi con đến trường vì tôi kỳ vọng con học - chứ không phải chơi vui vẻ đơn thuần. Việc học này có thể được thể hiện qua hình thức chơi, nhưng phải có những mục tiêu khởi phát cho các hoạt động "chơi-học" đó và phải có bằng chứng cho việc thu nhận từ phía các cháu. Điều đó có nghĩa là nếu các trường hứa cho con tôi một môi trường vui vẻ, tự do, mà không đưa ra được đường hướng phát triển và cách đánh giá kiểm định trong từng chặng những mục tiêu ấy thì đó chắc chắn không phải là môi trường giáo dục tôi mong muốn.

XEM THÊM

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao Mẹ của 'cô bé triệu view' Bảo An kể chuyện con vào lớp 1: 'Có những sự cố nghĩ lại vẫn hãi hùng!'

Mẹ của ca sĩ nhí Bảo An đã có những chia sẻ về quãng thời gian khi con vào lớp 1, đồng thời chị cũng ...

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao Con vào lớp 1 sao cha mẹ mãi lớp vỡ lòng?

Con vào lớp 1 không chỉ là bắt đầu cuộc đời học sinh mà có khi là bắt đầu cuộc đời của chiếc huân chương ...

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao ‘Nguy hiểm nhất khi vào lớp 1 không phải là chưa biết đọc, biết viết'

Có nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1 là băn khoăn của rất nhiều bậc phụ huynh. Nhà báo Thu Hà (mẹ ...

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao Chọn giáo viên đừng chọn trường – kinh nghiệm cho con vào lớp 1 của bà mẹ Đà Nẵng

Chọn giáo viên đừng chọn trường là một trong 5 kinh nghiệm mà chị Dương Thị Cẩm Thạch (Đà Nẵng) chia sẻ về việc cho ...

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao Con chuẩn bị vào lớp 1: Chia sẻ của một bà mẹ chọn giáo dục hai con tại nhà

Nhiều cha mẹ có con sắp vào lớp 1 chỉ băn khoăn các vấn đề như: con nên vào trường nào, nên học gì trước,… ...

vua la me vua la giao vien toi ki vong chon truong cho con nhu the nao Mẹ Nhật Nam: Kinh nghiệm cho con vào lớp 1 để con không sợ học ngay từ vạch xuất phát

Để con không sợ học ngay từ vạch xuất phát, bố mẹ cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho con vào lớp 1.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.