'Xóm bánh ú tro' tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ

Từ sáng ngày mùng 4 Âm lịch, nhiều hộ gia đình trong các con hẻm dọc đường Phạm Thế Hiển vẫn tất bật gói cho kịp các đơn hàng bỏ sỉ đi khắp nơi trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay.

Vì Tết Đoan Ngọ được xem là ngày Tết quan trọng thứ 2 trong năm, sau Tết Nguyên Đán nên các món ăn đặc trưng trong ngày này như bánh ú tro, cơm rượu, mận, vải,... được dịp bán "đắt như tôm tươi".

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 1.

Xóm bánh ú tro ở quận 8.

Đúng vào dịp này, giữa Sài Gòn tấp nập, hối hả vẫn còn một xóm nhỏ ở dọc đường Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8) lưu giữ lại nghề làm bánh ú tro, nhà nhà, người người quây quần cùng nhau gói bánh để kịp giao sỉ, tỏa đi khắp nơi trong thành phố đúng Tết Đoan Ngọ.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 2.

Bánh ú tro được nấu khoảng 4 tiếng.

Từ mùng 2 Âm lịch, những lò bánh ú gói bằng lá tre trong xóm đã hoạt động hết công suất, rực lửa thâu đêm suốt sáng cho kịp những mẻ bánh ngon. Vào sâu trong hẻm một chút sẽ thấy nhiều gia đình, các mẹ, các chị và cả cánh mày râu ngồi gói bánh liên hoàn không ngơi nghỉ.

Xem thêm: Những địa chỉ bán bánh ú tro ở Sài Gòn.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 3.

Các lò bánh hoạt động hết công suất.

Có rất nhiều công đoạn để cho ra một chiếc bánh ú tro ngon như ngâm đậu, đãi đậu, nặn nhân bánh, cắt lá tre, tước lát, nấu bánh... Chính vì thế, để ra những mẻ bánh ngon cần sự phối hợp của rất nhiều người, kể cả những đứa trẻ trong nhà.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 4.

Để làm được 1 chiếc bánh ngon cần rất nhiều thời gian chuẩn bị.

Các bà, các mẹ người rửa lá, chuẩn bị dây, người vo nhân đậu xanh, người gói; còn các chú, các anh khỏe sức hơn thì lo nấu bánh, châm củi trong làn khói xộc vào mắt cay cay. Trông ai cũng tất bật cho kịp hàng khách đặt nhưng cũng không quên trò chuyện rôm rả, pha cà phê, trà đường uống giải khát cùng nhau.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 5.

Hình ảnh quen thuộc khi bước vào con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển.

Phải đến xóm nhỏ này mới cảm nhận được không khí ngày Tết ấm cúng và vui vẻ, gói bánh cũng là để giữ truyền thống của ông bà để lại. Nhiều người từ xa tận miền Tây, Đồng Nai, Bình Dương, hay các quận Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức... cũng tụ hội về đây. 

Có người làm công nhân, làm văn phòng đến dịp này cũng tranh thủ xin nghỉ phép về gói bánh phụ giúp gia đình.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 6.

Ai cũng tranh thủ gói cho kịp giờ khách đến lấy.

Gia đình dì Hai đã hơn chục năm nay giữ truyền thống gói bánh từ bà nội và mẹ để lại. Cả gia đình tụ họp, tạm ngưng công việc hàng ngày để gói bánh cùng nhau. Dì vừa gói vừa chia sẻ: "Làm bánh qua nhiều công đoạn lắm! Thế nên từ ngày 30 cả nhà đã lo tất bật chuẩn bị nguyên liệu trước rồi. Cao điểm là gói từ ngày mùng 2 đến mùng 4, mùng 5 thì việc đã xong, cả xóm lại vắng vẻ như thường. Hôm qua tới nay là cả gia đình thức cả đêm để làm cho kịp vì nhiều đơn đặt quá".

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 7.

Gia đình dì Hai đã duy trì nghề này được hơn chục năm nay.

Trung bình mỗi ngày, mỗi lò cho ra khoảng 10.000 - 20.000 chiếc bánh, bỏ mối sỉ cho các tiểu thương bán lẻ khắp các chợ ở TP HCM. Lò chú Trí lúc nào cũng nhộn nhịp người làm, vì không đủ nhân công nên nhiều người thân trong nhà đi làm xa hay sống ở miền Tây cũng về phụ giúp gói bánh vào dịp này. 

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 8.

Cánh mày râu chịu trách nhiệm trông nồi bánh.

Cô Thảo chia sẻ: "Năm nào tôi cũng từ Hiệp Phước lên đây gói bánh ú cùng mọi người. Một phần làm vì thu nhập, phần còn lại là vì cái nghề ông bà để lại, gói bánh những ngày này tuy cực nhưng rất vui, là dịp cả nhà tụ họp đông đủ".

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 9.

Lò chú Trí lúc nào cũng nhộn nhịp người làm.

Bánh ú tro ở đây luôn được gói bằng tay rất tỉ mỉ và có kích thước bằng nắm tay của người lớn. Sau khi chuẩn bị đủ các nguyên liệu, mỗi người tay thoăn thoắt gói từng chiếc bánh, dường như chẳng cần cân đo đong đếm nữa vì kinh nghiệm cũng đủ để làm ra trăm cái như một.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 10.

Mẻ bánh vừa được vớt ra còn nóng hổi.

Mỗi nồi bánh ú nấu mất 4 tiếng, chứa được khoảng 9 chùm bánh, tương đương với hơn 500 bánh lẻ. Nếu muốn mua lẻ ăn chơi, thực khách có thể ghé các sạp hàng bán bánh ú dọc đường Phạm Thế Hiển, giá dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/chục. 

Ngoài xóm nhỏ đường Phạm Thế Hiển này, ở khu chợ Nhị Thiên Đường cũng còn nhiều hộ giữ nghề này, mỗi năm đều gói bán sỉ cho các chợ trong thành phố.

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 11.

Các sạp bánh bán dọc đường Phạm Thế Hiển.

Mỗi năm chỉ đúng 3 ngày Tết Đoan Ngọ, trong xóm nhỏ lại rộn ràng không khí tất bật gói bánh, những nồi bánh thơm lừng tỏa hương khiến ai đó nhớ tuổi thơ, tự nhắc sắp đến Đoan Ngọ, sắp được ăn bánh ú tro. 

Xóm bánh ú tro tất bật tăng ca cho kịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh 12.

Món bánh không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ.

Hơn hết, mỗi chiếc bánh còn là tâm huyết, là mong muốn giữ gìn truyền thống của ông bà để lại, là cái hồn làng nghề truyền thống của người Sài Gòn  xưa.

chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.