Ông Gianmarco Negri (Ảnh: GSN)
Mới đây, Gianmarco Negri (40 tuổi) đã chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Tromello – một thị trấn thuộc tỉnh Pavia, nằm cách thành phố Milan 35km về phía tây nam với dân số vào khoảng 3.700 người. Ông đã hành nghề luật sư hình sự trong suốt 2 thập niên qua và giành chiếc ghế thị trưởng với 37,5% phiếu bầu.
Ginamarco Negri là một người chuyển giới từ nữ sang nam. Ông từng xuất hiện trong "Love Me Gender" – một chương trình truyền hình hẹn hò dành cho người chuyển giới.
“Tôi luôn cảm thấy mình là đàn ông. Chính vì thế, tôi đã lấy hết can đảm vượt qua nhiều ca phẫu thuật để có thể sống thật”, Ginamarco nói, “Tôi không biết mình có được xem là một hình tượng cho cộng đồng chuyển giới hay không nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Frabrizio Marrazzo - người phát ngôn của Gay Center tại Ý - cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người LGBT khác được bầu trong kỳ bầu cử này. Chúng tôi đang chứng kiến một nước Ý trở nên bao dung và cởi mở hơn”.
Gianmarco Negri không phải là người chuyển giới đầu tiên được bầu vào chính quyền Ý. Năm 1995, bà Georgina Beyer (sinh năm 1957) là người chuyển giới đầu tiên trên thế giới được bầu làm thị trưởng. 4 năm sau, bà tiếp tục làm nên lịch sử khi trở thành người chuyển giới đầu tiên trên thế giới được bầu vào Quốc hội. Đó là chưa tính Georgina là một trong số hiếm những người từng hành nghề mại dâm có thể xuất hiện trong cơ quan lập pháp.
Tại Ý, đồng tính luyến ái đã bị loại khỏi danh sách tội phạm từ tận năm 1890. Năm 2016, hình thức kết hợp dân sự được thông qua và cho phép các cặp đôi cùng giới được hưởng nhiều quyền lợi tương đương với hình thức kết hôn truyền thống, ngoại trừ quyền nhận con nuôi. Nhiều người cho rằng khả dĩ Ý chưa thông qua luật hôn nhân đồng giới là vì còn lo ngại ảnh hưởng của Vatican.
Tuy nhiên, Ý được đánh giá là quốc gia thân thiện với cộng đồng LGBT. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2010, 82% người dân Ý cho rằng đồng tính và dị tính là bình đẳng. Ngoài ra, 41% những người tham gia khảo sát nghĩ rằng các cặp đôi đồng giới nên có quyền kết hôn trong một nghi lễ tôn giáo và 20,4% thì cho rằng kết hợp dân sự là đủ.