Yêu cầu các ngân hàng phun thuốc khử khuẩn tiền mặt phòng dịch Covid-19

Với các loại tiền cũ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước khi nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra, tùy thuộc khả năng cân đối của từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

Công điện về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa ban hành, có yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trong giao dịch tiền mặt đối với công tác phát hành kho quỹ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố được yêu cầu phải trang bị chu đáo nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, găng tay và bảo hộ lao động… cho cán bộ tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt. 

Đồng thời, phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ. 

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải phun thuốc khử khuẩn tiền mặt phòng dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phun thuốc khử khuẩn tiền mặt, khu vực giao dịch, các máy ATM. (Ảnh: TTO).

Công điện cũng yêu cầu các loại tiền cũ khi các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao), và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra, tùy thuộc khả năng cân đối của từng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh. 

Căn cứ tình hình tiền mặt trên địa bàn, các đơn vị có thể sử dụng lượng tiền mặt dự trữ trong kho, như loại tiền mới in, nhất là các loại mệnh giá nhỏ, để cung ứng cho các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp tiền mới không đủ, có thể sử dụng tiền đã qua sử dụng và đã được khử khuẩn tại kho, hoặc phải báo cáo khó khăn, vướng mắc phát sinh để được hướng dẫn xử lí kịp thời.

Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM). 

Ngoài ra, các ngân hàng cần có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày, hoặc trước khi nộp về Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp lượng tiền mặt tồn kho nhiều, chi nhánh các tổ chức tín dụng sau khi khử khuẩn có thể lưu giữ tại kho một thời gian nhất định, trước khi xuất tiền chi ra cho khách hàng. 

Bên cạnh đó, nhân viên giao dịch trực tiếp tiếp xúc với tiền mặt tại các điểm giao dịch của tổ chức tín dụng, phải được trang bị khẩu trang y tế, găng tay, nước rửa tay sát khuẩn và bảo hộ lao động… 

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nội dung công điện cũng nêu rõ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường các hoạt động online trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế đi lại và khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch.

Cùng với đó, cần chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho các hoạt động được liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đối với hệ thống công nghệ thông tin, quản trị mạng, các đơn vị trong ngành chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó; kể cả phương án thay thế cán bộ khi phải cách li, đảm bảo nhân sự điều hành hệ thống hoạt động thông suốt, an ninh, an toàn trong mọi trường hợp.

Bên cạnh những biện pháp phòng, chống dịch trong giao dịch tiền mặt đối với công tác phát hành kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt yêu cầu các đơn vị phải tạm hoãn các chương trình, kế hoạch đi công tác nước ngoài, nhất là đến những nước và vùng lãnh thổ có dịch, không cử cán bộ, người lao động đi công tác nước ngoài trong thời điểm hiện nay.

Các nhà băng khuyến cáo cán bộ, người lao động trong đơn vị không nên đi nước ngoài, kể cả đi việc riêng, du lịch, trong thời điểm dịch bùng phát trên thế giới có nhiều phức tạp.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.