Theo CNN, dù luôn nói rằng muốn mở cửa nền kinh tế với thế giới, nhưng Trung Quốc duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực công nghệ và truyền thông. Vài năm trở lại, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm đối với nhiều thương hiệu của nước ngoài, bao gồm không ít thương hiệu của Mỹ.
Dưới đây là 10 thương hiệu Mỹ bị cấm tại Trung Quốc.
Gmail là một trong nhiều dịch vụ của Google bị hạn chế nghiêm ngặt tại Trung Quốc. Tại nước này, người dùng Internet không thể tìm thấy các kết quả tìm kiếm trên Google hay video trên YouTube.
Năm 2006, Google từng kinh doanh tại Trung Quốc và chấp nhận bị kiểm duyệt kết quả tìm kiếm. Nhưng từ năm 2010, công cụ tìm kiếm của Google bị cấm hoàn toàn. Còn YouTube bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc vào năm 2009, sau 3 lần tạm dừng trước đó. Các dịch vụ khác của gã khổng lồ Mỹ cũng bị chặn tại Trung Quốc, gồm Google Play, Google Maps, Google Drive, Hangouts, Blogger.
Dù người dùng Trung Quốc vẫn có thể truy cập Gmail thông qua một mạng riêng ảo (VPN), nhưng nhiều khi vẫn bị chặn lại bởi "Tường lửa Vĩ đại" (Great Firewall) - công cụ mà Bắc Kinh dùng để kiểm soát và ngăn chặn công dân kết nối với các trang web và dịch vụ Internet nước ngoài.
Từ tháng 7/2009, Bắc Kinh cấm hoàn toàn hoạt động của Facebook tại nước này, và đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ cho phép mạng xã hội lớn nhất thế giới trở lại với người dùng tại Trung Quốc.
Từ đó đến nay, người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã nhiều lần đến Trung Quốc, thậm chí từng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, để "vận động hành lang" nhưng chưa có được kết quả khả quan.
Cùng chung số phận với các dịch vụ khác của Facebook, nền tảng chia sẻ hình ảnh Instagram bị chặn tại Trung Quốc từ tháng 9/2014.
Tới năm 2017, ứng dụng "anh em" của Instagram là WhatApps cũng bị cấm.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đặc biệt quan ngại về vai trò của mạng xã hội trong các cuộc biểu tình của Mùa xuân Ả Rập năm 2010 và Cách mạng Xanh tại Iran năm 2009, do đó có chính sách kiểm soát chặt chẽ đối với các nền tảng mạng xã hội.
Cùng với Facebook, Instagram và nhiều mạng xã hội nước ngoài khác, Twitter với dịch vụ Periscope cũng bị cấm tại đất nước tỉ dân. Dù vậy, người dùng Trung Quốc vẫn có thể sử dụng dịch vụ này thông IP ảo ở nước khác.
Ứng dụng nhắn tin SnapChat của Mỹ cũng không có cơ hội hoạt động ở quốc gia tỉ dân. Việc chặn đứng các công ty phương Tây tạo cơ hội cho các hãng công nghệ Trung Quốc phát triển mạng xã hội riêng của mình.
Tại nước này, mạng xã hội Weibo được dùng phổ biến, bên cạnh vô số ứng dụng nhắn tin do các công ty nội phát triển.
Trong nhiều năm, nền tảng chia sẻ hình ảnh Pinterest được tự do hoạt động ở Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 3/2017, trang này bắt đầu bị cấm hoàn toàn.
Theo các nhà phân tích, cũng giống như Snapchat, Pinterest bị cấm vì lí do thiên về bảo hộ hơn là chính trị. Một vài ứng dụng "bảo sao" của Pinterest do các công ty Trung Quốc phát triển đã ra đời sau đó.
Các nhà chức trách Trung Quốc chỉ cho phép 34 bộ phim nước ngoài được ra rạp ở nước này mỗi năm, và hạn chế nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood.
Mới đây nhất, tập cuối series truyền hình bom tấn "Game of Thrones" bị cấm chiếu trên nền tảng Tencent Video - đơn vị nắm bản quyền của bộ phim này tại Trung Quốc, do căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Bắt đầu từ tháng 5/2019, trang bách khoa toàn thư Wikipedia bị chặn hoàn toàn tại Trung Quốc.
Dịch vụ lưu trữ trực tuyến Dropbox của Mỹ bị cấm tại Trung Quốc từ năm 2010.
Sau thời gian dài hoạt động tại Trung Quốc, mạng xã hội gây nhiều tranh cãi Reddit bị chặn hoàn toàn từ tháng 8/2018.