Ông Frank Uittenbogaard - Giám đốc của JUB Holland, một trang trại gia đình đã 110 tuổi ở Noordwijkerhout, đã phải đưa ra quyết định khó khăn, là phá hủy toàn bộ 200.000 nhành hoa tulip của mình.
"Việc này khiến tôi đau đớn rất nhiều", ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với New York Times.
"Chúng tôi bắt đầu xới đất trồng hoa vào tháng 7, chuẩn bị các điều kiện thích hợp để trồng tulip vào tháng 10, và sau đó chuyển chúng vào nhà kính", ông nói.
"Chúng tôi đã thu hoạch được hoa tulip với chất lượng rất tốt trong năm nay", ông ngậm ngùi nói. "Tôi đã phải đạp xe ra ngoài để khuây khỏa tinh thần, sau khi các biện pháp hạn chế được đưa ra. Vì tôi đã không thể kìm nén được sự thất vọng".
Thực tế, Frank Uittenbogaard không phải là người trồng hoa duy nhất phải vứt bỏ các nhành hoa tulip mà mình đã dành nhiều công sức: khoảng 400 triệu bông hoa, bao gồm 140 triệu cành hoa tulip, đã bị phá hủy trong tháng qua.
Fred van Tol, Giám đốc kinh doanh thị trường quốc tế của Royal floraholland, công ty sản xuất hoa và cây thực vật lớn nhất ở Hà Lan, nhận định: "Nhu cầu về hoa tulip đã tụt giảm nhanh chóng khi các cửa hàng hoa trên toàn cầu bị đóng cửa sau khi dịch Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng cách li tại nhà và các sự kiện bị hủy bỏ".
"Chủng virus này tấn công trực diện vào doanh số bán hoa tulip của chúng tôi. Tổng cộng trong 4 tuần sau khi tung ra thị trường, doanh thu bán hoa vẫn thấp hơn 50% so với cùng kì năm ngoái".
Thông thường, từ tháng 3 đến tháng 5, khoảng thời gian diễn ra những ngày lễ Quốc tế Phụ nữ, lễ Phục sinh và Ngày của Mẹ, là mùa bán hoa tulip chạy nhất ở Hà Lan.
Chỉ trong 3 tháng này, các chủ trồng hoa thu về 7 tỉ euro (tương đương 7,6 tỉ USD), với trung bình 30 triệu USD hoa được bán mỗi ngày. Những người trồng hoa tulip đưa sản phẩm của họ lên để bán bắt đầu vào tháng 3, khi hoa bắt đầu nở. Mùa hoa tulip thường kéo dài khoảng tám tuần.
"Một số bộ phận của ngành này bị ảnh hưởng nặng nề hơn những bộ phận khác, do sự bùng phát của dịch Covid-19", ông van Tol nhận định.
"Tùy thuộc vào thị trường mà các nhà sản xuất hoặc nhà phân phối phục vụ, thiệt hại sẽ rơi vào khoảng từ 10% đến khoảng 85%".
Hà Lan hiện ghi nhận hơn 24.400 trường hợp nhiễm virus Covid-19 với 2.643 người tử vong. Chính phủ đã đưa ra chính sách an toàn xã hội vừa phải, nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh, nhưng vẫn chưa áp dụng phong tỏa.
Tuy nhiên các trường học, nhà hàng, quán bar, bảo tàng, cơ sở thể thao và phòng tập thể dục bị buộc đóng cửa cho đến hết ngày 28/4. Hầu hết các sự kiện với hơn 30 người bị cấm tổ chức cho đến ngày 1/6.
Dù vậy, các cửa hàng nhỏ như cửa hàng bán hoa và bán đồ làm vườn vẫn có thể mở cửa, miễn là khách hàng duy trì khoảng cách xã hội 1,5 mét với nhau và với nhân viên cửa hàng.
Trong khi những người trồng và phân phối hoa chủ yếu phục vụ thị trường nội địa vẫn có thể bán hoa, thì những doanh nghiệp trồng hoa dựa vào thương mại quốc tế đang rơi vào một tình cảnh tồi tệ hơn rất nhiều.
Jan de Boer - CEO kiêm chủ sở hữu của Barendsen, một công ty xuất khẩu hoa toàn cầu có trụ sở tại làng hoa Aalsmeer, Hà Lan, tiết lộ rằng ông đã mất 90% doanh thu theo mùa cho đến thời điểm hiện tại.
Thông thường công ty ông luôn có 60 nhân viên làm việc toàn thời gian tại thời điểm này trong năm. "Bây giờ, chỉ có 6 người đang làm việc", ông nói.
Ông chia sẻ thêm, chính phủ Hà Lan đang trả lương cho những nhân viên này, vì vậy chi phí nhân lực không làm tổn thương nhiều lên công ty của ông.
"Vấn đề lớn nhất của tôi bây giờ là các khách hàng lớn nhất của tôi, các khách hàng ở Mỹ", ông nói. "Tôi sẽ mất tất cả các mối làm ăn với họ, vì vậy khiến công ty tổn thất từ nửa triệu đến 1 triệu euro".
Ông cho biết mình cũng đã mất toàn bộ các mối giao thương với các đối tác ở các quốc gia đang thực hiện phong tỏa toàn quốc như Ý, Tây Ban Nha và Pháp.
Đồng thời, việc kinh doanh hoa cũng bị ảnh hưởng do hàng triệu du khách đến thăm thú những cánh đồng hoa tulip ở Lisse hàng năm đã hủy các chuyến du lịch của mình.
Keukenhof - công viên hoa lớn nhất ở Hà Lan, thường đón 1,5 triệu lượt du khách mỗi năm trong suốt 8 tuần mở cửa trong mùa hoa tulip nở đẹp nhất. Nhưng năm nay, do các biện pháp chống đại dịch Covid-19 từ chính phủ, công viên này đã ngừng hoạt động kể từ ngày 21/3 cho đến ngày 10/5, tiêu tốn khoảng 25 triệu USD doanh thu tại đây.
"Thiên nhiên sẽ không tuân theo các qui định phòng chống dịch", ông Bart Siemerink - Giám đốc điều hành công viên Keukenhof nói. "Mùa xuân ở Hà Lan thường rất lộng lẫy, bây giờ quang cảnh công viên đang thực sự rất đẹp. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để mang sự đẹp đẽ này đến cho những người dân đang bị mắc kẹt tại nhà", ông nói thêm.
Người dân vẫn có thể ngắm nhìn các khu vườn thắm nồng sắc hoa trực tuyến, thông qua trang web của Keukenhof Virtual Open, và đến thăm mùa hoa nở tại đây vào năm sau.
Theo ông de Boer, 25 nhân viên làm vườn đang tiếp tục duy trì vận hành công viên. Ông cũng bay tỏ hi vọng hoa Hà Lan sẽ bật lại phong độ ban đầu trên thị trường.
"Tôi vẫn rất lạc quan vì mọi người sẽ luôn cần những cành hoa để kết nối, để cảm thấy được ở bên nhau, để kể những câu chuyện", ông nói.
"Tôi lạc quan về nhu cầu cho những bông hoa này, nhưng tôi không lạc quan về khả năng bù đắp những lổ hỗng doanh thu của mình. Nếu không thể bù đắp cho những mất mát này, bạn sẽ rời khỏi cuộc chơi. Vì vậy tôi sẽ làm hết sức mình để tồn tại", ông thở dài.
"Không chỉ là tiền bạc. Nó còn là đam mê nữa", ông nói thêm.
Tiêu dùng 11:18 | 15/06/2020
Tiêu dùng 16:54 | 14/06/2020
Tiêu dùng 09:30 | 14/06/2020
Kinh doanh 06:37 | 14/06/2020
Kinh doanh 15:51 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:35 | 13/06/2020
Kinh doanh 16:27 | 11/06/2020
Tiêu dùng 17:00 | 10/06/2020