Với những ai mới mua hoặc sắp sửa sắm cho mình một chiếc điện thoại Android mới, hãy bỏ ra một vài phút thiết lập để sử dụng thiết bị hiệu quả hơn cho tối ưu pin, giữ màn hình luôn gọn gàng hay phòng tránh trường hợp điện thoại bị thất lạc.
Độ sáng màn hình ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian sử dụng pin của bạn. Nhiều người dùng có thói quen thiết lập cho điện thoại Android tự động chỉnh độ sáng màn hình, tuy nhiên điều này thực sự không cần thiết và làm hao tốn khá nhiều năng lượng của pin.
Người dùng nên tạo thói quen chỉnh độ sáng bằng tay và làm quen với độ sáng dưới 50%. Bằng cách vuốt từ phía trên màn hình chính để hiện thanh thông báo, việc điều chỉnh độ sáng thủ công rất dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian.
Một cách khác, người dùng vào phần cài đặt, chọn mục hiển thị để điều chỉnh độ sáng. Điều này giúp người dùng tối ưu hiệu năng viên pin của thiết bị.
Đối với thiết bị chạy trên hệ điều hành Android 9.0 Pie còn được tích hợp thêm Use Adaptive Battery và Battery Optimization, hai ứng dụng của Google tập trung tìm hiểu cách thói quen sử dụng điện thoại của người dùng, sau đó tối ưu hóa ứng dụng và thời lượng sử dụng pin.
Không chỉ tiết kiệm pin, chế độ Dark Mode còn bảo vệ thị lực cho người dùng. Được ra mắt trên Android 9.0, tuy nhiên với việc phát hành Android 10, Google đã tối ưu toàn diện hơn tính năng này.
Với chế độ Dark Mode, giao diện của điện thoại Android trở nên tối hơn. Việc không cần quá nhiều độ sáng khiến tính năng này cải thiện pin rất nhiều. Bên cạnh đó, Dark Mode hoạt động rất tốt trên tấm màn OLED, công nghệ phổ biến trên smartphone hiện nay.
Đối với điện thoại Android 10, chế độ này đã cho phép áp dụng trên toàn hệ thống của thiết bị. Bên cạnh đó, một số ứng dụng như Messeger hay Zalo hiện cũng tích hợp Dark Mode để người dùng sử dụng pin một cách hiệu quả.
Sắp xếp màn hình chính điện thoại Android ngăn nắp
Khi mua điện thoại Android mới, người dùng chắc chắn sẽ phải cài đặt các ứng dụng trên Google Store trong quá trình sử dụng. Những ứng dụng được tải về ban đầu sẽ hiện icon ngay trên màn hình chính một cách cực kì lộn xộn.
Đối với những điện thoại có Menu chứa ứng dụng riêng, nhấn và giữ vào khoảng trống trên màn hình chính, chọn cài đặt chính. Tìm kiếm mục Thêm biểu tượng vào màn hình chính, sau đó tắt nó đi. Ngược lại, người dùng vẫn có thể kéo những ứng dụng cần thiết từ menu ra màn hình chính nếu muốn.
Đối với những điện thoại Android không có phần Menu ứng dụng, người dùng có thể cài đặt một số laucher của Nova hoặc Microsoft trên CH Play một cách dễ dàng.
Việc thường xuyên để điện thoại bên cạnh khi ngủ là thói quen của rất nhiều người dùng, và đôi khi những thông báo từ các ứng dụng hay hệ thống ảnh hưởng rất nhiều đến giấc ngủ.
Khác với chế độ im lặng, tính năng Không làm phiền trên điện thoại Android mang đến cho thiết bị một khoảng thời gian "chết" nhất định, nhưng vẫn giúp người dùng không bỏ qua những thông báo từ một số ứng dụng quan trọng.
Vào phần Cài đặt - Âm thanh hoặc thông báo, sau đó tìm mục Không làm phiền và kích hoạt tính năng này. Người dùng có thể lựa chọn chỉ nhận thông báo từ những số liên lạc nhất định trong trường hợp khẩn cấp.
Tính năng Tìm thiết bị thường nằm trong mục Bảo mật trong giao diện Cài đặt của điện thoại. Đối với điện thoại Samsung, người dùng có thể lựa chọn dịch vụ trong phần Cài đặt - Sinh trắc học và bảo mật - Tìm thiết bị.
Sau khi bật tính năng này, người dùng có thể truy cập vào trang web của Android hoặc Samsung từ máy tính, đăng nhập tài khoản của mình và làm theo hướng dẫn để tìm lại thiết bị.
Nếu điện thoại Android đang trong trạng thái online, người dùng có thể định vị thiết bị trên bản đồ, từ đó lựa chọn đổ chuông, khóa thiết bị hoặc đặt ghi chú trên màn hình khóa... Trong trường hợp không thể lấy lại thiết bị, người dùng có thể xóa hết dữ liệu trên thiết bị của mình từ xa.