670.000 lao động bị mất việc do Covid-19, khu vực Đông Nam Bộ có số lao động thất nghiệp lớn nhất

Theo thống kế của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã có 670.000 lao động bị mất việc làm trong 4 tháng đầu năm nay. Riêng trong tháng 4, có tới 76% doanh nghiệp phải chấm dứt và đình chỉ hợp đồng lao động với công nhân, sa thải nhân viên hoặc cho phép họ thay phiên làm việc.

Lao động ngành công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỉ lệ mất việc lớn nhất 

Thống kê của Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố trong 4 tháng qua, cả nước có khoảng 670.000 lao động bị mất việc làm. Riêng trong tháng 4, số lao động mất việc tăng 270.000 người.

670.000 lao động bị mất việc trong 4 tháng đầu năm do Covid-19 - Ảnh 1.

Ngành công nghiệp chế biến - chế tạo bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19. (Đồ họa: Tất Đạt).

Hiện tại, Bộ ghi nhận số lao động tại các doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động do dịch Covid-19 chiếm khoảng 6%, tăng 4% so với tháng trước đó. Lao động mất việc làm nhiều nhất là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo với hơn 80.200 người. Tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ, với gần 50.000 người. 

Ngành bị ảnh hưởng nặng thứ ba là vận tải - kho bãi, có hơn 20.500 người. Bất ngờ thay, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống chỉ xếp thứ tư với khoảng 15.000 người bị mất việc,…

Về mặt địa lí, số lao động bị mất việc làm tập trung ở những nơi có thị trường lao động phát triển. Theo đó, Đông Nam Bộ có số lao động bị mất việc nhiều nhất cả nước, hơn 84.400 người. Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ có hơn 65.200 người mất việc làm. Khu vực Đồng bằng sông Hồng với gần 45.000 người; Đồng bằng sông Cửu Long hơn 40.000 người.

Dữ liệu từ cơ quan này cho thấy vào cuối tháng 4, khoảng 55% lao động làm việc trong các cơ sở sản xuất và kinh doanh cá nhân, 46% những người làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã, đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết nhóm lao động trong khu vực phi chính thức dễ bị tổn thương nhất. Đặc biệt, trong tháng 4/2020, hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều bị ảnh hưởng xấu. Xấu nhất là việc làm của khu vực dịch vụ và ăn uống giảm mạnh tới hơn 80%. 

Nhiều lao động như bán hàng rong, bán buôn nhỏ lẻ, xây dựng… phải tạm dừng hoạt động kinh doanh để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

670.000 lao động bị mất việc trong 4 tháng đầu năm do Covid-19 - Ảnh 2.

Lao động phi chính thức dễ bị tổn thương nhất sau lệnh giãn cách xã hội. (Ảnh: Tất Đạt).

Tháng 4/2020 đặc biệt tác động nghiêm trọng nhất, với 76% công nhân bị ảnh hưởng, tăng 20% so với tháng trước. Có tới 76% doanh nghiệp phải chấm dứt và đình chỉ hợp đồng lao động với công nhân, sa thải nhân viên hoặc cho phép họ thay phiên làm việc.

Khoảng 80.000 lao động nữa được dự báo sẽ mất việc trong tháng 5, làm tăng tổng số người thất nghiệp trong năm tháng đầu tiên lên 750.000. Tỉ lệ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch được dự đoán sẽ tăng từ 75% đến 80% trong quý II/2020, do suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra.

Đơn hàng của doanh nghiệp giảm đến 60%

Báo cáo của một số tập đoàn, tổng công ty lớn như: Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Pouchen, các công ty da giày... cũng cho thấy số lượng đơn hàng trong những tháng vừa qua, đặc biệt là trong tháng 4, bị cắt giảm 40-60%. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong duy trì việc làm cho người lao động.

Bộ lưu ý đến trường hợp các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hàng không có đến 98% lao động tạm nghỉ việc. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp vẫn đang cố giữ chân người lao động bằng nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu cho nghỉ luân phiên, giãn ca, giảm giờ làm… mà chưa tính đến sa thải lao động.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chia sẻ với phía bảo hiểm xã hội, do ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động, kĩ năng giản đơn, thu nhập trung bình thấp, nên người lao động không có tích lũy. Nếu đã cho ngừng việc, nghỉ việc, khả năng mất hơn 50% lao động là rất thực tế. Khi đó, dù thị trường có sớm quay lại, doanh nghiệp cũng không còn cơ hội sản xuất kinh doanh để bù lại các tổn thất từ dịch bệnh.

670.000 lao động bị mất việc trong 4 tháng đầu năm do Covid-19 - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp sử dụng lao động lớn đang đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm đến 60%. (Ảnh: Báo Giao Thông).

Vinatex đã lên kế hoạch sản xuất linh hoạt, làm 3 ca khi có nhu cầu, nghỉ bù khi thiếu đơn hàng. Đồng thời, tập đoàn này cũng tổ chức sản xuất 40 giờ mỗi tuần thay vì 54 giờ mỗi tuần như trước kia, để bảo đảm 100% lao động có việc làm, dù thu nhập có thấp đi.

Ngoài ra, Tập đoàn Dệt may cũng chủ động là đầu mối tổ chức sản xuất nhanh các mặt hàng mới như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, với tất cả các doanh nghiệp trực thuộc, để đưa ra sản phẩm này ra thị trường đầu tiên. Tính đến nay, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may đã sản xuất hơn 100 triệu sản phẩm, trong đó xuất khẩu hơn 50 triệu sản phẩm.

Trước đó, Vinatex dự báo mức độ thiếu việc trong tháng 4, tháng 5 là khoảng 40.000 - 45.000 lao động. Nhưng nhờ các biện pháp trên, số lao động thiếu việc chỉ bằng một nửa so với dự báo, từ 22.000 - 24.000 người.

Từ ngày 10/5, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

"Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành 8 Bộ nhận diện toàn bộ hệ thống câu hỏi giải đáp, triển khai gói an sinh xã hội. Đã thiết lập, công bố Tổng đài 111 tiếp nhận 24/24h những phản ánh ý kiến đóng góp của nhân dân. 6 đường dây nóng điện thoại của Mặt trận và của Bộ LĐ-TB&XH, qua 5 ngày đã có 46.600 lượt điện thoại gọi đến; giải đáp tự động trên 12.000 lượt trong 4 ngày nghỉ", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Đến đầu tháng 5, đã có 63/63 địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân; 40/63 tỉnh, thành đã chi tiền trên 20.000 tỉ đồng, trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ.

Công tác hỗ trợ đã giải ngân 12.400 tỉ đồng và cơ bản đến ngày 15/5 thì chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng này. Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho lao động tự do mất việc.

chọn
Khu đô thị Bắc Châu Giang của Mặt Trời Thanh Hoá: Giáp cao tốc và Vành đai 5, sẽ chuyển đổi 108 ha đất lúa
Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang tại TP Phủ Lý, Hà Nam do liên danh Mặt Trời Thanh Hoá - Đầu tư Tây Bắc làm chủ đầu tư có quy mô 176 ha, tổng vốn gần 9.000 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng khoảng 4.735 căn nhà ở liền kề, biệt thự và chung cư hỗn hợp.