'Bất động sản công nghiệp vẫn là loại hình cực kỳ phát triển từ 2022'

Các chuyên gia đều đánh giá cao tiềm năng, cơ hội phát triển của bất động sản công nghiệp Việt Nam 2022. Tuy nhiên đi kèm cơ hội cũng đang có những tồn tại, thách thức cần được quan tâm khắc phục.

Năm 2021, thị trường bất động sản phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng bất động sản công nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan.

Theo báo cáo mới nhất của JLL Việt Nam, thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc trong quý III vẫn đón nhận những thông tin tích cực, đặc biệt là tại Hải Phòng. Một dự án của LG tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD để mở rộng sản xuất tại khu công nghiệp Tràng Duệ.

Thị trường ở các tỉnh lân cận Hà Nội như Thái Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc cũng sôi động với nhiều dự án lớn. Thị trường nhà xưởng sản xuất hoạt động ổn định, với tỷ lệ lấp đầy đạt 89%.

Tại miền Nam, mặc dù phải hứng chịu những tác động to lớn do đại dịch gây ra, giá đất vẫn tiếp tục tăng và đạt mức giá cho thuê là 114 USD/m2, tăng 0,75% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.

BĐS công nghiệp 2022 cần có quy hoạch đồng bộ, nâng tiêu chuẩn hạ tầng để thu hút đầu tư - Ảnh 1.

Tình hình bất động sản công nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Savills).

Nhận định về thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2022 tại hội nghị Bất động sản Việt Nam VRES 2021, các chuyên gia đều đánh giá cao về tiềm năng, cơ hội phát triển của phân khúc này, tuy nhiên đi kèm cơ hội cũng đang có những tồn tại, thách thức cần quan tâm. 

Cần phải có quy hoạch đồng bộ

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn cho biết, thực tế việc thu hút các nhà phát triển công nghiệp từ các quốc gia khác sang Việt Nam chưa nhiều.

Giai đoạn 2020 - 2021, Việt Nam vẫn thu hút chủ yếu là nguồn vốn FDI đầu tư trực tiếp vào các khu công nghiệp có sẵn. Điều đó có thể là do chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp chưa đồng bộ.

Việc quy hoạch đồng bộ giữa các khu vực phát triển khu công nghiệp, tạo ra sự liên thông, liên kết để giảm chi phí đi lại, giảm giá thành và từ đó tạo lợi thế cạnh tranh với các nhà cung cấp khác trên thế giới. 

"Với việc quy hoạch như vậy chúng ta phải làm đồng bộ ngay từ đầu chứ không phải các nhà đầu tư sẽ chuyển ngay tới Việt Nam. Để có thể dịch chuyển một nhà máy công nghiệp hàng trăm nghìn công nhân với rất nhiều yếu tố thì cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ về mặt hạ tầng.

Trong giai đoạn từ 2022 trở đi, bất động sản công nghiệp vẫn là loại hình cực kỳ phát triển với hiệu suất thuê, giá cho thuê, độ phủ đều rất tốt. Tuy nhiên chúng ta cần tìm cách để thu hút thêm các nhà phát triển công nghiệp đến Việt Nam. Họ không chỉ đến một mình mà sẽ kéo theo cả một chuỗi các doanh nghiệp phụ trợ. Khi đó chúng ta sẽ có nguồn thu rất lớn từ các bất động sản công nghiệp và bất động sản xung quanh các khu công nghiệp", ông Quốc Anh khẳng định.

Cần nâng tiêu chuẩn hạ tầng

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, trường ĐH Kinh tế TP HCM cho rằng, cần phải có sự định hình, chọn lọc lại các ngành công nghiệp trong khu công nghiệp. Các nhà phát triển cần phải định nghĩa lại khách hàng và thiết kế lại sản phẩm theo đúng nhu cầu, mong muốn của khách hàng:

"Không phải quy hoạch bất động sản công nghiệp là ai cũng cho thuê như nhau. Phải như vậy chúng ta mới đón được các cơ hội đầu tư tiếp theo".

Bên cạnh đó, ông Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam nên nâng tiêu chuẩn hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản khu công nghiệp gắn liền với tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt nên tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, hạn chế các ngành gây thiệt hại hay "thu hút rác".

Tiếp theo, tư duy phát triển bất động sản công nghiệp phải đi kèm với đô thị hóa và phát triển bất động sản dân sinh. Thay vì tư duy tách rời như hiện nay, cần tư duy theo gói sản phẩm thì mới có thể phát triển bất động sản khu công nghiệp. 

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho biết, bất động sản công nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn dư địa để lấp đầy. Do đó, đầu tiên cần lưu tâm tới việc hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ đi kèm tại các khu công nghiệp hiện hữu. Thứ hai là cần tiếp tục xây dựng và phát triển các khu công nghiệp mới vì một số các khu công nghiệp, địa phương vẫn đã và đang thu hút lượng đầu tư khá lớn cả trong nước và nước ngoài. 

"Hiện Chính phủ đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, khi đó, các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với cơ sở hạ tầng thuận lợi sẽ tạo ra một hệ sinh thái rất tiềm năng, có thể là phát triển tốt hơn", chuyên gia cho biết. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.