Bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa

Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới và tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.

Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh tiểu đường (đái tháo đường) (14/11) với chủ đề “Hãy cảnh giác với bệnh đái tháo đường”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, tốc độ gia tăng chung của bệnh tiểu đường ở VN cao hơn gia tăng trung bình của thế giới.

Trên thế giới hiện có hơn 400 triệu người mắc bệnh tiểu đường và khoảng 5 triệu người tử vong vì bệnh này mỗi năm, tương đương với tỷ lệ cứ 11 người trưởng thành có 1 người mắc bệnh tiểu đường, cứ 3 giây lại phát hiện thêm một bệnh nhân, cứ 6 giây lại thêm một người chết và cứ 20 giây lại có một người bị cắt cụt chi vì bệnh tiểu đường.

Tại Việt Nam, kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường chiếm khoảng 6% dân số, tăng gấp đôi so với đầu những năm 2000. Tại đây, các chuyên gia cho biết, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh hơn mức trung bình của thế giới và tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa.

Tốc độ gia tăng chung của bệnh tiểu đường ở VN cao hơn gia tăng trung bình của thế giới. (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán còn rất cao, chiếm khoảng 65% và tuổi mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa. Đây là điều đáng báo động khi tỷ lệ gia tăng bệnh tiểu đường ở nước ta tăng nhanh hơn so với mức trung bình của thế giới.

Bác sỹ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cho biết: “Trước đây người mắc bệnh thường ở độ tuổi ngoài 40 thì nay đang ngày càng trẻ hóa do lối sống tiêu thụ quá nhiều về thực phẩm, dẫn đến dư thừa năng lượng và lười vận động thể lực. Chúng tôi đã và đang điều trị nhiều trẻ em bị tiểu đường. Cách đây hơn 5 năm chúng tôi điều trị cho em bé nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi, hiện nay cũng có nhiều bệnh nhân 13-15 tuổi, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở miền núi. Các em đến đây đều trong tình trạng dư thừa về cân nặng, bố mẹ chưa quan tâm đến dinh dưỡng của con. Nếu ăn một miếng pho mát phải đi 20 cây số mới tiêu thụ hết năng lượng nhưng các cháu lại lười vận động”

Bệnh tiểu đường diễn biến âm thầm nhưng khi nặng lại nhanh chóng gây ra những biến chứng nặng nề như: mù lòa, cắt cụt chi, suy thận, tai biến mạch máu não và bệnh lý tim mạch… Tuy nhiên, có tới hơn 70% số ca bệnh tiểu đường type 2 có thể phòng tránh được nếu tuân thủ lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và rèn luyện thể lực đều đặn.

Giáo sư Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết- Đái tháo đường Việt Nam khuyến cáo người dân hãy đi khám sức khỏe thường xuyên và nên xét nghiệm đường huyết để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, từ đó can thiệp kịp thời nhằm ngăn chặn sự tiến triển thành bệnh.

“Những người béo phì, người bị tăng huyết áp, rồi loạn li-pít mỡ máu, phụ nữ đẻ con hơn 4 cân, những người trong thời kỳ mang thai có đường trong máu và nước tiểu tăng cao là những người cần được sàng lọc để chẩn đoán bệnh đái tháo đường vì đó là những người có nguy cơ cao. Nếu phát hiện, ngăn chặn từ lúc rối loạn chuyển hóa gluco trong máu thì sẽ sớm ngăn chặn được bệnh đái tháo đường”- Giáo sư Thái Hồng Quang nói.

Hiện nay, với nền y học hiện đại, dù tiểu đường vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể làm giảm rất nhiều những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh và giúp họ có cuộc sống thoải mái hơn khi “sống chung” với căn bệnh này, những dấu hiệu sau là những triệu chứng sớm của tiểu đường mà mọi người cần lưu ý: Khát nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày; thường có cảm giác đói cồn cào; giảm thị lực; giảm cân nhanh; mệt mỏi, đau đầu; vết thương ở chân, tay lâu lành; khi ấy, các xét nghiệm chẩn đoán tiểu đường nên được lập lại để xác định chẩn đoán, trừ trường hợp đã quá rõ khi có những triệu chứng tăng đường huyết kinh điển.

Theo các chuyên gia khuyến cáo, bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu như bản thân mỗi cá nhân thực hiện lối sống lành mạnh. Để phòng bệnh, điều quan trọng là cần đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với giai đoạn phát triển; hoạt động thể lực 30 phút/ngày, những người cần kiểm soát cân nặng cần được tăng cường luyện tập hơn; nên ăn nhiều rau, giảm đường, giảm chất béo và không sử dụng thuốc lá...

Bệnh đái tháo đường ( tiểu đường) được mô tả từ thời Cổ đại Ai Cập, cách đây hơn 3.500 năm; trong nhiều thập kỷ qua, bệnh tiểu đường thường được chẩn đoán dựa trên mức Glucoza huyết (đường máu) khi đói hoặc Glucoza huyết 2 giờ sau uống 75g glucoza (nghiệm pháp Glucoza),…

Bệnh đái tháo đường, là một nhóm bệnh chuyển hoá đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết do hậu quả của thiếu insulin tương đối hoặc tuyệt đối (insulin được sản sinh từ tế bào bêta “ß” của tụy tạng, có chức năng vận chuyển đường máu đến các tế bào đích: tế bào cơ, xương, não,…); tình trạng tăng đường huyết lâu dài sẽ gây ra nhiều rối loạn chức năng ở các cơ quan, đặc biệt là các mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.

Bệnh đái tháo đường là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 6 trong số các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong; đứng hàng thứ 4 trong số các nguyên nhân gây tử vong do các bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 gây mù lòa ở người trưởng thành.

Theo báo cáo của Liên đoàn đái tháo đường Quốc tế, năm 2014, có 387 triệu người mắc bệnh đái tháo đường trên toàn thế giới. Đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong cho hơn 1,5 triệu người mỗi năm. 80% số người tử vong ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Bệnh đái tháo đường hiện có xu hướng gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển, nơi mà có sự thay đổi nhanh về kinh tế, lối sống và tốc độ đô thị hoá… Nếu không phòng chống bệnh cụ thể, đến năm 2036, dự báo sẽ có khoảng 592 triệu người mắc bệnh.
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.