Bloomberg: Doanh số bán bia tại Việt Nam đã giảm ít nhất 25% từ khi có Nghị định 100

Luật cấm uống rượu bia khi lái xe đang khiến doanh số bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam giảm sút nghiêm trọng. Trước đó, Việt Nam được biết tới như một thị trường bia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Các nhà sản xuất rượu bia ở Việt Nam đang gặp khó bởi Nghị định 100

Theo Bloomberg, doanh số bán bia tại Việt Nam đã bị sụt giảm ít nhất 25% kể từ Nghị định 100 về xử phạt các trường hợp sử dụng rượu bia khi lái xe, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Theo truyền thông, hơn 6.200 lái xe vi phạm nồng độ cồn đã bị xử phạt. 

Hiệp hội bia rượu - nước giải khát Việt Nam, cơ quan đại diện cho các nhà sản xuất bia trong nước và nước ngoài, cho biết các thành viên đang phàn nàn về sự sụt giảm doanh số bán hàng. 

“Trong những ngày này, chỉ cần nhìn vào bất kì quán nhậu nào cũng có thể nhận thấy sự vắng vẻ”, ông Lương Xuân Dũng, Tổng thư kí Hiệp hội cho biết. “Doanh số bán bia giảm là một thực tế. Chúng tôi chưa có con số thống kê chính xác về sự sụt giảm doanh số bán rượu. Nhưng chắc chắn nó cũng sẽ giảm nhiều”, ông Dũng nói thêm. 

Heineken, một thương hiệu bia lớn của nước ngoài tại Việt Nam, cho biết doanh số đã giảm tới 4,6%, mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ 29/7/2019.

Bloomberg: Nghị định 100 đang làm tổn thương doanh số bán bia tại Việt Nam - Ảnh 1.

Doanh số bán bia tại Việt Nam đã bị sụt giảm ít nhất 25% kể từ Nghị định 100 có hiệu lực. (Ảnh: Bloomberg).

Các công ty bia trong nước - những doanh nghiệp phàn nàn về luật cấm quá khắt khe, đã tiến hành giảm giá các sản phẩm bia để kích cầu thị trường trước kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Trước đó, Việt Nam nổi tiếng là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới. Sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2004. Điều này đã thu hút các nhà sản xuất bia toàn cầu như Heineken và Anheuser-Busch InBev gia nhập thị trường để tìm kiếm sự tăng trưởng.

Theo luật mới, người điều khiển xe máy có thể phải đối mặt với mức phạt cao lên tới 8 triệu đồng, gấp đôi mức phạt cao nhất trước đó, và có thể bị đình chỉ giấy phép lái xe trong 2 năm so với mức 5 tháng được áp dụng trước đó. 

Những người lái ô tô hoặc xe tải có nồng độ cồn trong hơi thở sẽ bị phạt với mức cao nhất lên tới 40 triệu đồng và đình chỉ giấy phép lái xe. Luật cũng yêu cầu quảng cáo rượu bia phải bao gồm các cảnh báo về sức khoẻ, và các cửa hàng không được bán rượu cho những người dưới 18 tuổi. 

Các nhà chức trách đang thực hiện rất nghiêm túc luật mới này. Trong nửa đầu tháng 1/2020. Cục Giao Thông, Bộ Công An đã thu về hơn 21 tỉ đồng tiền phạt, với 6.279 trường hợp lái xe bị xử phạt. 

Bloomberg: Nghị định 100 đang làm tổn thương doanh số bán bia tại Việt Nam - Ảnh 2.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, uớc tính mỗi năm có 79.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia. (Ảnh: Bloomberg).

Trong năm ngoái, hàng loạt các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế say rượu lái xe đã xảy ra. Trong đó, hình ảnh một cậu bé ngồi khóc bên cạnh xác người mẹ đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, tạo ra không ít những làn sóng dư luận phản đối về các mức xử phạt quá nhẹ nhàng của Luật phòng chống tác hại rượu bia hiện thời.

“Sự phản đối và các cuộc vận động hành lang của Bộ Y tế, các chính trị gia đã giúp Luật phòng chống tác hại của rượu bia mới được thông qua”, ông Vũ Từ Thanh, đại diện cấp cao Việt Nam của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Asean cho biết. 

Các quan chức y tế cảnh báo, tiêu thụ rượu bia tăng vọt đang gây ra các vấn đề cho sức khoẻ cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế thế giới, uớc tính mỗi năm có 79.000 ca tử vong liên quan đến rượu bia.

Lê Thị Thu, lãnh đạo của tổ chức HealthBridge có trụ sở tại Hà Nội cho biết, hơn 80% người uống rượu là nam giới và lạm dụng rượu bia đang khiến những tác hại xã hội gia tăng, bao gồm tai nạn xe cộ, bạo lực gia đình và gây rối trật tự công cộng. 

Khó để thực hiện Luật?

Bloomberg: Nghị định 100 đang làm tổn thương doanh số bán bia tại Việt Nam - Ảnh 3.

Việt Nam được biết tới như một thị trường bia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. (Ảnh: Bloomberg).

“Hiệp hội bia Việt Nam ủng hộ luật nghiêm khắc hơn để khuyến khích mọi người uống có trách nhiệm. Tuy nhiên mức tiền phạt mới là khá nặng”, ông Dũng nói. “Đơn cử, các tài xế ô tô có thể bị phạt số tiền lên tới 8 triệu đồng chỉ vì uống một chút rượu”. 

“Bộ Luật này vẫn còn khá nhiều tranh cãi”, ông Dũng chia sẻ.

Theo Euromonitor International, tầng lớp trung lưu và dân số trẻ ở Việt Nam là nguyên nhân chính khiến mức tiêu thụ bia tăng vọt tới 284% trong giai đoạn 2004 - 2018. Đây cũng chính là lí do Thaibev đã mua lại 4,8 tỉ cổ phần của Sabeco cách đây 2 năm. 

Xét về tổng khối lượng, Việt Nam hiện đang là nhà sản xuất bia lớn thứ 3 tại châu Á - Thái Bình Dương. Mức tiêu thụ bia hộ gia đình bình quân tăng 30% trong giai đoạn 2013 - 2018. 

Trên mạng xã hội, một số người đã rỉ tai nhau cách để lách luật cấm mới. Đoạn video trực tuyến lan truyền trên mạng ghi lại cảnh một lái xe đã cố thủ hàng giờ liền trong xe khi bị cảnh sát kiểm tra, vì nghi ngờ người này có sử dụng rượu bia khi lái xe. Cuối cùng anh ta đã bị phạt khoảng 2 triệu đồng. 

Các quán nhậu cũng đang tìm cách để lôi kéo khách hàng quay trở lại quán. Nhiều quán bia cung cấp dịch vụ giữ xe miễn phí hoặc gọi taxi cho khách hàng sau khi đã uống tại quán. 

“Nếu luật này được thi hành nghiêm chỉnh thì nó sẽ cải thiện hình ảnh của người Việt Nam, không chỉ trong mắt bạn bè quốc tế mà còn trong mắt của chính những người Việt Nam”, ông Thanh cho biết. 

Nguyễn Văn Thi, một cựu chiến binh 60 tuổi và bạn bè của ông ngồi bên chiếc bàn dài chứa đầy thịt lợn, cá chiên và đậu phộng, trong một bữa trưa gần đây tại Hà Nội. Nhân viên kéo thùng bia Tiger mát lạnh và 3 lít bia tươi đến bàn những vị thực khách đang huyên náo. 

“Tôi là một người lính. Tôi luôn tuân thủ luật lệ”, ông Thi nói. “Nhưng khi ở bên các chiến hữu, luật này quả thực đang làm khó chúng tôi”.