Bộ Chính trị kết luận chưa điều chỉnh mức lương cơ sở

Bộ Chính trị phát động phong trào tiết kiệm để phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, trước mắt chưa điều chỉnh mức lương cơ sở và lương hưu từ 1/7.

Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời đề ra nhiều nhiệm vụ, định hướng lâu dài trong thời gian tới.

Theo đó một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp nhất là về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn.

Thực hiện chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế đối với một số lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 trong năm 2020.

Bộ Chính trị kết luận chưa điều chỉnh mức lương cơ sở - Ảnh 1.

Bộ Chính trị yêu cầu yêu cầu đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đồng thời đầu tư triển khai nhiều dự án. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Kết luận của Bộ Chính trị cũng yêu cầu khẩn trương đẩy mạnh "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và phát động phong trào tiết kiệm trong toàn hệ thống chính trị. Bộ Chính trị cũng quyết định chưa điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7.

Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả đến phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, vùng và ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, tăng cường kỉ luật, kỉ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Gắn trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong việc bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Kết luận của Bộ Chính trị cũng cho rằng cần điều chỉnh một số dự án thành phần đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, từ phương thức đầu tư đối tác công - tư sang đầu tư từ ngân sách Nhà nước để bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả và khả thi.

Về nhiệm vụ dài hạn kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Đồng thời phục hồi và ổn định sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu phù hợp.

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Tập trung nguồn lực phát triển một số nền tảng công nghệ dùng chung, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia cốt lõi.

Cùng với đó, kết luận đề ra chủ trương thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Ngoài ra, kết luận của Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp trong nước, không để bị lợi dụng thâu tóm bởi nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các vùng kinh tế trọng điểm và đô thị lớn, Bộ Chính trị đề ra chủ trương những nơi này phải là đầu tàu cho phát triển kinh tế - xã hội để tạo ra sức lan tỏa.

Quá trình thực hiện chủ trương, cần có sự chuyển đổi phù hợp cơ chế kiểm tra, giám sát, gắn với minh bạch hoá các chế tài xử lí có đủ mức độ răn đe. Kiên quyết xử lí nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.


chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng. Cùng điểm qua những thông tin nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.