Vì thiếu trường học, năm nay thành phố Thạch Gia Trang ở phía bắc tỉnh Hà Bắc đưa ra chính sách ưu tiên những trẻ mà cả bố và mẹ đều có hộ khẩu tại địa phương hoặc một trong hai người có hộ khẩu nếu họ đã ly dị.
Điều này khiến nhiều phụ huynh của trẻ mầm non vội vàng làm thủ tục ly hôn, theo Beijing Youth Daily, để con mình có thể đăng ký vào học trường công tốt trước khi hết hạn nộp hồ sơ. Đây là những gia đình không đủ điều kiện cả bố lẫn mẹ có hộ khẩu địa phương.
"Sau khi con được nhận học vào ngày 19/7, chúng tôi sẽ cưới lại", một bà mẹ vừa ly dị chồng hôm thứ 3 tuần trước kể. Một cán bộ tại trung tâm đăng ký kết hôn cho biết, số các đôi ly hôn tăng gấp đôi trong thời gian gần đây. Năm học ở Trung Quốc bắt đầu vào tháng 9.
Các gia đình Trung Quốc đợi đăng ký học cho con ở trường tiểu học. Ảnh: Sixthtone. |
Chiều thứ 5 tuần trước, phòng giáo dục tại Thạch Gia Trang nói rằng ngay cả khi không được nhận vào trường đã chọn thì học sinh vẫn được đăng ký vào một trường gần nhà.
Theo đơn vị này, số học sinh lớp một ở thành phố năm nay tăng 15.000 em so với năm 2017, tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt chọn trường này.
Do bùng nổ sinh đẻ 6 năm trước - khi nhiều bố mẹ Trung Quốc muốn con chào đời vào năm rồng tốt lành - các trường tiểu học khắp đất nước đang quá tải số đơn xin nhập học cho những "rồng con" đến tuổi vào lớp một. Một quận ở thành phố phía nam tỉnh Quảng Châu đã phải bổ sung 42 lớp học để đón học sinh mới.
Một gia đình ở Bắc Kinh còn chi hơn 10 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 34 tỷ đồng) để mua một nhà kho tồi tàn chỉ để có thể đăng ký hộ khẩu tại đó - nơi gần một trường công có tiếng.
Vì hầu hết các trường công đều yêu cầu học sinh phải là cư dân tại địa phương, nhà đất gần khu trường học nổi tiếng đều có giá trên trời. Vào tháng 4, chính phủ Bắc Kinh đã thí điểm một hệ thống phân bổ trường tự động tại một số quận để hạn chế tình trạng này.
Hiện tượng "ly hôn giả" không mới ở Trung Quốc, nơi câu chuyện về các đôi chia tay để lách luật liên quan tới giới hạn tài sản, tránh nợ hay tăng mức bồi thường vẫn xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo. Trong khi một số người cho rằng việc này phản ánh những thất bại của các chính sách công, nhiều người khác tranh luận chúng đang làm tổn hại tới sự thiêng liêng của hôn nhân và gia đình.
Trong một bài bình luận vào hôm thứ 5 trên tờ báo Đảng ở Bắc Kinh, tác giả đả kích chính sách tuyển sinh ở Thạch Gia Trang vì cho rằng nó tác động tiêu cực tới trẻ. "Thử tưởng tượng, trước khi những đứa trẻ này bắt đầu đến trường, chúng đã chứng kiến và học hỏi được gì từ cuộc ly hôn giả của cha mẹ", tác giả viết.
XEM THÊM
‘Con thi xong rồi, mừng quá, mình li hôn thôi’
Vào thời điểm cầm trên tay tờ giấy chứng nhận li hôn, chị Lin nói với vẻ mừng rỡ: “Cuối cùng cũng được tự do. ... |
Ngủ trước cổng trường 'tranh' suất lớp 1 bán trú cho con
Muốn con học lớp 1 bán trú theo mô hình tiên tiến, nhiều phụ huynh không ngại xếp hàng nhiều giờ, thậm chí ngủ trước ... |
Sau 3 ngày, gần 133.000 hồ sơ trực tuyến vào lớp 1 tại Hà Nội được đăng ký thành công
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sau ba ngày đã có 132.722 hồ sơ trực tuyến cho trẻ vào lớp 1 tại ... |
Nhiều phụ huynh đến trường nhờ giáo viên đăng ký trực tuyến vào lớp 1 hộ vì... sợ sai
Có những phụ huynh ở Hà Nội dù đã biết cách đăng ký trực tuyến vào lớp 1 cho con rồi nhưng vẫn đến trường ... |
Giáo dục 11:35 | 03/05/2019
Giáo dục 00:20 | 04/09/2018
Giáo dục 10:16 | 31/08/2018
Giáo dục 08:36 | 24/08/2018
Lối sống 23:00 | 16/08/2018
Lối sống 09:06 | 16/08/2018
Lối sống 01:05 | 15/08/2018
Lối sống 23:00 | 13/08/2018