Bộ Xây dựng sẽ có quy định cụ thể 'gỡ vướng' pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng và các hiệp hội, bộ ngành sẽ cùng nghiên cứu để đưa ra các quy định cụ thể hơn liên quan đến bất động sản du lịch nghĩ dưỡng như hợp đồng mua bán, điều kiện để được bán sản phẩm hình thành trong tương lai...

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được xem là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, thời gian qua, các dự án phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan, đặc biệt là các sản phẩm có pháp lý đầy đủ, rõ ràng.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trong quý III vừa qua, cả nước có 26 dự án mới với 1.308 biệt thự du lịch được cấp phép, tập trung chủ yếu tại Bình Thuận, Lâm Đồng. Có 54 dự án với 14.572 căn hộ du lịch là 3.942 biệt thự du lịch đang triển khai, tập trung chủ yếu tại Khánh Hòa (25 dự án), Quảng Nam (16 dự án) và Phú Yên (6 dự án); 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành, tập trung chủ yếu tại Quảng Nam (5 dự án), Quảng Ngãi (5 dự án).

Sẽ có quy định cụ thể 'gỡ vướng' pháp lý cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng - Ảnh 1.

Biểu đồ thị trường condotel tại TP HCM và các tỉnh phụ cận trong quý III. (Nguồn: DKRA).

Tại đối thoại chuyên đề "Nhận diện xu hướng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức chiều ngày 15/11, bên cạnh những nhận định về xu hướng phát triển của thị trường trong tương lai, các khách mời cũng đã chỉ ra những tồn tại cần khắc phục để thị trường phát triển bền vững.

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam chững lại một phần vì pháp lý

Nhận định về thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam qua các thời kỳ, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường từng phát triển nóng trước khi "vướng" pháp lý.

Ông Hà phân tích, ở giai đoạn trước năm 2019, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh. Sự xuất hiện của các mô hình chia sẻ kỳ nghỉ, ủy quyền khai thác đã mở ra thời kỳ phát triển đột phá của bất động sản du lịch. Nhiều cơ sở lưu trú đã được phát triển tại các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc... Tỷ lệ hấp thụ các dự án bất động sản condotel, biệt thự biển khoảng trên 80%, các doanh nghiệp tung dự án ra tới đâu hết tới đó. 

Từ cuối năm 2019 và cả năm 2020, tình hình giao dịch của bất động sản nghỉ dưỡng chững lại. Nhiều địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa hầu như không có giao dịch mặc dù chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.

Theo ông Hà, bên cạnh nguyên nhân bão hòa về nhu cầu trong giai đoạn này, còn có nguyên nhân do khủng hoảng về pháp lý như giấy chứng nhận và vấn đề quản lý, vận hành sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. 

Thêm vào đó, để tăng tính cạnh tranh, một số chủ đầu tư đã đưa ra cam kết phân chia lợi nhuận quá cao, dẫn đến việc không thể chi trả theo cam kết, làm mất niềm tin của khách hàng.

"Sang năm 2020, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn chủ yếu nghe ngóng và xem xét các dự án đó sẽ được giải quyết như thế nào, đặc biệt là về vấn đề sở hữu, pháp lý, quản lý vận hành", ông Hà nhận định.  

Giai đoạn 2021, thị trường có nhiều dấu hiệu khả quan dù chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong ba quý đầu năm, có khoảng 10.000 sản phẩm bất động sản du lịch được chào bán ra thị trường, tỷ lệ hấp thụ đạt 30 - 40%.

Theo ông Hà, tín hiệu tích cực nêu trên có được một phần nhờ vào việc các doanh nghiệp chuyển hướng sang phát triển bất động sản du lịch trên đất ở, điển hình như dự án Cocobay hay một số dự án khác ở Hạ Long, Quảng Ninh. Mô hình này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư vì vừa có thể mua sở hữu lâu dài, vừa có thể kinh doanh du lịch.

Bộ Xây dựng vào cuộc "gỡ vướng"

Cũng nói về những vướng mắc pháp lý còn tồn tại đối với việc đầu tư kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, chỉ có hai vấn đề liên quan đến pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng, mặc dù đã có quy định nhưng vẫn còn vướng trong thời điểm hiện nay. Đó là vấn đề đất dự án và quy định về kinh doanh bất động sản.

Ông Hưng phân tích, hiện nay các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng được quản lý theo hướng được mua bán như các công trình xây dựng có sẵn hoặc các công trình xây dựng hình thành trong tương lai. Tuy nhiên một số vấn đề chi tiết như mẫu hợp đồng; thủ tục, điều kiện để bán sản phẩm hình thành trong tương lai vẫn chưa được quy định cụ thể. Sắp tới, các bộ ngành sẽ phải tiếp tục hoàn thiện các quy định này. 

"Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn thiết kế loại hình căn hộ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng để các chủ đầu tư có thể thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy, các quy định liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn các loại hình dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng đã tương đối đầy đủ.

Với phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, chúng tôi đang sửa đổi bổ sung Nghị định số 76 hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Kinh doanh Bất động sản. 

Các vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, các điều kiện bán bất động sản nghỉ dưỡng hình thành trong tương lai sẽ được nghiên cứu để đưa ra các quy định cụ thể hơn", Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.