Giày thể thao, nhẫn kim cương, cá chép làm từ thạch rau câu, xôi gấc được săn mua cúng ông Công ông Táo

Thay vì cúng cá chép thật rồi xả ra sông, hồ, người tiêu dùng đang có xu hướng dùng cá chép được làm từ xôi gấc, thạch rau câu, bánh bông lan,… để cúng ông Công ông Táo trong ngày 23 tháng Chạp.

Vài năm gần đây vào 23 tháng Chạp, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những đồ cúng thiết thực hơn trong mâm cỗ cúng ông Công ông Táo. Cá chép được làm từ xôi gấc, thạch rau câu, bánh bông lan,… với mức giá vài chục đến vài trăm nghìn đang được nhiều gia đình ưa chuộng chọn mua. 

Năm nay, thậm chí có những bộ cá chép giá lên tới vài triệu đồng cũng xuất hiện trên thị trường để phục vụ những thực khách chịu chi. 

“Gia đình nào chơi sang thì mua hẳn một mâm cá chép giả và một lô thỏi vàng giả có giá dao động từ 2-5 triệu đồng”, chị Ngọc Anh - một tiểu thương chuyên cung cấp cá cảnh tại Hàng Bè (Hà Nội) cho biết. 

Độc đáo cá chép giả giá tiền triệu cúng ông Công ông Táo - Ảnh 1.

Một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo với đĩa cá chép làm từ xôi gấc. (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Cá chép giả giá bạc triệu đưa ông Công ông Táo về trời

Mặc dù chưa đến 23 tháng Chạp, nhưng hàng quán kinh doanh cá chép giả cúng ông Táo đã rất đắt khách vì tính độc lạ của nó. 

“Mới chỉ rao bán trên Facebook được hai ngày, tôi đã nhận được 300 đơn đặt hàng. Không chỉ khách hàng tại Hà Nội gọi điện hỏi mua, mà các khách hàng từ những địa phương khác cũng gọi điện về hỏi cách làm, cách chế biến”, chị Ngọc Anh chia sẻ. 

Theo đó, những mặt hàng cá chép giả năm nay được làm từ nguồn nguyên liệu hết sức đa dạng, từ xôi gấc, xôi gà xào nấm, xôi nhân thịt, chè, thạch rau câu, bánh bông lan,… đáp ứng đủ những khẩu vị của thực khách. 

Giá cả vì thế cũng rất đa dạng, phù hợp với túi tiền của nhiều người tiêu dùng. 

Cá chép giả được làm từ xôi, chè, đậu xanh,... (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Chẳng hạn, một đĩa xôi cá chép được làm với nhân thịt gà xào nấm có giá khoảng 110.000 đồng/con, xôi cá chép đúc khuôn là 150.000 đồng. Một chén chè hình cá chép nhân đậu xanh có giá thấp hơn khoảng 50.000 đồng - 70.000 đồng. 

Cao cấp hơn là bộ sản phẩm gồm một mâm 5 con cá chép giả và một khay thỏi vàng, có giá dao động từ 2-5 triệu đồng. Sản phẩm này thường được nhắm tới đối tượng là những người mua chịu chi, hoặc những gia đình có đông thành viên. 

Ngoài ra, cá chép giả được làm từ các loại bánh như bánh tổ, bánh bông lan, thạch rau câu, bột đậu xanh,… cũng được nhiều khách hàng hỏi mua. 

Ngoài ra, cá chép giả được làm từ các loại bánh như bánh tổ, bánh bông lan, thạch rau câu, bột đậu xanh,… cũng được nhiều khách hàng hỏi mua. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Mức giá tiền không hẳn chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu làm bánh, mà còn tuỳ thuộc vào độ khó, công đoạn làm có mất nhiều thời gian không, công phu tỉ mỉ không”, chị Nguyễn Nhung, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân cho hay. 

Cũng theo chị Nhung, nguyên liệu được sử dụng để làm cá chép giả được tuyển chọn kĩ càng. “Khách hàng giờ sành ăn lắm em. Một lần mình làm không tốt, sử dụng đồ không tươi, bánh làm ra không ngon là lần sau họ sẽ không quay lại”, chị Nhung nói. 

Còn theo chị Ngọc Anh, vì đây là một mặt hàng khá mới mẻ nên để khách hàng yên tâm, cửa hàng chị còn cho khách đặt từ khá sớm để ăn thử, trước khi quyết định xuống tiền mua về để cúng ông Công ông Táo. 

“Nếu mua sớm trong giai đoạn này thì sẽ rẻ hơn vài chục nghìn so với việc mua đúng ngày 23 tháng Chạp”, chị Ngọc Anh chia sẻ. 

Chị Thu Thuỷ ngụ tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “Mọi năm nhà mình thường mua cá chép thật về cúng rồi thả xuống sông. Nhưng qua báo đài phản ánh thì việc này không tốt cho sinh thái, môi trường. Cá chép giấy thì cũng phải đốt đi, tạo khói. Được bạn giới thiệu, mình thấy sản phẩm cá chép giả làm từ đồ ăn thế này khá hay. Vừa bảo vệ môi trường, cúng xong cả nhà có thể cùng nhau thưởng thức”. 

Cùng quan điểm với chị Thuỷ, anh Trọng Nghĩa nhà tại Ba Đình (Hà Nội) cũng cho biết, nếu như với số tiền khoảng vài chục nghìn bỏ ra để mua cá sống thì bỏ ra thêm vài chục nghìn nữa mua cá chép giả về cúng sẽ sạch sẽ và văn minh hơn. 

Được biết, các cửa hàng làm cá chép sẽ nhận các đơn đặt hàng trước từ nay cho đến hết ngày 22 tháng Chạp. 

Nhẫn kim cương, đồ công sở, giày thể thao cũng có trong mâm cúng ông Công ông Táo

Trên phố Hàng Mã (Hà Nội) những ngày này, dòng người đổ về rất đông đúc để chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo.

Theo những chủ cửa hàng bán vàng mã tại đây, năm nay bánh chưng làm bằng xốp, bằng nhựa màu sắc bắt mắt, vuông vức là đồ thờ được nhiều khách hàng hỏi mua nhất. Các loại trái cây nhựa như dưa hấu, bánh giò cũng được nhiều người quan tâm.

Độc đáo cá chép giả giá tiền triệu cúng ông Công ông Táo - Ảnh 4.

Đồ thờ bằng xốp được nhiều khách hàng quan tâm hỏi mua. (Ảnh: Thiên Trường).

Giá của mỗi chiếc bánh chưng này dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng tùy vào từng loại kích thước.

“Tuy nhiên, đa phần khách hàng sẽ chọn mua loại to 100.000 đồng mỗi chiếc”, chị Lan, một chủ cửa hàng cho biết.

Trong khi đó, quả dưa hấu xốp giả có giá lên tới 300.000 đồng vẫn có rất nhiều người mua. Cũng theo chị Lan, các đồ thờ này hết Tết người dân có thể hóa theo vàng mã, rất tiện và sạch sẽ.

Một bộ trang sức gồm điện thoại iPhone, nhẫn kim cương, vòng bạc có giá  200.000 đồng. (Ảnh: Thiên Trường).

Đặc biệt với đồ thờ cúng là quần áo, khác mọi năm người dân thường mua những bộ quần áo dài với màu sắc giản dị thì năm nay, quần áo công sở như váy, com lê, giày thể thao màu sắc trẻ trung bắt mắt được khách hàng tìm mua nhiều. 

Ngoài ra, các mặt hàng vàng mã như nhà cửa, điện thoại thông minh, tivi, máy giặt, chăn ga gối đệm,… cũng không thể thiếu trong mâm lễ cúng ông Công ông Táo của nhiều gia đình. 

Những mặt hàng này giá dao động từ 100.000- 150.000 đồng/bộ. Mỗi đôi giày giấy hiệu “adidas” giá cũng lên tới 50.000 đồng, bộ trang sức gồm điện thoại iPhone, nhẫn kim cương, vòng bạc giá khoảng 200.000 đồng. 

Mặt hàng không thể thiếu là mũ ông công, năm nay giá chủ yếu khoảng 150.000 đồng đến 300.000 đồng một chiếc. “Những mũ có giá thấp tiền hơn thì ít người hỏi mua lắm”, một chủ cửa hàng nói.

Chi tiền triệu mua vàng mã cúng ông Công ông Táo. (Ảnh: Thiên Trường).

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Sen, chủ một cửa hàng bán vàng mã trên phố Hàng Mã tiết lộ: “Hôm trước vừa có khách đến mua gần 7 triệu đồng tiền vàng mã. Không chỉ để cúng ông Công ông Táo mà còn để cúng Tết và Rằm Tháng Giêng”. Bà Sen cũng cho biết, vào những dịp lễ Tết như thế này, mỗi ngày bán vài trăm bộ vàng mã cũng là chuyện bình thường của tiểu thương ở đây. 

Theo thống kê của Bộ Văn hoá và Thể thao, mỗi năm người Việt đốt hàng nghìn tấn vàng mã. 

Trong khi đó, vào năm 2018, theo công bố của một nhóm nghiên cứu mà Tiến sĩ Nguyễn Việt Cường, giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân dẫn đầu, cho thấy tổng mức chi tiêu cho cúng lễ là khoảng 13.000 tỉ đồng vào năm 2012 và tăng lên 16.000 tỉ đồng năm 2016. 

Cũng theo tính toán của Tiến sĩ Cường, chi tiêu cho đồ cúng của cả nước cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em.

chọn
D2D ước lãi thêm 800 tỷ từ dự án Lộc An
Năm 2024 - 2029, D2D sẽ thực hiện tiếp giai đoạn 2 khu dân cư Lộc An với tổng mức đầu tư gần 1.116 tỷ đồng. Tổng doanh thu dự kiến trong giai đoạn 2 là hơn 2.181 tỷ đồng, lợi nhuận dự kiến 795 tỷ đồng.