Cần quy định cụ thể, định lượng rõ thế nào là 'đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn' sau thu hồi đất

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể để định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất.

Sáng 7/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hội nghị ĐBQH chuyên trách đã tiếp tục xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn cần xin ý kiến của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng bày tỏ đồng tình với quy định về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong dự án Luật. Theo đó, Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất. 

Dự thảo Luật cũng quy định rõ, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.

Để chủ trương trên thực sự hiệu quả khi đi vào cuộc sống, hạn chế thấp nhất việc phát sinh những khó khăn, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể khác đảm bảo định lượng rõ hơn yếu tố “đảm bảo cuộc sống người dân bằng hoặc tốt hơn” sau khi bồi thường thu hồi đất.

Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Chung quan điểm về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp băn khoăn quy định chưa rõ ràng “tốt hơn" là như thế nào? Đại biểu cho rằng, nơi tái định cư phải bảo đảm như trong quy định, hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng bộ theo quy hoạch chi tiết và có cấp thẩm quyền phê duyệt .

Đặc biệt, người tái định cư được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn, cấp quận, cấp huyện hoặc cấp tỉnh để người dân có nhu cầu thiết thực.

Đồng thời, đại biểu đề nghị trước khi có quyết định phê duyệt thu hồi đất thì cần có khu tái định cư trước để người dân ổn định nơi ở.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, để đánh giá cuộc sống tốt hơn không chỉ dựa vào thu nhập, mà còn dựa trên nhiều tiêu chí, nên cần nghiên cứu rà soát để quy định một cách toàn diện. 

Làm rõ việc đền bù bằng nhà ở đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.(Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Cũng theo đại biểu Nguyễn Quang Huân, Điều 91 trong dự thảo Luật quy định có 4 cách bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp, bao gồm bồi thường bằng đất nông nghiệp, hoặc bằng tiền, hoặc bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi, hoặc bằng nhà ở. Đại biểu cho rằng cần giải trình rõ lý do bồi thường đất nông nghiệp bằng nhà ở. 

Điều 92 về bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo quy định, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo đang sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất mà có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 90 của Luật này thì được bồi thường về đất theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cho rằng cần bổ sung nội dung về hỗ trợ sinh kế để đảm bảo nguyên tắc giá thị trường, đồng thời lưu ý nơi ở phải được nhận, được đền bù trước khi di dời. Ngoài ra, cần có điều khoản quy định hợp lý, khả thi để tránh hiện tượng nhà quá mỏng trên mặt phố.

Trước đó, chiều ngày 6/4, Hội nghị đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn cần xin ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã gợi ý nội dung thảo luận và ĐBQH đã cho ý kiến về các nội dung đại biểu quan tâm.

chọn
Hình ảnh đường kết nối Hà Nội - Bắc Giang qua cầu Xuân Cẩm vừa thông xe
Tuyến đường kết nối từ nút giao Bắc Phú, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đến cầu Xuân Cẩm ở Sóc Sơn, Hà Nội dài 4,2 km vừa thông xe kỹ thuật.