Chân dung Catalan Land, doanh nghiệp rót tiền hồi sinh dự án Xuân La treo hơn chục năm ở Thủ đô

Tính đến 30/9, Catalan Land đã chi 159 tỷ đồng để hoàn thành toàn bộ tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính chậm nộp và chi phí pháp lý, xây dựng Chợ Xuân La - một dự án do Incomex làm chủ đầu tư chậm tiến độ hàng chục năm ở quận Tây Hồ, Hà Nội.

CTCP Xây dựng Sông Hồng (Incomex, mã chứng khoán: ICG) vừa qua đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024. Báo cáo cho thấy, tính đến thời điểm ngày 30/9, Incomex đã nhận hơn 159 tỷ đồng từ CTCP Bất động sản Catalan (Catalan Land). 

Khoản tiền này là phần vốn góp của Catalan Land để hợp tác kinh doanh với Incomex tại dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, văn phòng cho thuê Xuân La tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội theo hợp đồng đã ký kết vào tháng 4/2022. 

Theo đó, phần vốn góp của Catalan Land sẽ bao gồm toàn bộ tiền sử dụng đất; nghĩa vụ tài chính chậm nộp mà Incomex chưa nộp vào ngân sách nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế tính đến thời điểm nộp tiền; toàn bộ chi phí để hoàn tất thủ tục pháp lý dự án; chi phí xây dựng công trình và các chi phí để đưa công trình vào khai thác sử dụng; các chi phí khác để thực hiện dự án đến khi dự án hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng. 

Khu đất dự án Chợ Xuân La. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Dự án treo hàng chục năm ở Hà Nội

Dự án Chợ Xuân La được UBND quận Tây Hồ phê duyệt nhà đầu tư đối với Incomex vào tháng 7/2008. Khu đất dự án tiếp giáp ngõ 28 Xuân La ở phía đông, phía Tây Nam giáp mặt đường Xuân La. Thông tin từ chủ đầu tư, dự án Chợ Xuân La có diện tích 2.075 m2, tổng mức đầu tư dự kiến 380 tỷ đồng.

Hàng chục năm qua, dự án Xuân La vẫn là khu đất trống với hàng rào vây quanh. Do chậm tiến độ, UBND quận Tây Hồ đã phải bố trí cho các hộ kinh doanh họp chợ tạm tại ngõ 28 Xuân La. Việc dự án chậm tiến độ hơn chục năm đã thường xuyên được cử tri quận Tây Hồ phản ánh trong các kỳ họp HĐND.

Năm 2013, Incomex từng có ý định xin giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất và đề nghị UBND TP Hà Nội cho chuyển đổi dự án Chợ Xuân La sang nhà ở xã hội. Vào ngày 20/5/2013, UBND quận Tây Hồ đã đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét hủy kết quả đấu thầu thực hiện dự án Chợ Xuân La do Incomex chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trước tình hình này, vào năm 2014, công ty đã đề nghị thành phố cho phép chuyển đổi dự án sang mô hình chợ dân sinh (không xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, siêu thị), đồng thời xin quỹ đất đối ứng để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu.

Từ năm 2014 đến 2016, Incomex có ý định tái cơ cấu, chuyển nhượng dự án. Đến năm 2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đề nghị của Incomex, phê duyệt điều chỉnh quy mô của dự án Chợ Xuân La thành mô hình chợ dân sinh.

Riêng với dự án Xuân La, Incomex cho biết đang liên hệ với UBND TP Hà Nội và các sở ngành để xác định các khoản nghĩa vụ tài chính cho dự án.

Vào năm 2020, Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội từng lý giải nguyên nhân dự án chưa thể triển khai. Cụ thể, Incomex chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá là hơn 33 tỷ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung là 20,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội có mô hình tương tự dự án Chợ Xuân La như Chợ Hàng Da, Chợ Cửa Nam... đã không còn phù hợp.

Trong một báo cáo trả lời cử tri vào năm ngoái, UBND TP Hà Nội dẫn thông tin từ Incomex cho biết, tính đến ngày 15/8/2023, nhà đầu tư đã hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (khoảng 170 tỷ đồng). Hà Nội đã đề nghị nhà đầu tư rà soát tiến độ thực hiện dự án, thực hiện thủ tục về đầu tư khi điều chỉnh tiến độ.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ban lãnh đạo Incomex cũng tiết lộ dự án Xuân La đã được UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương để tiếp tục triển khai. Đồng thời, công ty đã nộp đủ tiền vào ngân sách nhà nước theo các thông báo nộp tiền của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến tiền trúng đấu thầu, các khoản thuế theo kê khai, các khoản thu về đất.

Hệ sinh thái Catalan của ông Cao Viết Xứng

Nhà máy sản xuất 50 ha của Catalan ở Bắc Ninh. (Ảnh: Catalan).

Theo dữ liệu của người viết, Catalan Land được thành lập vào tháng 12/2021, có trụ sở tại 137 Võ Chí Công, phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Tính đến 4/11, doanh nghiệp có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. 

Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Catalan Land hiện nay là ông Cao Viết Xứng. Vị này sinh năm 1958, đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc của CTCP Catalan - một thương hiệu gạch ốp lát có tiếng ở Bắc Ninh.

Ngày 3/4/2007, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng gần 30 ha đất tại khu Đồng Chúa, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong để xây dựng nhà máy gạch ốp lát.

Thời điểm đó, CTCP Đầu tư và Phát triển Đông Đô đã chuyển trụ sở từ Hà Nội về nhà máy này, đồng thời đổi tên thành CTPC Catalan như hiện nay. Tháng 5/2008, nhà máy của Catalan chính thức đi vào hoạt động. 

Năm 2017, Catalan ghi nhận doanh thu bán hàng gần 600 tỷ đồng với quy mô gần 1.000 lao động. Cũng trong năm này, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng nhà máy sản xuất lên 50 ha. Thông tin từ Báo Bắc Ninh, nhà máy sản xuất này có tổng mức đầu tư 1.530 tỷ đồng, quy mô hơn 930 lao động.

Trong mảng bất động sản, Catalan được biết đến là chủ đầu tư của Tổ hợp thương mại dịch vụ shophose và biệt thự Catalan Boulevard tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn. Dự án này được khởi công vào tháng 10/2021 với quy mô hơn 1,5 ha, tổng mức đầu tư 195 tỷ đồng, gồm 80 lô shophouse và 12 lô biệt thự.

Ngoài các mảng nói trên, hệ sinh thái Catalan ông Cao Viết Xứng đang định hướng phát triển theo mô hình tập đoàn đa ngành, khi đầu tư thêm vào mảng nông nghiệp với thương hiệu Catalan Agriculture và hệ thống phân phối gạch ốp lát Danco Group.

Hoàng Huy tổng hợp BCTC hợp nhất quý III/2024 Incomex. (Đơn vị tính: tỷ đồng).

Trở lại với Incomex, doanh nghiệp này tiền thân là Chi nhánh tại Hà Nội của Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng, được thành lập ngày 14/6/1997, có trụ sở tại số 164 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tính đến ngày 30/9, vốn điều lệ của công ty là 200 tỷ đồng.

Quý III vừa qua, Incomex có quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ với khoản lỗ sau thuế hơn 2 tỷ đồng. Trong quý, doanh nghiệp chỉ ghi nhận 1,8 tỷ doanh thu thuần. Lũy kế 9 tháng, Incomex lỗ sau thuế 4 tỷ đồng.

Danh mục tồn kho của Incomex tại ngà 30/9 là 256 tỷ đồng, bao gồm dự án Chợ Xuân La với 180 tỷ (chủ yếu là tiền nhận góp vốn từ Catalan Land) và dự án Northern Diamond Long Biên (73 tỷ).

Bên cạnh dự án Chợ Xuân La và Northern Diamond ở Vĩnh Tuy, Incomex còn tham gia đầu tư dự án cải tạo khu B Kim Liên; dự án cải tạo chung cư 135 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên; chung cư Biển Bắc ở Ba Đình; Tổ hợp Trung tâm Thương mại, Văn phòng và nhà ở Sao Mai; Khu biệt thự sinh thái Thanh Xuân...

Điều đáng nói, một số dự án của Incomex cũng gặp phải tình cảnh ì ạch nhiều năm tương tự như Chợ Xuân La.

Đơn cử như Tòa nhà hỗn hợp văn phòng và chung cư 1283 Giải Phóng, Hoàng Mai, dự án được hợp tác đầu tư giữa Incomex và CTCP Bao bì Việt Nam với quy mô 0,36 ha, tổng mức 430 tỷ đồng. Dự án này được UBND TP Hà Nội chấp thuận đầu tư từ năm 2012, song nhiều năm qua vẫn nằm trong danh mục tài sản dở dang dài hạn với giá trị 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dự án cải tạo khu B tập thể Kim Liên giai đoạn 2 (1.940 tỷ đồng) hay 135 Nguyễn Văn Cừ hiện vẫn đang chờ phê duyệt hồ sơ lựa chọn chủ đầu tư.

chọn
Khang Điền có thể vượt mục tiêu lãi năm nhờ The Privia
SSI ước tính, trong quý IV Khang Điền sẽ bàn giao tất cả 1.043 căn hộ dự án The Privia và ghi nhận trước doanh thu từ 800 căn. Nhờ đó, lãi ròng năm 2024 của Khang Điền có thể đạt 971 tỷ đồng và vượt mục tiêu đề ra.