Chi hơn 42 tỉ đồng trùng tu 'thiên hạ đệ nhất hùng quan' miền Trung

Di tích Hải Vân Quan mệnh danh "thiên hạ đệ nhất hùng quan" sẽ được trùng tu với tổng kinh phí thực hiện khoảng 42,3 tỉ đồng trong 2 năm 2019 và 2020, trong đó ngân sách của Thừa Thiên - Huế 50% và TP Đà Nẵng 50%.

Ngày 23/4, HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VII thông qua tờ trình của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

Theo đó, dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.

Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 42,3 tỉ đồng, trong đó ngân sách của Thừa Thiên - Huế 50% và TP Đà Nẵng 50%, được tiến hành xây dựng trong 2 năm (2019 - 2020).

Chi hơn 42 tỉ đồng trùng tu thiên hạ đệ nhất hùng quan miền Trung - Ảnh 1.

Di tích cấp Quốc gia Hải Vân Quan hiện nay đã xuống cấp. (Ảnh: Khải Tuấn).

Nội dung và quy mô đầu tư các hạng mục đáng chú ý: tu bổ, phục hồi công trình Hải Vân Quan; công trình Thiên hạ đệ nhất hùng quan; các tường thành nhà Nguyễn; nhà Trú Sứ 3 gian, nhà Vũ Khố 3 gian; phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải Vân Quan xuống phía nam; tuyến đường Thiên Lý từ "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" đi Huế.

Ngoài ra, tu bổ đoạn đường nối Hải Vân Quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" bằng đá xếp theo dấu tích nguyên gốc; tu bổ, phục hồi hệ thống tường chắn đất bằng đá, bậc cấp và nền xếp đá khu vực nhà Trú Sứ và nhà Vũ Khố; tu bổ chống xuống cấp 5 lô cốt; bia chiến thắng Đồn Nhất được điều chỉnh hướng và hình thức kiến trúc bia phù hợp cảnh quan, không gian kiến trúc…

Đồng thời, tôn tạo cảnh quan xung quanh và xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

Qua thẩm tra Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh đều nhất trí về việc đầu tư trung tu, bảo tồn di tích Hải Vân Quan.

Bởi việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan sẽ giữ gìn được giá trị lịch sử, đồng thời phát huy giá trị di tích để trở thành điểm khai thác du lịch cho cả Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.

Đồng thời, đây cũng là điểm nhấn du lịch trên con đường di sản miền Trung và là biểu tượng của sự kết nối, hợp tác giữa hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.

Tuy nhiên, đây là di tích cấp quốc gia, do đó việc tu bổ, phục hồi di tích phải được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng cho ý kiến trước khi thực hiện dự án.

Theo ông Võ Lê Nhật - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (đơn vị chủ đầu tư dự án) cho biết, việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích Hải Vân Quan có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng. 

Theo tìm hiểu, Hải Vân Quan thuộc địa giới hành chính của thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Ngày 14/4/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Hiện di tích này đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Ngoài những giá trị về mặt lịch sử và quân sự, Hải Vân Quan còn được biết đến là một danh thắng nổi tiếng được xem là "quan ải hoành tráng nhất dưới bầu trời."

Hải Vân Quan được các nhà quân sự đánh giá là vị trí hết sức quan trọng trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự hiện diện của Hải Vân Quan dưới triều Nguyễn đã phản ánh phần nào tinh thần giữ nước của người xưa.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (4/5 - 10/5): Đề xuất làm cao tốc Phủ Lý - Nam Định, sẽ mở rộng Vành đai 2 Hà Nội
Đề xuất làm cao Phủ Lý - Nam Định; hơn 17.000 tỷ đồng mở rộng gần 4 km vành đai 2 Hà Nội; lên kế hoạch làm vành đai 4 đoạn qua Bình Dương; phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2050... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.