Chợ Facebook làm tăng sức ép cho các sàn thương mại điện tử?

Chợ Facebook (Facebook Marketplace) sẽ trở nên gần gũi hơn với người sử dụng mạng xã hội, đang gia tăng sức ép với các sàn thương mại điện tử.

Kể từ tháng 2/2020, người sử dụng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam dễ dàng nhìn thấy các mặt hàng khác nhau được đăng bán ngay trên dòng thông tin Facebook (News Feed).

Đó chính là Facebook Marketplace - nơi tập trung các nhu cầu mua và bán của người dùng mạng xã hội này, tương tự như một “chợ” trên không gian mạng.

Facebook mở chợ online

Người dùng chỉ đơn giản bấm nút bán hàng, không cần đăng ký trước, nhập thông tin giới thiệu món hàng cần bán, ảnh chụp sản phẩm, khu vực đăng bán. Sau đó hệ thống sẽ hỏi người dùng muốn đăng bán trên Facebook Marketplace hoặc trang Facebook cá nhân của mình.

Chợ Facebook làm tăng sức ép cho các sàn thương mại điện tử? - Ảnh 1.

Chợ Facebook (Facebook Marketplace) sẽ trở nên gần gũi hơn với người sử dụng mạng xã hội, đang gia tăng sức ép với các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: KT)

Facebook Marketplace là mô hình Marketplace C2C (cá nhân bán hàng cho cá nhân) và được cho là có thể tạo cạnh tranh đáng kể với các sàn thương mại điện tử.

Chợ Facebook tuy mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng nhanh chóng được dân bán hàng online đón nhận tích cực vì dễ dàng tương tác và lượng khách hàng “khủng” (hơn 60 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam).

Thêm cách bán hàng online

Chị Nguyễn Trang, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang bán hàng trên trang cá nhân của mình ở Facebook, cho biết ngay sau khi phát hiện Facebook cập nhật thêm một ứng dụng bán hàng với hình thức như một chợ online, chị đã thử đăng bán sản phẩm.

“Thao thác khá dễ dàng, lượt tiếp cận của khách cũng không ít. Người bán chỉ cần có sẵn tài khoản Facebook, bảo đảm điều kiện trên 18 tuổi là có thể đăng bán hàng trên chợ Facebook mà không cần bất cứ thủ tục gì khác. Các sản phẩm được đăng bán xuất hiện ngay trên dòng thông tin Facebook (News Feed)”, chị Trang cho hay.

Chị Trang chia sẻ: “Khi đăng bài trên trang cá nhân, kể cả Zalo hay Facebook, lượng khách tiếp cận chỉ giới hạn trong danh sách bạn bè. 

Cũng có khi đăng trên các nhóm hay Fanpage, để hiệu quả phải chọn trang có nhiều người theo dõi nhưng cũng vướng nhiều quy định do người quản lý trang đặt ra, thậm chí đôi khi còn phải trả phí. Chợ Facebook mới không mất phí. Ai mua hàng chỉ cần liên hệ với người bán qua cửa sổ chat riêng của nền tảng nên khá tiện dụng”.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, với tính chất miễn phí và phù hợp với hình thức cá nhân bán hàng cho cá nhân, chợ Facebook có thể làm tăng cạnh tranh đối với các hình thức bán hàng qua các sàn trực tuyến khác, bao gồm các mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, đây mới là dạng chợ “tự phát”, có nghĩa là việc bán hàng dễ dàng nhưng lại thiếu quy định để xác minh, bảo đảm chất lượng hàng hóa và nhiều vấn đề khác liên quan đến quy trình bán hàng giống như một sản phẩm thương mại điện tử thông thường. Nhất là, thiếu quy định để xử phạt người bán nếu có phản hồi về chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, việc Facebook chưa thành lập trụ sở chính thức tại Việt Nam nên cơ quan quản lý chưa có cơ sở cũng như cách thức để quản lý việc thu thuế, giám sát việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, quyền lợi của người mua và bán.

Tại một khảo sát do nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo công bố, có hơn 80% trong số hơn 5.000 chủ shop online tại Việt Nam cho biết có kinh doanh trên Facebook và 55% bán hàng trên Zalo. 

Còn theo thống kê của VinaResearch, có đến 95,8% số người được khảo sát từng mua hàng qua mạng xã hội. Trong đó có 31,2% số người mua sắm thường xuyên.

Dù vậy, có đến 48,1% số người từng mua sắm qua mạng xã hội cho biết mình từng bị lừa, chủ yếu là chất lượng hàng hóa không như cam kết nhưng không cho phép đổi trả.  

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.